Nhà mẹ nhiều Huân chương Kháng chiến, bằng Tổ quốc ghi công lắm. Mỗi lần có đoàn đến thăm hay khi ra đường gặp ai họ cũng nói nhà mẹ là gia đình vẻ vang vì có nhiều đóng góp cho đất nước.
“Nhà mẹ nhiều Huân chương Kháng chiến, bằng Tổ quốc ghi công lắm. Mỗi lần có đoàn đến thăm hay khi ra đường gặp ai họ cũng nói nhà mẹ là gia đình vẻ vang vì có nhiều đóng góp cho đất nước. Nhưng mỗi khi đêm xuống, ngồi một mình mẹ thấy nhà mình vắng vẻ quá. Mẹ nhớ về những lần tiễn chồng, con đi kháng chiến... Nhưng mà nhìn đất nước tự do, con cháu mình được sống bình an, ấm no, mẹ không cảm thấy hối tiếc những gì đã qua, mà thấy những mất mát đó thật có giá trị”.
Mỗi lần nhìn lại di ảnh của con - liệt sĩ Phạm Văn Mai là mẹ Nguyễn Thị Được (84 tuổi, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) đều không cầm được nước mắt. |
Đó là tâm sự của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Được (84 tuổi, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ).
* Vượt qua nỗi đau
Mẹ Nguyễn Thị Được chia sẻ: “Tuy đất nước còn gặp nhiều khó khăn song Nhà nước rất quan tâm đến gia đình có công. Hàng năm, mẹ đều được tham gia các buổi tri ân gia đình liệt sĩ, gia đình có công. Mỗi dịp lễ, tết, các đoàn thể, chính quyền địa phương đều đến thăm nom, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ liệt sĩ. Riêng mẹ được hưởng tiền hỗ trợ hàng tháng, chăm sóc y tế”. |
Mẹ Được kể, ngày nhỏ gia đình mẹ khá giả nên đời sống cứ thong thả trôi qua. Mẹ có thể không đi làm cách mạng mà lấy chồng sinh con như những người phụ nữ bình thường khác. Nhưng khi thấy những tội ác của chính quyền Sài Gòn với đồng bào, mẹ thức tỉnh. “Năm 1964, khi chồng có ý định theo nhóm bạn đi quân dịch để kiếm tiền lo cho gia đình, mẹ đã phản đối. Mẹ kể cho ổng nghe những việc tàn ác của chính quyền Sài Gòn và dặn ổng nếu có cầm súng thì phải đi làm cách mạng, tham gia kháng chiến để cứu dân cứu nước. Ban đầu ổng còn do dự lắm vì ổng nghĩ tới trách nhiệm với mẹ già, vợ và một đàn con dại, nếu ổng đi thì lấy ai che chở cho gia đình. Nhưng nhờ mẹ thuyết phục, ổng lên đường tham gia kháng chiến vào năm 1964. Lần đó ổng đi thì con trai lớn mới 4 tuổi, 2 đứa con gái nhỏ một còn ẵm ngửa, một đang trong bụng nên không biết mặt cha vì năm 1969 ổng hy sinh. Khi hay tin cả nhà đau buồn lắm. Vậy mà không ai sợ, chỉ càng thêm căm thù giặc” - mẹ Được kể.
Cũng trong thời gian chồng tham gia kháng chiến và sau đó hy sinh, mẹ Nguyễn Thị Được vừa lo cho gia đình vừa tham gia hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch. Mẹ từng bị bắt 2 lần vào các năm 1966, 1967, nếm đủ mọi cực hình tra tấn nhưng vẫn một mực im lặng khiến kẻ thù không moi được thông tin gì. Sau khi được thả, chính quyền Sài Gòn trục xuất mẹ Nguyễn Thị Được khỏi nơi cư trú. Lúc đó, đàn con nhỏ của mẹ phải lang thang xin ăn khắp nơi và nhờ vào sự cưu mang của bà con hàng xóm mới sống được. “Lúc đó tôi là út, mới hơn 6 tuổi. Không có cha mẹ bên cạnh, anh em chúng tôi sống bằng tình thương của hàng xóm, ai cho gì ăn cái đó. Nhưng mà anh em tôi đều không trách cha mẹ mà hiểu rằng do kẻ địch mà anh em tôi mới khổ cực vậy”- bà Phạm Thị Hóa (con gái út của mẹ Nguyễn Thị Được) nói.
Cũng từ truyền thống gia đình, căm thù tội ác của giặc nên năm 1970, khi 16 tuổi, con trai duy nhất của mẹ Được cũng theo chí hướng của cha mà theo cách mạng. Đến đầu năm 1975, khi chỉ cách ngày đất nước thống nhất 25 ngày, con trai mẹ Được hy sinh. Khi hay tin dữ, mẹ ngã quỵ: “Nó mới 21 tuổi, còn chưa có người yêu, là đứa con trai duy nhất của gia đình. Mẹ thấy đời mình giống như một bản nhạc buồn. Nhưng rồi mẹ nghĩ: đâu chỉ có mình, nhiều người mẹ khác trong cả nước cũng chịu nỗi đau tương tự, thậm chí còn nhiều hơn. Vậy nên mẹ cố gắng vượt qua để lo cho những đứa con còn lại”.
* Ghi nhận công lao
Sau khi đất nước hòa bình, gia đình mẹ Được cũng như bao người dân khác bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Mẹ Được nhớ lại: “Những ngày mới hòa bình, do hậu quả của chiến tranh để lại và sau đó là kháng chiến chống xâm lược biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế mà đời sống ai cũng khó khăn. Nhưng mà lúc đó được sống trong hòa bình, không còn tiếng súng nổ, đêm ngủ không lo địch tổ chức càn vào vùng căn cứ, vào xóm làng... tất cả đều vui, hạnh phúc”.
Sống trong cảnh đất nước thanh bình, qua nhiều năm chăm chỉ làm lụng, kinh tế gia đình mẹ được dần ổn định, các con gái đều đã có gia đình. “Tôi từng sống trong thời kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ. Thời kháng chiến gian khổ nguy hiểm đủ đường, cái chết trong gang tấc mà giờ còn được ngồi ẵm cháu chắt, được con cháu chăm lo, phụng dưỡng từ miếng ăn, thức uống thì còn gì may mắn, vui hơn. Đời sống bây giờ phát triển gấp trăm ngàn lần so với trước kia” - mẹ Được cho hay.
Bên cạnh niềm vui với cuộc sống sung túc của gia đình, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Được còn được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, niềm tin vào Đảng, Nhà nước và nhân dân khi những hy sinh, mất mát của gia đình được ghi nhận. Trong đó, năm 1988 chồng mẹ là liệt sĩ Phạm Văn Chế được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng ba. Cũng năm này, mẹ Được đón nhận vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Riêng con trai mẹ là liệt sĩ Phạm Văn Mai được truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba, Huân chương Chiến sĩ giải phóng thời kỳ chống Mỹ hạng ba.
Tiếp đó, năm 2004, chồng và con mẹ được Nhà nước trao bằng Tổ quốc ghi công. Đến năm 2014, mẹ nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng do Nhà nước trao tặng, và năm 2017 mẹ nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Văn Truyên