Chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực là một trong 8 chương trình phát triển kinh tế - xã hội được Đồng Nai đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện từ năm 2006.
Chương trình tổng thể đào tạo phát triển nguồn nhân lực là một trong 8 chương trình phát triển kinh tế - xã hội được Đồng Nai đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện từ năm 2006. Giai đoạn 2011-2015, chương trình được tiếp tục thực hiện dựa trên Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 51 của HĐND tỉnh thông qua đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn đến năm 2020; chương trình gồm 4 chương trình nhỏ, bao gồm: đào tạo lao động kỹ thuật; đào tạo sau đại học; đào tạo năng khiếu và đào tạo nguồn nhân lực bổ sung cho hệ thống chính trị.
Học viên được đào tạo nghề kỹ thuật cao tại Công ty Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành). |
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có lao động kỹ thuật đã được tỉnh đầu tư rất lớn, đồng thời xem đây là bước đột phá trong thời gian tới. Đào tạo lao động kỹ thuật sẽ không chỉ đáp ứng về số lượng mà còn phải từng bước đáp ứng chất lượng.
Theo Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng, trong 5 năm (2010-2015) tỉnh đã có thêm 7 cơ sở dạy nghề, nâng tổng số cơ sở dạy nghề hiện nay lên con số 70. Số lượng cơ sở dạy nghề được mở rộng nên hàng năm chỉ tiêu đào tạo nghề được tỉnh giao đều đạt.
* Phủ kín cơ sở dạy nghề
Lĩnh vực đào tạo nghề những năm trở lại đây không chỉ được thực hiện bằng nguồn lực của Nhà nước mà các doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia khá tích cực. Ngoài các trường đại học, cao đẳng có đào tạo kỹ thuật, còn có 8 trường trung cấp nghề, trong đó có 4 trường ngoài công lập. Đồng Nai có 29 trung tâm dạy nghề, trong đó có 18 trung tâm dạy nghề tư nhân, ngoài ra còn có 28 cơ sở dạy nghề quy mô nhỏ. Theo ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - thương binh và xã hội): “Số cơ sở dạy nghề tại Đồng Nai đã tương đối đầy đủ so với nhu cầu phát triển. Chất lượng đào tạo nghề đã được nâng cao và có nhiều mô hình mới đi tiên phong trong đào tạo nghề kỹ thuật. Tại các cuộc thi giáo viên và học sinh giỏi nghề toàn quốc, Đồng Nai luôn đứng ở thứ hạng cao”.
PGS. TS Nguyễn Trọng Hoài (Khoa Kinh tế Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh) cho biết muốn đào tạo nghề kỹ thuật các cơ sở dạy nghề của Đồng Nai cần tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Cần coi đây là hướng đào tạo nghề hiệu quả nhất cả về thời gian và chi phí cho cả người học, nhà trường và doanh nghiệp. |
Trong đào tạo nghề kỹ thuật, Đồng Nai đã có trường đào tạo được một số ngành đạt trình độ chuẩn quốc tế, như: nghề hàn, điện công nghiệp tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 (huyện Long Thành); nghề cơ khí chế tạo tại Trường trung cấp cơ điện Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu). Tại Công ty Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) từ đầu năm 2013, doanh nghiệp này đã bắt đầu triển khai hình thức đào tạo nghề cơ khí chế tạo chất lượng cao theo mô hình liên kết doanh nghiệp và nhà trường. Đây là mô hình đào tạo nghề kỹ thuật hoàn toàn mới, bám sát nhu cầu sử dụng nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp.
Trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động - thương binh và xã hội Mao Quốc Trung cho biết chi phí đào tạo lao động kỹ thuật thường tốn kém, tuy nhiên lợi ích lâu dài đem lại là rất lớn. Do đó, thời gian qua tỉnh đã nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề theo hướng hiện đại và đồng bộ. Chỉ tính kinh phí nâng cao trình độ cho giáo viên dạy nghề kỹ thuật đã lên tới trên 39 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ 26 tỷ đồng, ngân sách tỉnh là 13 tỷ đồng. Tỉnh đã đầu tư trọng điểm về thiết bị dạy nghề kỹ thuật với tổng số tiền trên 53 tỷ đồng trong 4 năm gần đây cho 2 trường cao đẳng là: cao đẳng nghề Đồng Nai, cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch và Trường trung cấp nghề 26-3.
* Tăng cường liên kết
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển đang có chiến lược thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, do đó nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều cơ sở dạy nghề công lập được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng, như: Trường trung cấp nghề 26-3, Trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật Nhơn Trạch… đang phải hoạt động cầm chừng, gây lãng phí rất lớn vì không thu hút được học viên. Cũng vì lẽ đó, năm 2014, tỉnh đã sáp nhập 2 trường trung cấp vào Trường đại học Đồng Nai do hoạt động không hiệu quả.
Theo quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề, giai đoạn 2016-2020 tỉnh sẽ có tới 81 cơ sở. Mục tiêu của tỉnh tới năm 2020, Trường cao đẳng nghề Lilama 2 sẽ đạt chuẩn quốc tế, Trường cao đẳng nghề Đồng Nai và Trường cao đẳng nghề khu vực Long Thành - Nhơn Trạch sẽ đạt chuẩn quốc gia ở một số nghề kỹ thuật trọng điểm. Tiến sĩ Lê Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lilama 2, chia sẻ: “Nhà trường đang nỗ lực đầu tư lớn cả về nhân lực lẫn vật lực để trở thành trường đạt tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo nghề. Đây là đòi hỏi có tính chất sống còn khi đầu năm 2016 Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung Asean và ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế khác”.
Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm tỉnh tuyển mới được trên 65 ngàn lao động, trong đó hệ cao đẳng nghề là trên 15 ngàn người, trung cấp nghề là trên 26 ngàn người, còn lại là sơ cấp nghề. Nếu như đầu năm 2011 tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt 42,6% thì đến cuối năm 2015 có thể đạt trên 50%. Để nâng cao chất lượng đào tạo các nghề, đặc biệt là lao động kỹ thuật, tỉnh đã bồi dưỡng trình độ cho trên 2,2 ngàn giáo viên, nhiều giáo viên khác được cử đi đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài. Tỉnh cũng đã ký với Trường cao đẳng nghề Lilama 2 để đào tạo trình độ sư phạm quốc tế về dạy nghề kỹ thuật cho các trường cao đẳng và trung cấp nghề trên địa bàn. |
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoài (Khoa Kinh tế Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh), việc Đồng Nai tiếp tục coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có lao động kỹ thuật là khâu đột phá là hoàn toàn chính xác. Đây là đòi hỏi rất cần cho sự phát triển và nâng cao tính cạnh tranh bền vững cho nền kinh tế của tỉnh. Việc phát triển nguồn lao động kỹ thuật sẽ giúp tỉnh nâng cao được “giá trị quốc gia” trong mỗi sản phẩm, nghĩa là người lao động do tỉnh đào tạo có góp sức sáng tạo vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư, tạo ra được những giá trị lớn hơn chứ không đơn thuần là lao động giản đơn như hiện nay”.
Để đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật của doanh nghiệp, trong 5 năm tới, tỉnh đã có kế hoạch đào tạo khoảng 22 ngàn lao động kỹ thuật có trình độ cao đẳng và 33,8 ngàn lao động có trình độ trung cấp. Số giáo viên dạy nghề cũng được tăng lên gần gấp đôi hiện nay, khoảng 4 ngàn người, đồng thời còn để thực hiện mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% vào cuối năm 2020. Ông Nguyễn Văn Thuộc, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết Sở sẽ tham mưu cho tỉnh trong việc quy hoạch phát triển các cơ sở dạy nghề theo hướng sát hơn với thực tế, đồng thời đầu tư mạnh nhưng có trọng điểm để đạt được hiệu quả cao nhất, trong đó chú trọng đầu tư có trọng điểm với các trường và các ngành đạo tạo để đạt chuẩn quốc gia và quốc tế.
Công Nghĩa