Báo Đồng Nai điện tử
En

'Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một' (Bài 1)

Lâm Viên - Thảo Nguyên
08:00, 23/04/2025

Từ bao đời nay, sự toàn vẹn của non sông gấm vóc, sự thống nhất của dân tộc có chung dòng máu con Lạc cháu Hồng đã trở thành lời hiệu triệu mãnh liệt để lớp lớp người Việt Nam đồng lòng hồi đáp, không tiếc thân mình để khẳng định chân lý thật bình dị nhưng rất đỗi thiêng liêng: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Khối đại đoàn kết toàn dân ấy đã, đang và vẫn mãi là chân lý sống còn, là bài học quý giá, luôn được phát huy một cách cao độ, trở thành sức mạnh của dân tộc để tạo nên những kỳ tích.

Trong bối cảnh cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là thời khắc bản lề của cả dân tộc trước vận hội mới - kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xây dựng đất nước phát triển thịnh vượng, hùng cường, trong đó có “cuộc cách mạng” về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, một lần nữa, bài học về củng cố khối đại đoàn kết toàn dân càng mang tính thời sự nóng hổi. Để từ đó đẩy lùi những âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, cũng như những tư tưởng cục bộ của một bộ phận người dân…

Bài 1: Thủ đoạn chia rẽ hòng gây sứt mẻ

Nhiều năm qua, các thế lực thù địch, phản cách mạng vẫn luôn xuyên tạc, phủ nhận ý nghĩa lịch sử vĩ đại của ngày 30-4 - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ đó thông tin kích động thù hận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử diễn ra từ ngày 26-4 đến 30-4-1975 - Chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 toàn thắng. Trong ảnh: Người dân thành phố Biên Hòa đổ ra đường chào đón các chiến sĩ giải phóng. Ảnh tư liệu: TTXVN

Như ôm nỗi “day dứt”, cứ đến kỷ niệm ngày 30-4 hàng năm, các thế lực thù địch tiếp tục điệp khúc “ngày quốc hận”, “tháng tư đen tối”, nhấn mạnh “ngày nội chiến Bắc - Nam”... Như trang N.L. mới đây đăng dòng trạng thái xuyên tạc: “50 năm đánh dấu ngày mất nước của dân Nam kỳ, Việt Nam cộng hòa vào tay giặc Bắc kỳ xâm lược”. Các thế lực thù địch cho rằng: “có thể thống nhất đất nước trong hòa bình”, hay “không cần thiết phải có sự kiện ngày 30-4”.

Hoàn toàn không phải là “cuộc nội chiến Bắc - Nam”

Đầu tiên, có thể khẳng định rằng: hoàn toàn không có cái gọi là “nội chiến Bắc - Nam”, mà đó là cuộc kháng chiến vệ quốc của toàn dân tộc Việt Nam đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ tiến hành xâm lược trên lãnh thổ Việt Nam, chống lại bộ máy chính quyền tay sai do đế quốc Mỹ dựng lên, đã giày xéo quê hương, gây không biết bao nhiêu đau thương đối với chính người dân vô tội - đồng bào mình.

Lần giở lại lịch sử, sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 vào năm 1945, nhiều quốc gia trên thế giới đã bị chia thành 2 phe: xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Đông Đức - Tây Đức, Triều Tiên - Hàn Quốc là ví dụ rõ nét về sự chia cắt này trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Tại Việt Nam, theo Hiệp định Genève ký năm 1954, đất nước ta tạm thời chia làm 2 miền Nam - Bắc, vĩ tuyến 17 ở Quảng Trị là giới tuyến quân sự tạm thời trong thời gian chờ cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Song đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định Genève, lập ra chế độ Việt Nam cộng hòa, hòng chia cắt lâu dài đất nước, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ.

Mỹ và chính quyền tay sai lê máy chém đi khắp miền Nam, “tìm” và “diệt”, tra tấn nhân dân bằng vũ khí, ngục tù. Dù căm giận đến cao độ nhưng theo sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng bào miền Nam vẫn thi hành đúng theo Hiệp định Genève, đấu tranh chính trị trong hòa bình, nhằm đòi quyền tổng tuyển cử và không đấu tranh vũ trang. Trong bối cảnh chính quyền tay sai tăng cường bắt bớ, đàn áp nhân dân, Đảng có Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) với kết luận: “Để thực hiện thống nhất nước nhà và giành hòa bình lâu dài ở Việt Nam, nhân dân ta không thể có con đường nào khác hơn là phải tích cực xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tiến hành đấu tranh cách mạng gian khổ ở miền Nam để bảo vệ quyền sống hằng ngày và tiến lên đánh đổ ách thống trị của Mỹ - Diệm ở miền Nam khi có điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi”. Do đó, luận điệu cho rằng: “có thể thống nhất đất nước trong hòa bình”, hay “không cần thiết phải có sự kiện ngày 30-4” là hoàn toàn sai trái.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Nam đã “Đồng khởi” đứng lên trở thành “Thành đồng của Tổ quốc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”; “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Cả dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính”, dù phải trải qua biết bao đau thương, mất mát, cả dân tộc đã làm nên Chiến thắng lịch sử 30-4-1975 như một đòi hỏi của thời cuộc, buộc phải dùng chiến tranh cách mạng đánh đuổi đế quốc xâm lược, đồng thời xóa bỏ công cụ của chủ nghĩa thực dân mới mà Mỹ dựng lên.

