Ông Thổ Út, Phó ban Dân tộc tỉnh, cho biết trong năm 2016, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào,...
* Toàn tỉnh hiện có 1.548 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số, tăng 573 hộ so với năm 2015.
Tại hội nghị biểu dương, khen thưởng người có uy tín và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh năm 2016 mới đây, ông Thổ Út, Phó ban Dân tộc tỉnh, cho biết trong năm 2016, các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, trực tiếp đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, tham gia tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp (giữa) trò chuyện, động viên người uy tín và các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tại hội nghị biểu dương khen thưởng mới đây. |
Điển hình là hộ bà Lê Thị Lượng (dân tộc Chơro) ở ấp Cây Da, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc). Là hộ nghèo của xã, nhiều năm đi làm mướn, ông bà nhận thấy nhiều hộ gia đình có rẫy điều nhưng không có thời gian chăm sóc. Thay vì đầu tư phân bón, thuê người chăm sóc, thu hoạch, ông bà nảy ra ý tưởng mua bông điều của các hộ, tự đầu tư, chăm sóc và thu hoạch để kiếm lời. Mùa đầu tiên làm thử nên ông bà chỉ dám mua 5 hécta. Sau khi thu hoạch thấy có lời nên mùa thứ 2, bà Lượng bàn với chồng bán bò làm vốn mua bông điều, có thời điểm vợ chồng bà mua tới 25 hécta bông điều. Sau vài năm kinh doanh bông điều có lãi, gia đình bà thoát nghèo, từng bước mua đất canh tác, xây dựng nhà cửa khang trang. Với 1,5 héc ta đất trồng tiêu, mỗi năm gia đình bà Lượng cũng có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng. ‘’Hiện tại, vợ chồng tôi đang ấp ủ mô hình chăn nuôi bò , đồng thời tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật mới trong chăm sóc tiêu để tăng thêm thu nhập’’ - bà Lượng cho hay.
Không chỉ được người dân ấp Suối Dzui (xã Túc Trưng, huyện Định Quán) biết đến với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp, mà ông Đinh Công Tâm (dân tộc Mường) còn là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, làm kinh tế giỏi. Sinh ra trên mảnh đất Hòa Bình, năm 2 tuổi cha mất, một mình mẹ đưa 3 chị em ông Tâm vào Túc Trưng sinh sống. Nghề may của mẹ không đủ nuôi sống cả gia đình 4 miệng ăn nên từ thời niêu thiếu, ông Tâm đã phải đi ở đợ để kiếm cơm ăn và được đi học.
Năm 1993, thấy một số người dân trồng xoài ở xã La Ngà thu nhập cao, ông Tâm mạnh dạn chuyển sang trồng xoài. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, mỗi năm 2 hécta xoài gia đình ông có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Đinh Công Tâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ bà con trong ấp cùng phát triển kinh tế. Đặc biệt, bằng uy tín của mình, ông Tâm mạnh dạn đứng ra bảo lãnh cho 3 hộ dân tộc thiểu số nghèo vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Vì người nghèo của huyện để nuôi bò sinh sản, giúp họ thoát nghèo. Đồng thời, ông Tâm còn là một trong những cá nhân tích cực trong việc thành lập, duy trì hoạt động của tổ tương trợ nhà ở trong ấp. Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình tổ tương trợ nhà ở đã xây được 6 căn nhà cho hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Nga Sơn