Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ cuối năm

03:10, 31/10/2019

"Nhiệm vụ còn lại của năm 2019 rất nặng nề, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vừa chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Do đó, cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ...".

“Nhiệm vụ còn lại của năm 2019 rất nặng nề, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, vừa chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Do đó, trên cơ sở những kết quả đạt được trong 9 tháng của năm 2019, cả hệ thống chính trị cùng nỗ lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra”.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Công Nghĩa
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Công Nghĩa

[links()]Đây là nội dung được đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 (khóa X) diễn ra vào ngày 30-10 nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy trong 9 tháng của năm 2019 và triển khai chương trình công tác quý IV-2019. Cùng chủ trì hội nghị có Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn và Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng.

* Nhiều kết quả phấn khởi

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường:

Chắc chắn phải hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách

Năm 2018, Đồng Nai đã không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Năm nay, tỉnh đã đôn đốc, chỉ đạo sát sao với quyết tâm nhất định phải hoàn thành chỉ tiêu này, dù biết sẽ có rất nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, thu ngân sách đã tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái và tỉnh đang dồn sức, tập trung nhiều giải pháp để thực hiện đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho biết, trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy, đến thời điểm này đã có 4 chỉ tiêu chủ yếu và chỉ tiêu thành phần dự kiến vượt; 21 chỉ tiêu đạt mục tiêu nghị quyết.

4 chỉ tiêu chủ yếu và chỉ tiêu thành phần dự kiến vượt gồm: chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 10 xã (mục tiêu nghị quyết là 5-7 xã); chỉ tiêu tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn QC 02 là 75% (mục tiêu nghị quyết là 73%); chỉ tiêu thành phần về tỷ lệ cai nghiện ma túy tập trung đạt 11,39% (mục tiêu nghị quyết là 7,5%), tỷ lệ cai nghiện ma túy tại cộng đồng và cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện đạt 13,77% (mục tiêu nghị quyết 12,5%); chỉ tiêu thành phần tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa dự kiến đạt 75% (nghị quyết là 72%).

“Ngày 18-10 vừa qua, Chính phủ đã công nhận Đồng Nai là một trong hai địa phương của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là tiền đề quan trọng để Đồng Nai tiếp tục phấn đấu, nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thời gian tới” - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà nhấn mạnh.

Thông tin thêm về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện còn 3 xã đã nộp hồ sơ, 7-8 xã chuẩn bị nộp hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Riêng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, dù trong mục tiêu Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy không đề ra nhưng tỉnh vẫn chọn 2 xã là Xuân Định của huyện Xuân Lộc và Bình Lợi của huyện Vĩnh Cửu để triển khai, phấn đấu đến cuối năm 2019, một trong hai xã này sẽ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 (khóa 10)
Các đại biểu tham dự Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 (khóa 10)

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng phấn khởi cho hay, trong 10 tháng của năm 2019, Đồng Nai đón 4 triệu lượt khách du lịch (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018), doanh thu đạt 1.350 tỷ đồng (tăng 15,7% so với cùng kỳ). “Một điều đáng mừng là mức chi tiêu của khách du lịch đã cao hơn trước, bình quân 1 người chi tiêu hết 350 ngàn đồng khi đến Đồng Nai, so với năm 2018 tăng 50 ngàn đồng/khách du lịch. Mức chi tiêu tăng này dù còn khiêm tốn nhưng cho thấy các khu du lịch, sản phẩm du lịch ở Đồng Nai đã có nhiều đổi mới để thu hút khách du lịch” - Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch nhấn mạnh.

* Còn nhiều khó khăn, thách thức

Một trong những vấn đề được các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian thảo luận chính là những khó khăn, thách thức đã và đang làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2019.

Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà cho hay, 9 tháng của năm 2019, thu ngân sách đạt tổng thể trên 70% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018, song về cơ cấu thu nội địa lại không đạt. Cụ thể, khả năng hụt chi theo cân đối là 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vấn đề giải ngân xây dựng cơ bản rất chậm. Theo số liệu đến ngày 30-10, về khối tỉnh, khả năng giải ngân được 57,23% và khối huyện là 69%. Riêng vốn Trung ương giao từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến thời điểm này là 11.490 tỷ đồng.

“Tỉnh đăng ký với Chính phủ, sẽ giải ngân nguồn vốn này trong 4 giai đoạn và năm 2019 là năm đầu tiên sẽ triển khai giải ngân 1.500 tỷ đồng và dự kiến đến cuối năm 2019 giải ngân thêm 1.600 tỷ đồng, vượt so với đăng ký của tỉnh với Chính phủ” - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư khẳng định.

Một trong những nguyên nhân được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường cho rằng tiến độ giải ngân chậm là do thủ tục giải ngân còn rườm rà, tốn kém. “Không có đơn vị thi công nào đi vay tiền của ngân hàng đầu tư dự án mà không muốn giải ngân để lấy tiền. Thế nhưng, có tình trạng vì thủ tục giải ngân quá phức tạp, chủ đầu tư đành dồn lại cuối năm làm luôn một thể để đỡ tốn chi phí. Do đó, Kho bạc Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cùng các đơn vị có liên quan cần xem xét, chấn chỉnh lại vấn đề này để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân dự án” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, tình hình dịch tả heo châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến người nông dân trong tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, đến thời điểm này đã có 430 ngàn con heo phải tiêu hủy ở khoảng 5 ngàn hộ chăn nuôi. Tỉnh đã tiến hành hỗ trợ được 344/644 tỷ đồng ngân sách nhằm giúp người dân có heo bị tiêu hủy giải quyết khó khăn. “Lúc này, việc tái đàn là cần thiết nhưng cần có sự kiểm soát kỹ lưỡng, chặt chẽ của địa phương, tránh tình trạng vừa tái đàn lại bị dịch bệnh và lại tiếp tục phải hỗ trợ” - Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh nhấn mạnh.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, Bí thư Huyện ủy Cao Văn Quang cho biết, hiện Cẩm Mỹ đang thiếu bác sĩ trầm trọng, mới đạt khoảng 4 bác sĩ/vạn dân, trong khi tỷ lệ chung của tỉnh đã là 8,5 bác sĩ/vạn dân. Nhiều năm nay, huyện không thu hút được bác sĩ về làm việc, thậm chí có bác sĩ trẻ hôm trước vừa nhận việc, hôm sau đã nghỉ. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất của các cơ sở y tế xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo môi trường làm việc cho bác sĩ. Huyện đã nhiều lần kiến nghị về việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp Trung tâm y tế huyện nhưng tiến độ thực hiện khá ì ạch.

Cũng liên quan đến lĩnh vực y tế, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Quang Huy cho hay, vừa qua khi dự tiếp xúc cử tri tại một số địa phương, người dân còn phàn nàn nhiều đến chất lượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. “Có rất nhiều vấn đề mà người dân phản ảnh, đơn cử như việc khám, chữa bệnh đúng ngày thẻ bảo hiểm y tế hết hạn là ngày 31-12. Cơ sở y tế chỉ đồng ý cấp thuốc cho đúng 1 ngày vì  hạn thẻ còn 1 ngày dù người dân đã mua bảo hiểm năm sau. Hỏi thì nhân viên y tế nói do quy định nhưng không biết là quy định nào. Rất vô lý nhưng cũng thật đau xót” - Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ.

Cũng tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xem xét đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên thuộc thẩm quyền.

7 nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2019:

- Tập trung rà soát lại kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy đã đề ra, nhất là chỉ tiêu đạt còn thấp, các công việc còn tồn đọng, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị.

- Xây dựng các giải pháp tạo nguồn vốn và có kế hoạch bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn, tập trung xử lý kịp thời, dứt điểm các trường hợp vi phạm…

- Triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý và điều hành thu ngân sách.

- Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là dịp lễ, Tết…

- Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

- Tăng cường giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là dịp lễ, Tết cuối năm. Tập trung giải quyết những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân, không để lây lan và thành “điểm nóng”…

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Kết luận số 34-KL/TU của Tỉnh ủy về đề án Nâng cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành trong Đảng bộ tỉnh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nguyễn Phượng


Bí thư Thành ủy Long Khánh Nguyễn Văn Nải:

Xử lý nghiêm cán bộ nếu để xảy ra phân lô bán nền trái phép

Thành ủy đã quán triệt với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các phường, xã về trách nhiệm quản lý đất đai trên địa bàn. Thành phố không chấp nhận chuyện phân lô bán nền trái phép công khai mà cán bộ phường, xã lại không biết. Nếu địa bàn nào để xảy ra phân lô bán nền trái phép thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi đó phải chịu trách nhiệm, Thành ủy cương quyết thay thế những cán bộ để xảy ra phân lô bán nền trái phép.

Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Phạm Văn Thuận:

Nhiều dự án trên địa bàn huyện chậm triển khai

Huyện Xuân Lộc đang gặp khó khăn như một số địa phương khác là chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nguyên nhân chính là do giá thay đổi, phải làm lại thủ tục từ đầu, điều đó đã dẫn đến “đội vốn” so với dự toán ban đầu. Chẳng hạn khi xây dựng dự án mở rộng ngã ba Suối Cát chậm vài tháng đã tăng vốn đền bù lên tới 24 tỷ đồng. Nhiều dự án nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng chậm triển khai. Nếu kéo dài sự chậm trễ sẽ lãng phí vì đất để không, trong khi đây đều là những diện tích đất màu mỡ,  do đó kiến nghị tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này.

Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu Trần Trung Nhân:

Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư du lịch

Huyện Vĩnh Cửu muốn chuyển đổi nhiều hécta đất rừng sản xuất, chủ yếu trồng tràm hiệu quả kinh tế rất thấp nhưng lại liên quan tới tỷ lệ che phủ rừng. Do đó, huyện rất muốn được xem xét phê duyệt để người dân có thể trồng các loại cây ăn trái hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống người dân.

Bên cạnh đó, Vĩnh Cửu kiến nghị với tỉnh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư du lịch lớn đầu tư vào huyện để khai thác tối đa và bền vững tiềm năng du lịch của huyện. Chắc chắn việc phát triển du lịch sẽ đem lại cho huyện Vĩnh Cửu một diện mạo mới.

Công Nghĩa (ghi)


 

Tin xem nhiều