Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguy cơ cháy, nổ ở các xưởng gỗ

07:04, 09/04/2018

Với đặc thù của ngành nghề sản xuất, nguy cơ cháy, nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ rất cao, thiệt hại thường rất nặng nề nếu không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiệu quả.

Với đặc thù của ngành nghề sản xuất, nguy cơ cháy, nổ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ rất cao, thiệt hại thường rất nặng nề nếu không có biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiệu quả.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 4 kiểm tra thiết bị chữa cháy tại chi nhánh Công ty TNHH Sơn Cao (huyện Trảng Bom).
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy số 4 kiểm tra thiết bị chữa cháy tại chi nhánh Công ty TNHH Sơn Cao (huyện Trảng Bom).

Đầu năm 2018, vụ cháy ở Công ty TNHH Shingmark Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) đã thiêu rụi 5 ngàn m2 xưởng gỗ gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

* Thiệt hại nặng nề

Trong năm 2017, ở TP.Biên Hòa cũng xảy ra nhiều vụ cháy tại một số doanh nghiệp sản xuất gỗ như: Doanh nghiệp tư nhân Bentree Vina, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ván Việt, Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam...  gây thiệt hại nặng nề.

Xảy ra nhiều vụ cháy ở Trảng Bom

Huyện Trảng Bom hiện có 83 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thuộc diện quản lý về PCCC, các cơ sở chủ yếu tập trung tại các xã: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh, Giang Điền. Từ năm 2013 đến nay, tại huyện Trảng Bom đã xảy ra 18 vụ cháy các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chập điện và ma sát kim loại trong quá trình chà nhám bề mặt gỗ.

Các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ thường tập trung một lượng lớn các chất dễ cháy như: nguyên vật liệu từ gỗ, dung môi sơn, hàng thành phẩm, bụi, mùn cưa... Trong quá trình hoạt động nếu không có các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC rất dễ dẫn đến phát sinh cháy, nổ đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, bên cạnh các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC thì vẫn còn nhiều nơi chưa tuân thủ. Nhất là các cơ sở gia công, chế biến gỗ nhỏ, lẻ; xưởng mộc và các cơ sở chế biến gỗ tại gia, không đăng ký kinh doanh, ẩn họa nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Điều đáng nói, ý thức chấp hành các quy định về PCCC của người đứng đầu cơ sở và người lao động tại một số cơ sở sản xuất, chế biến gỗ còn rất hạn chế như: còn tùy tiện trong việc bố trí hàng hóa, vật liệu, hóa chất; tùy tiện trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện; khi thiết kế nhà xưởng chưa quan tâm đến biện pháp đảm bảo an toàn PCCC... Phương tiện PCCC cho các cơ sở gia công, chế biến gỗ hiện nay còn thiếu, việc trang bị phương tiện còn chưa đồng bộ và đầy đủ theo quy định.

Qua kiểm tra của Cảnh sát PCCC tỉnh tại các nhà xưởng của Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Kiến Phúc (huyện Trảng Bom) cho thấy trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác PCCC còn thiếu về số lượng, kém về chất lượng; các kho còn chất hàng chắn lối đi, chắn các vị trí công tắc điện và vị trí đặt bình chữa cháy.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết do nhà xưởng sử dụng lâu nên các thiết bị đã xuống cấp. Thời gian tới, sau khi được cơ quan chức năng đề nghị, doanh nghiệp sẽ cho thay mới, sửa chữa, đặc biệt là hệ thống thiết bị chữa cháy cầm tay, hệ thống điện và các bảng tiêu lệnh chữa cháy.

* Nâng cao ý thức tự giác của chủ doanh nghiệp

Thượng tá Ngô Hồng Khanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 4 (phụ trách các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Thống Nhất) Cảnh sát PCCC tỉnh, cho biết thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp kiểm tra liên ngành về an toàn PCCC đối với các cơ sở trọng điểm, trong đó có cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Qua đó đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; công tác kiểm tra an toàn PCCC, công tác xử phạt vi phạm hành chính về PCCC đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Đồng thời hướng dẫn người đứng đầu cơ sở lập và thực tập phương án chữa cháy theo đúng quy định.

5.	Phòng Cảnh sát PCCC số 4 đề nghị Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Kiến Phúc sửa hệ thống điện kém an toàn. Ảnh: Đăng Tùng
5. Phòng Cảnh sát PCCC số 4 đề nghị Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Kiến Phúc sửa hệ thống điện kém an toàn. Ảnh: Đăng Tùng

Ngoài ra, Phòng Cảnh sát PCCC số 4 đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn để tuyên truyền, vận động người đứng đầu cơ sở và người dân tại các làng nghề sản xuất, chế biến gỗ tập trung chấp hành đầy đủ các quy định về PCCC. Các đợt tuyên truyền, vận động đã giúp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn.

Thượng tá Ngô Hồng Khanh nhấn mạnh người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở phải quan tâm ban hành nội quy an toàn PCCC và niêm yết nội quy, sơ đồ chỉ dẫn PCCC, sơ đồ thoát nạn, sơ đồ bố trí phương tiện PCCC, biển cấm, biển báo tại cơ sở theo quy định và thực hiện nghiêm các quy định khác về Luật PCCC.

Thượng úy Trần Kim Nam (cán bộ Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC Phòng Cảnh sát PCCC số 4) cho hay để đảm bảo an toàn PCCC trong chế biến sản xuất gỗ, các cơ sở cũng như các chủ hộ sản xuất, kinh doanh và gia công gỗ cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn PCCC, xây dựng và bổ sung hồ sơ PCCC kịp thời theo quy định, trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC.

 “Công tác PCCC không chỉ là nhiệm vụ của ngành công an mà là trách nhiệm của cộng đồng. Trong đó, mỗi người dân, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động bổ sung kiến thức, chấp hành nghiêm an toàn PCCC đảm bảo theo quy định... Từ đó, góp phần quan trọng hạn chế được những nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra” - Thượng tá Ngô Hồng Khanh khuyến cáo.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều