Báo Đồng Nai điện tử
En

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về giải pháp 'cắt đứt quan hệ doanh nghiệp sân sau'

Thanh Hải
11:58, 08/11/2023

(ĐN)- Sau báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng 8-11. Ảnh: QUOCHOI.VN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn sáng 8-11. Ảnh: QUOCHOI.VN

Chất vấn về vấn đề phát triển ngành du lịch, ông Nguyễn Ngọc Sơn (đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, nhất là việc đánh giá tổng thể tiềm năng, lợi thế hiện có và các giải pháp đảm bảo nguồn lực về tài nguyên, vốn, khoa học công nghệ, con người và nguồn lực mềm, đặc biệt là hệ thống chính sách pháp luật đồng bộ, khả thi?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng thực tế du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như kỳ vọng của đồng vào và cử tri cả nước. 

Về nguyên nhân, Thủ tướng nói do chính sách, thể chế, lãnh đạo, chỉ đạo, nhân lực, bố trí nhân lực. Có những vướng mắc khó khăn cả chủ quan, khách quan nhưng chủ quan là chính.

Về các giải pháp thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển; chuẩn bị nguồn lực và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đồng thời có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. 

Ông Nguyễn Lâm Thành (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) cho biết, Chính phủ, Thủ tướng thời gian qua đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên?

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chủ trương phân cấp, phân quyền rất quan trọng để tăng tính linh hoạt, sáng tạo, phát huy tính năng động, sáng tạo các cấp. Thủ tướng thừa nhận việc này vừa qua chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do một số cơ quan trung ương, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong xây dựng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, năng lực cán bộ cũng hạn chế, bất cập, nhất là trong việc lớn, việc mới thì phân cấp, phân quyền còn khó khăn. Cuối cùng, để đáp ứng yêu cầu của người dân liên quan tới nhiều cấp, ngành.

Theo Thủ tướng, việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ quyền lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới. Các cấp phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội nêu trong báo cáo của Thủ tướng đã nhấn mạnh sẽ kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính quy định về điều kiện kinh doanh mà gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Vấn đề phòng, chống tham nhũng cũng được Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra, đó là quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, căn cơ để nhận diện đúng, trúng, kịp thời các mối quan hệ doanh nghiệp sân sau để có cơ sở thiết kế quy phạm pháp luật, tăng chế tài xử lý, hoàn thiện pháp luật liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, vấn đề nhận diện ra là đã có các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị. Bây giờ phải cụ thể hóa để tổ chức thực hiện cho tốt và trên tinh thần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như là các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này. Quan trọng là phải thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật.

Về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định hiện nay thủ tục hành chính còn rườm ra gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thái độ của một bộ phận cán bộ xử lý công việc mà vẫn nêu cán bộ đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Vì vậy giải pháp trong thời gian tới là đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức để làm tốt hơn và tăng cường giáo dục, truyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thêm đó, yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát cắt giảm thủ tục còn rườm rà, huy động sự vào cuộc của chủ tịch UBND tỉnh, cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc để vừa thúc đẩy, vừa giám sát, vừa động viên, định ra nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị. 

Sau 2,5 ngày làm việc đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, 152 lượt đại biểu thực hiện chất vấn

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong thời gian 70 phút, Thủ tướng đã có báo cáo, giải trình các vấn đề. Có 62 đại biểu đăng ký chất vấn, 10 đại biểu thực hiện chất vấn, trong đó, có 9 đại biểu chất vấn, 1 đại biểu tranh luận. Còn 52 đại biểu chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị gửi văn bản chất vấn cho Thủ tướng để được trả lời.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận. 

Còn 310 đại biểu chưa được chất vấn và 15 đại biểu đăng ký nhưng chưa được tranh luận, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Thủ tướng và các bộ trưởng, trưởng ngành để được trả lời trực tiếp bằng văn bản.

Thanh Hải

Tin xem nhiều