Báo Đồng Nai điện tử
En

Người thương binh gắn bó với công việc đi tìm đồng đội

09:07, 24/07/2020

Năm nay, thương binh bị suy giảm sức khỏe 31% Trần Mạnh Cường vừa bước sang tuổi 77. Tuy tuổi cao song người thương binh nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 này vẫn gắn bó với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Khi đảm nhận vai trò Trưởng ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, việc làm vì nghĩa tình đồng đội này càng được ông chú trọng thực hiện.

Năm nay, thương binh bị suy giảm sức khỏe 31% Trần Mạnh Cường vừa bước sang tuổi 77. Tuy tuổi cao song người thương binh nguyên là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 này vẫn gắn bó với việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Khi đảm nhận vai trò Trưởng ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, việc làm vì nghĩa tình đồng đội này càng được ông chú trọng thực hiện.

Thương binh Trần Mạnh Cường, Trưởng ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh dâng hương lên bàn thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: V.Truyên
Thương binh Trần Mạnh Cường, Trưởng ban Chính sách Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh dâng hương lên bàn thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: V.Truyên

Thương binh Trần Mạnh Cường chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng mỗi người cựu chiến binh còn sống, được trở về với gia đình sau chiến tranh là điều may mắn. Bởi rất nhiều đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống, không ít người, hài cốt đến nay vẫn chưa được tìm thấy, trở về với gia đình, đồng đội. Do đó, trách nhiệm của người cựu chiến binh là cố gắng làm hết mình để tìm kiếm đồng đội còn lưu lạc”.

Thương binh Trần Mạnh Cường đã cùng các thành viên trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai sẵn sàng thực hiện những chuyến đi dài ngày để thu thập tin tức, tổ chức cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ở mỗi nơi đến, với vai trò là Trưởng ban Chính sách, ông tìm đến liên hệ với nhân chứng còn sống, chính quyền địa phương để nắm thông tin chỉ dẫn về nơi an táng hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh.

Ông Trần Mạnh Cường kể: “Có những chuyến đi chỉ 1-3 ngày, song cũng có khi kéo dài nửa tháng. Với người già như tôi thì mỗi chuyến đi nhiều rủi ro hơn vì sức khỏe giảm sút, khí hậu vùng miền thay đổi, điều kiện sinh hoạt không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đó là chưa kể sự lo lắng của người thân ở nhà. Nhưng tôi cũng như từng thành viên trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh luôn xác định, còn sức khỏe thì mình còn cố gắng đưa anh em đã hy sinh về với gia đình”.

Với những gia đình, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn khi đến Đồng Nai phải lưu lại thời gian dài, cựu chiến binh Trần Mạnh Cường còn hỗ trợ tiền ăn uống, đi lại cho nhiều trường hợp. Đặc biệt, không phải trường hợp nào khi đến địa phương cũng tìm được nhân chứng ngay mà thường phải mời nhân chứng từ xa đến tận nơi để chỉ vị trí an táng hài cốt liệt sĩ. Bởi nếu chỉ trao đổi qua điện thoại, văn bản thì rất khó hình dung nơi chôn cất do địa hình, địa vật đã thay đổi theo thời gian.

Chẳng hạn như trước đây, Sư đoàn 7 có đồng đội phụ trách việc tải thương, an táng bộ đội hy sinh. Nay người đó sống tại TP.Hà Nội. Mỗi lần có gia đình liệt sĩ tìm đến nhờ tìm kiếm thông tin về nơi an táng liệt sĩ ở chiến trường, ông Trần Mạnh Cường lại mời cựu binh này vào giúp sức. Mọi chi phí từ vé máy bay, ăn ở đều được ông Trần Mạnh Cường bỏ tiền túi ra hỗ trợ. “Nhân chứng tuổi đã cao, lại ở xa nhưng vẫn nhiệt tình dành thời gian đến giúp Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, giúp gia đình liệt sĩ thì trong khả năng của mình, tôi muốn san sẻ bớt gánh nặng với họ” - ông Trần Mạnh Cường nói.

Ông Nguyễn Xuân Cương, Phó chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh cho biết, hơn 10 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh đã xác minh, tìm kiếm và quy tập được gần 200 hài cốt các anh hùng liệt sĩ. Tuy đây là nỗ lực chung của cả tập thể nhưng không thể không nhắc đến phần đóng góp quan trọng của ông Trần Mạnh Cường. Với những đóng góp vì việc nghĩa của mình, vừa qua thương binh Trần Mạnh Cường đã được Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đề nghị trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Sông Thao

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích