Theo thống kê của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, từ năm 2002 tới nay toàn tỉnh có 1.629 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Tuy nhiên, đã có 41 trường hợp bị khai trừ, xóa tên hoặc tự xin ra khỏi Đảng.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, từ năm 2002 tới nay toàn tỉnh có 1.629 đảng viên xuất ngũ trở về địa phương. Tuy nhiên, đã có 41 trường hợp bị khai trừ, xóa tên hoặc tự xin ra khỏi Đảng.
Trung tâm dạy nghề huyện Định Quán đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, trong đó có đảng viên xuất ngũ, sau đó giới thiệu việc làm tại địa phương. |
Theo Đại tá Phạm Văn Mến, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, tỷ lệ đảng viên bị khai trừ, xóa tên hoặc tự xin ra khỏi Đảng những năm qua không cao, nhưng cũng là điều đáng lưu tâm, cần có giải pháp căn cơ để hạn chế.
* Khó cho đảng viên xuất ngũ
Đại tá Phạm Văn Mến cho biết, số đảng viên xuất ngũ bị xóa tên hoặc xin ra khỏi Đảng chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân phải đi làm ăn xa để nuôi sống bản thân và gia đình nên không có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng thường xuyên. Chính vì vậy, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự đã phối hợp với Liên đoàn Lao động các huyện, thị, thành ủy để đảng viên xuất ngũ làm việc ở các doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng được sinh hoạt ghép, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa khả quan.
Trong số 41 trường hợp đảng viên xuất ngũ không còn trong hàng ngũ của Đảng, có 16 đảng viên bị khai trừ, 15 đảng viên bị xóa tên và 10 đảng viên tự làm đơn xin ra khỏi Đảng. |
Trường hợp của anh Trần Sỹ Hà ở thị trấn Gia Ray (huyện Xuân Lộc) là một ví dụ cụ thể. Anh Hà là đảng viên xuất ngũ năm 2012 nhưng không tìm được việc làm tại địa phương, buộc phải sang Bình Dương để làm công nhân. Ở doanh nghiệp anh Hà làm việc không có tổ chức Đảng nên anh không thể sinh hoạt Đảng. Đến ngày sinh hoạt Đảng, anh Hà muốn xin nghỉ không lương cũng không được nên anh buộc phải tự làm đơn xin ra khỏi Đảng, dù rằng anh rất tha thiết được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Còn trường hợp của anh Trần Hữu Bình ở phường An Bình (TP.Biên Hòa) làm đơn xin ra khỏi Đảng cũng với lý do tương tự là bận đi làm ăn xa. Việc viết đơn xin ra khỏi Đảng với anh Bình không phải là điều dễ dàng, trước khi viết đơn anh Bình đã rất trăn trở, đấu tranh tư tưởng với chính bản thân, vì để được kết nạp Đảng ngay trong quân ngũ anh đã từng phải phấn đấu rất nhiều.
* Gỡ khó cho bộ đội xuất ngũ
Ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - thương binh và xã hội), cho biết trên thực tế Nhà nước đã có quy định về chế độ cho bộ đội xuất ngũ, trong đó đảng viên sẽ được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm. Tuy nhiên, những chính sách đó chưa giúp ổn định đời sống cho bộ đội xuất ngũ.
Các con số được ông Trung nêu ra cho thấy, việc học nghề của bộ đội đảng viên xuất ngũ còn chưa mấy hiệu quả. Nhà nước hỗ trợ 100% học phí, ăn ở cho bộ đội xuất ngũ trong quá trình học nghề trình độ từ sơ cấp tới cao đẳng. Tuy nhiên, có tới 98% trường hợp lựa chọn học nghề chỉ dừng ở trình độ sơ cấp, trong đó học lái xe là chủ yếu và chỉ có vỏn vẹn 2% chọn hình thức học nghề ở trình độ cao đẳng. Ông Trung băn khoăn: “Nếu bộ đội xuất ngũ nào cũng chỉ đi học lái xe thì về địa phương lấy xe đâu mà lái, cuối cùng lại thất nghiệp, hoặc lại phải đi làm ăn xa”.
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh, Tỉnh ủy đã giao cho Sở Lao động - thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ theo hướng bám sát nhu cầu số lượng lẫn chất lượng của các doanh nghiệp. Tỉnh ủy hoan nghênh kiến nghị xây dựng cơ chế đặc thù cho đảng viên xuất ngũ, đồng thời sẽ tác động để các doanh nghiệp tạo điều kiện cho thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp và sinh hoạt của đảng viên. |
Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, cho rằng để tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ sớm ổn định cuộc sống, đảng viên xuất ngũ tiếp tục gắn bó với Đảng cần có hình thức hỗ trợ đặc thù. Cụ thể, là có thể tạo quỹ cho bộ đội vay vốn không lấy lãi, tăng cường dạy nghề, giải quyết việc làm ngay tại địa phương nhằm “giữ chân” đảng viên. Việc thành lập các tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cần đẩy mạnh để có thể giới thiệu bộ đội xuất ngũ là đảng viên tới làm việc.
Việc giải quyết việc làm cho bộ đội đảng viên xuất ngũ là rất quan trọng. Bởi, theo Phó bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh, làm tốt được vấn đề này sẽ không chỉ giúp củng cố, phát triển được lực lượng đảng viên tại địa phương, doanh nghiệp mà còn tạo được niềm tin cho thanh niên trước khi nhập ngũ, giữ vững niềm tin của người dân với Đảng. Tỷ lệ đảng viên tự viết đơn xin ra khỏi Đảng dù không nhiều, nhưng để tình trạng này không còn xảy ra, trước khi đảng viên xuất ngũ đơn vị quân đội cần gặp gỡ, trao đổi. Bên cạnh đó, các cấp ủy hàng năm nên có chương trình gặp gỡ với đảng viên xuất ngũ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, từ đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Công Nghĩa