Bộ tranh 21 bức chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 do họa sĩ Mai Nhơn (Mai Văn Nhơn) thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng tại Hội nghị cấp cao APEC 2017. Đây là vinh dự không chỉ riêng họa sĩ mà của cả Đồng Nai.
Bộ tranh 21 bức chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 do họa sĩ Mai Nhơn (Mai Văn Nhơn) thực hiện đã được Thủ tướng Chính phủ chọn làm quà tặng tại Hội nghị cấp cao APEC 2017. Đây là vinh dự không chỉ riêng họa sĩ mà của cả Đồng Nai. Điểm đặc biệt của bộ sản phẩm này là tranh được thực hiện bằng chất liệu ghép gốm - một vật liệu truyền thống của Đồng Nai.
Họa sĩ Mai Nhơn báo cáo về bộ tranh chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh. |
Nhắc đến họa sĩ Mai Nhơn, người trong giới mỹ thuật không ai là không biết dù nhiều năm qua anh là công chức, hết công tác tại Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đến Sở Ngoại vụ, và nhiệm vụ hiện tại của anh là Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai.
* Cách thể hiện mới của gốm
Tranh ghép gốm đã xuất hiện từ lâu, nhưng dùng gốm ghép thể hiện chân dung thì còn hiếm hoi, bởi cách cắt gốm thành nhiều mảnh nhỏ tinh tế, chính xác, theo đúng gam màu, sắc độ của từng vị trí, quan trọng là phải đặc tả được các cơ mặt để thể hiện thần thái nhân vật và mang giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao là điều rất khó, vì thế ít nghệ sĩ theo đuổi.
Theo quy định, tất cả các sản phẩm làm quà tặng ở Hội nghị cấp cao APEC 2017 ngoài việc phải qua Hội đồng Thẩm định quốc gia về mặt mỹ thuật, phải đạt tiêu chí đại diện cho văn hóa Việt Nam, còn phải trải qua quá trình kiểm tra về mặt an toàn rất nghiêm ngặt. Với 21 bức tranh trong bộ sản phẩm quà tặng Hội nghị cấp cao APEC 2017 của Đồng Nai, mỗi bức tranh đều có “hồ sơ lý lịch” và chứng nhận của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam thể hiện đây là tác phẩm độc bản và nằm trong một seri. |
Ý tưởng làm tranh ghép gốm đã được anh thực hiện cách đây hơn 10 năm. Họa sĩ Mai Nhơn cho biết trong hành trình mở cõi phương Nam, nghề gốm mà đặc biệt là gốm mỹ thuật đã sớm trở thành nghề truyền thống ở Đồng Nai. Qua gần 320 năm hình thành và phát triển, cái tên gốm Biên Hòa không chỉ là một chỉ dẫn địa lý mà còn mang giá trị văn hóa của Đồng Nai. Do vậy, anh muốn thực hiện và phát triển dòng tranh ghép gốm không chỉ là một sự sáng tạo trong mỹ thuật mà còn mong muốn qua đó lưu giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai, vì tranh cũng là một cách thể hiện mới của gốm ngoài các sản phẩm mỹ thuật quen thuộc trước đây.
Những năm qua, họa sĩ Mai Nhơn đã thực hiện rất nhiều bức tranh ghép gốm theo kiểu vừa làm vừa tìm hiểu rút kinh nghiệm. Làm tranh ghép gốm rất cầu kỳ. Đầu tiên, người thực hiện phải có góc nhìn thẩm mỹ để chọn hoặc design bức hình, phác họa ý tưởng. Về chất liệu, họa sĩ Mai Nhơn chọn gốm sản xuất ở vùng Hóa An, Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) vì sản phẩm mang nét đặc trưng của gốm Biên Hòa. Gốm được tô màu theo ý tưởng của tranh rồi đưa vào lò nung, mày mò thí nghiệm rất nhiều lần, số gốm nung hỏng chất đầy cả nhà anh mới chọn được nhiệt độ để nung gốm thích hợp, bền màu là ở 1.200oC. Những mảnh gốm nhỏ sau khi nung được cắt ra từng mảnh nhỏ, nhưng không phải cắt tùy ý mà phải tạo khối theo yêu cầu của bức tranh. Họa sĩ Mai Nhơn cho biết nghe thì đơn giản, nhưng không phải lúc nào gốm nung ra hay cắt mảnh đều đạt yêu cầu mà số lượng hư cũng không ít.
Ghép gốm lên tranh là công đoạn đòi hỏi phải hết sức tỉ mỉ, khéo léo, trong đó quan trọng nhất là người thực hiện phải có “mắt nhìn” về màu sắc để tạo ra những khối màu đậm nhạt phù hợp và hài hòa. Mảnh gốm ghép lên nếu ưng ý sẽ dán keo chết để định vị, nhưng do mảnh gốm thường có độ dày mỏng khác nhau nên khi dán sẽ có chênh cao thấp nhất định, người thực hiện cần rất lưu ý đến yếu tố này, ngoài ra trong quá trình dán cũng phải thận trọng không để keo bị xì, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của tranh. Sau khi tranh hoàn thành, còn phải “bốc” toàn bộ bức tranh để cố định lần cuối.