Ngày nay, trong một thế giới đa cực, nhiều biến động, tại nhiều quốc gia trên thế giới, bài học và sự trả giá khi đánh mất chủ quyền, quyền tự quyết của dân tộc, phụ thuộc và chịu sự can thiệp của nước ngoài đã gây ra bất ổn chính trị kéo dài, không ngơi tiếng súng vẫn rất nóng hổi.

Ảo vọng của các thế lực thù địch

Tròn nửa thế kỷ trôi qua, các thế lực thù địch vẫn cho rằng ngày 30-4-1975 là “ngày đen tối”, “ngày uất hận” vì “người dân Sài Gòn không mong chờ thống nhất”. Nhưng thử hỏi, họ có đứng về phía nhân dân để hiểu được nỗi đau bị tra tấn, thảm sát; có thấu được khát khao hòa bình - độc lập - thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cháy bỏng như thế nào? Hay họ chỉ đứng ở góc độ của riêng mình - những kẻ bại trận, từng chĩa họng súng về phía đồng bào mình - rồi tiếc rẻ?

Thực tế chứng minh, sự kiện 30-4-1975 đã được báo chí trong nước và quốc tế ghi lại sinh động và chân thực không thể chối cãi. Khác với những gì Việt Nam cộng hòa tuyên truyền về “một cuộc tắm máu trả thù” từ quân giải phóng, người dân Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung đã chào đón đoàn quân giải phóng với niềm vui chung của đất nước, không có bạo lực, không có cảnh đô thị đổ nát sau cuộc chiến. Những người lính cụ Hồ hân hoan gặp lại đồng bào miền Nam ruột thịt, còn nhân dân Nam Bộ lại đùm bọc, chở che cho đoàn quân giải phóng.

Với tinh thần rất nhân văn, hòa hợp dân tộc, tối 2-5-1975, trong buổi lễ trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại Dinh Độc Lập, thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này, toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng… Đây là niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.

Xuyên tạc chủ trương hòa hợp dân tộc, các thế lực thù địch cho rằng đó chỉ là “cái bẫy của Cộng sản”, đồng thời không ngừng ảo vọng: “nếu không có ngày 30-4-1975 thì miền Nam sẽ phát triển kinh tế không thua gì những cường quốc” và đương nhiên họ - những người trong bộ máy tay sai - sẽ được hưởng quyền lợi, cuộc sống giàu sang. Họ không biết rằng, một đất nước trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm chiến đấu không mệt mỏi để đánh đuổi ngoại xâm thì giá trị của độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng, ý nghĩa như thế nào. Bởi vậy, các thế lực thù địch chấp nhận đánh đổi đất nước, bản sắc, nguồn cội và chính đồng bào mình để ảo vọng về một quốc gia phát triển kinh tế dựa trên sự bảo hộ của đế quốc.

Những “viên sỏi thù hận”

50 năm “đất nước trọn niềm vui” nhưng vẫn còn đó những tiếng nói lạc lõng luôn muốn đào sâu vết thương chiến tranh, kích động hận thù. Họ không dám đối diện với sự thật rằng chính họ đã phản bội Tổ quốc, đi ngược lại lý tưởng của toàn dân tộc, ngộ nhận đang chiến đấu cho “lý tưởng dân chủ, tự do” kiểu phương Tây. Đặc biệt, không chỉ xuất phát từ quan điểm bảo thủ của cá nhân hay lịch sử để lại, mà đằng sau những “hạt sỏi hận thù” này còn là những thế lực vẫn luôn rắp tâm thực hiện mưu đồ phản động, cơ hội chính trị luôn chống phá sự kiện 30-4-1975 và xa hơn là đòi đa nguyên, đa đảng, đòi từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã lựa chọn…

Chị Phan Thị Như Quỳnh (Việt kiều, sống tại thành phố Houston, bang Texas, Mỹ) cho hay: “Những người có tư tưởng phản cách mạng, không thiện chí với Việt Nam chỉ là thành phần thiểu số, chủ yếu là những người có liên quan đến chế độ cũ, qua Mỹ đã lâu. Đa phần hiện nay, cộng đồng người Việt ở Mỹ đều tập trung làm ăn để lo cho cuộc sống. Tôi cũng như nhiều người Việt ở nước ngoài đều quan tâm theo dõi tin tức từ quê nhà Việt Nam thông qua các kênh báo chí, truyền thông. Tôi thực sự rất vui mừng và tự hào về cuộc sống sung túc, hạnh phúc của người thân, gia đình ở quê hương, cũng như sự phát triển không ngừng của Việt Nam trong những năm gần đây”.

Rõ ràng, những người mang tư tưởng thù hận không phải là số nhiều. Họ chỉ là những “hạt sỏi” của biển cả mênh mông trong tổng thể đồng bào Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài đã và đang góp sức xây dựng quê hương, nâng cao vị thế dân tộc.

Lâm Viên - Thảo Nguyên

Bài 2: Đoàn kết tạo nên kỳ tích

Tin xem nhiều