* Đưa văn hóa Đồng Nai ra thế giới
Họa sĩ Mai Nhơn cho biết khi hay tin Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017, anh đã có ý tưởng thực hiện bộ tranh ghép gốm 21 vị lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017. Từ rất nhiều bức ảnh của các vị nguyên thủ, anh cân nhắc rất lâu để từ đó chọn ra những bức đẹp nhất để thực hiện. Ngày nào cũng vậy, sau khi hết giờ làm việc ở cơ quan anh lại trở về xưởng gốm nhỏ của mình ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) miệt mài làm tranh, cùng làm với anh chỉ có 2 người phụ việc, rất nhiều hôm “bộ ba” này đang lúc hứng thú thế là thức trắng đêm để làm việc. Cứ âm thầm, lặng lẽ và miệt mài như thế, phải mất khoảng 1 tháng ròng rã anh mới hoàn thành xong 1 bức tranh. Tuy công việc sáng tác mất thời gian, công sức là vậy, nhưng chỉ cần cảm thấy tranh còn có điểm chưa được như ý là anh tiếp tục làm lại cho đến bao giờ đạt yêu cầu mới thôi.
Họa sĩ Mai Nhơn kể, theo quy định sản phẩm quà tặng tại Hội nghị cao cấp APEC phải qua thẩm định, nghiệm thu của Hội đồng Thẩm định nghệ thuật gồm: Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có những “cây đa cây đề” trong giới mỹ thuật như: họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam... Hội đồng đánh giá rất cao tính mỹ thuật và đặc biệt là sự sáng tạo của bộ tranh. Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn đánh giá đây là dòng sản phẩm khá độc đáo, vì gốm sứ Biên Hòa - Đồng Nai đã được công nhận là 1 trong 50 sản phẩm vàng cấp quốc gia, nay được thể hiện với phương thức mới có thể xem là tác phẩm mỹ thuật hay sản phẩm làng nghề đều phù hợp. Sản phẩm là quà tặng vừa sáng tạo mới mẻ, vừa đạt thẩm mỹ sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và văn hóa Đồng Nai nói riêng ra thế giới.
“Hồi hộp” nhất là phần nhận xét của họa sĩ Trần Khánh Chương. Họa sĩ Mai Nhơn thú vị kể lại, lúc xem tranh họa sĩ Trần Khánh Chương cứ đi vòng vòng, “hầm hừ” nói: “Các anh nghĩ sao mà mang một sản phẩm như thế này làm quà tặng ở Hội nghị cấp cao APEC?”. Lúc tác giả thầm nghĩ sản phẩm chắc là không “qua” được, thì họa sĩ Trần Khánh Chương tiếp lời: “Một bức tranh đẹp như thế này, đáng giá hàng trăm triệu đồng như thế này mà các anh “mặc” cho “chiếc áo” (tức là khung tranh) chỉ 500 ngàn đồng, thế mà xem được à? Nhất định phải thay khung tranh, làm bao bì thật tương xứng”. Nghe xong, trái tim như đang treo lơ lửng của Mai Nhơn hạ xuống, đồng thời một niềm lâng lâng khó tả như lan tỏa khắp trong anh, hân hoan và hạnh phúc.
Họa sĩ Mai Nhơn tâm sự, mang tấm lòng người con đất Đồng Nai, thừa hưởng nghệ thuật làng nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa và phát triển theo một hướng đặc biệt, anh chỉ mong muốn có thể giới thiệu những kết tinh văn hóa Đồng Nai trong cả nước và rộng ra thế giới. Bộ tranh chân dung ghép gốm được chọn là quà tặng tại Hội nghị cấp cao APEC 2017, anh cảm thấy thật hạnh phúc vì đã làm một việc rất có ý nghĩa, mang sản phẩm đặc trưng của Đồng Nai góp phần cùng cả nước tạo nên ấn tượng tốt đẹp tại APEC 2017.
21 bức tranh chân dung lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 gồm: ông Trần Đại Quang (Chủ tịch nước chủ nhà Việt Nam), ông Donald Trump (Tổng thống Mỹ), ông Vladimir Putin (Tổng thống Nga), ông Tập Cận Bình (Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), ông Justin Trudeau (Thủ tướng Canada), ông Malcolm Turnbull (Thủ tướng Úc), ông Shinzo Abe (Thủ tướng Nhật Bản), ông Moon Jae In (Tổng thống Hàn Quốc), ông Lý Hiển Long (Thủ tướng Singapore), bà Jacinda Ardern (Thủ tướng New Zealand), ông Hassanal Bolkiah (Quốc vương Brunei), ông Rodrigo Duterte (Tổng thống Philippines), ông Najib Razak (Thủ tướng Malaysia), ông Prayuth Chan-Ocha (Thủ tướng Thái Lan), ông Joko Widodo (Tổng thống Indonesia), ông Peter O’Neill (Thủ tướng Papua New Guinea), bà Michelle Bachelet (Tổng thống Chile), ông Enrique Pena Nieto (Tổng thống Mexico), ông Pedro Pablo Kuczynski (Tổng thống Peru), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Trưởng đặc khu Hong Kong), bà Thái Anh Văn (Nhà lãnh đạo Đài Loan). Ngoài ra, bộ tranh còn có thêm 2 bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tặng cho Chính phủ. |
Thanh Thúy