Những gì diễn ra trong năm 2016 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, trong đó các vấn đề an ninh và xung đột từng gây nhức nhối vẫn là thách thức lớn trong năm 2017 với cả chính trị và an ninh, cũng như phát triển kinh tế lẫn những mối quan hệ quốc tế đan xen, phức tạp và khó đoán định.
Những gì diễn ra trong năm 2016 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, trong đó các vấn đề an ninh và xung đột từng gây nhức nhối vẫn là thách thức lớn trong năm 2017 với cả chính trị và an ninh, cũng như phát triển kinh tế lẫn những mối quan hệ quốc tế đan xen, phức tạp và khó đoán định. Nhưng, vượt lên tất cả, mục tiêu hòa bình, ổn định vẫn được đặt ưu tiên hàng đầu.
Ưu tiên mục tiêu hòa bình và an ninh
Không ngẫu nhiên, trong thông điệp chào năm mới 2017, đánh dấu khởi đầu nhiệm kỳ mới của người lãnh đạo Liên hợp quốc (LHQ), tân Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã khẳng định quyết tâm “đặt hòa bình là nhiệm vụ hàng đầu”. Bởi lẽ, thế giới vừa trải qua năm 2016 với nỗi bất an thường trực về nạn khủng bố và bạo lực. Khắp các thành phố lớn, vốn yên bình ở châu Âu, khủng bố đẫm máu đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người vô tội, đe dọa trực tiếp an ninh và nền hòa bình vĩnh cửu của “lục địa già”. Ngay ngày đầu năm mới, Thổ Nhĩ Kỳ lại hứng chịu cuộc tiến công đẫm máu, minh chứng cho dự báo về nạn khủng bố tiếp tục hoành hành, thậm chí gia tăng cả về số lượng và mức độ, trong năm 2017.
Tân Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (giữa) quyết tâm đặt hòa bình là nhiệm vụ hàng đầu. |
Thêm một năm, cuộc khủng hoảng ở Syria và mối đe dọa thường trực từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa được giải quyết triệt để. IS tìm cách gia tăng sức mạnh và vươn “cánh tay” dài tới tận khu vực Đông - Nam Á. Tuy nhiên, hy vọng vẫn được chuyển giao sang năm 2017, khi lệnh ngừng bắn dù còn mong manh và những bước tiến dài trong cuộc chiến chống IS đã đem đến những tia sáng hòa bình đầu tiên cho những vùng đất khói lửa ở Syria và Iraq. Với nỗ lực của LHQ cùng nhiều quốc gia, nhiều khả năng các lực lượng khủng bố sẽ suy yếu dù chưa thể được loại bỏ.
Ván cờ Syria đã đem lại chiến thắng cho cả bản thân ông Putin và nước Nga. |
Khi chưa thể bị đẩy lui, chiến tranh và bạo lực tiếp tục là nguồn cơn gây bất ổn, không chỉ tại những quốc gia lâm vào tình cảnh này, mà với cả những láng giềng của họ. Tình trạng người di cư ồ ạt từng gây chia rẽ và làm thay đổi cục diện chính trị châu Âu vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đời sống xã hội của “cựu lục địa”. Có thể, năm 2017 sẽ không chứng kiến thêm những “bức màn sắt” được dựng lên trong lòng châu Âu khi các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) tìm được tiếng nói chung trong chính sách nhập cư.
Người di cư ồ ạt gây chia rẽ và làm thay đổi cục diện chính trị châu Âu. |
Cùng mối lo về khủng bố và xung đột, thế giới còn đối mặt những ẩn họa từ cuộc chạy đua vũ trang và thử vũ khí hạt nhân của một số nước nhằm khẳng định sức mạnh quốc gia. Tính toán sai lầm về địa chính trị khiến tình hình thế giới khó đoán định hơn. Căng thẳng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là trên biển, vẫn tiếp diễn, nhưng nguy cơ đối đầu dẫn tới hành động quân sự sẽ dịu bớt, nhờ mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về duy trì ổn định, hợp tác cùng phát triển.
Hệ lụy từ các “cú sốc chính trị”
Năm 2016 có nhiều sự kiện bất ngờ, tạo ra những “cơn địa chấn chính trị” làm rung lắc hạ tầng chính trị và đời sống kinh tế - xã hội nhiều quốc gia, khu vực. Những “cú sốc” này tiếp tục gây hệ lụy trong năm 2017. Trong đó, cuộc ra đi mang tên Brexit của Anh và chiến thắng ngoạn mục đưa tỷ phú Mỹ D.Trump vào ghế “ông chủ” Nhà trắng là 2 sự kiện được dự báo đem đến những thay đổi lớn trên thế giới. Brexit không đơn thuần là cuộc chia tay EU sau hơn 40 năm Anh gắn bó dưới “mái nhà chung” và khởi đầu một chặng đường mới của London, với những gian nan đầu tiên trong cuộc đàm phán với Brussels từ tháng 3 tới. Chiến thắng của ông Trump cũng không chỉ cho thấy sự ủng hộ dành cho vị tổng thống thứ 45 của “xứ cờ hoa”. Những sự kiện này phản ánh nguyện vọng muốn thay đổi của đông đảo người dân.
Brexit gây cú sốc chính trị cho toàn châu Âu. |
Có thể nói, năm 2016 chứng kiến “cuộc nổi dậy” từ các hòm phiếu. Thắng lợi giòn rã của nhiều phong trào và lực lượng theo chủ nghĩa dân túy, tư tưởng dân tộc cực đoan là tiền đề cho sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2017. Không loại trừ khả năng phe cánh hữu, lực lượng dân tộc giành thêm lợi thế sau các cuộc bầu cử tại Đức, Pháp, Hà Lan tới đây. Khi đó, xu hướng “ly tâm” trong EU, tư tưởng bảo hộ nội địa ở Mỹ, hay tâm lý chống toàn cầu hóa, nghi ngại hội nhập quốc tế, sẽ có thêm cơ hội, đe dọa làm lu mờ các thành tựu hợp tác quốc tế.
Nếu bà Marine Le Pen chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, Pháp có thể là quốc gia thứ 2 rời Liên minh châu Âu. |
Thực tế, các mối quan hệ quốc tế, nhất là giữa các cường quốc, có những điều chỉnh là điều không tránh khỏi. Washington không có sự lựa chọn nào khác là phải xây dựng quan hệ thương mại tốt với Bắc Kinh, mới mong bảo vệ quyền lợi của người lao động và các công ty Mỹ. Với Nga, Mỹ cần tìm hướng hợp tác hiệu quả, ít nhất là trong vấn đề Syria, Ukraine và chống khủng bố. Ngoài ra, xử lý mối quan hệ với các đồng minh châu Âu, Á và khu vực Trung Đông cũng là điều cần làm ngay khi Tổng thống đắc cử D.Trump tiếp quản Nhà trắng.
Tương tự, các nước châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ có những điều chỉnh chiến lược. Những gì làm được trong năm 2016 là bước đệm quan trọng để Nga tiếp tục giành thêm lợi thế trên con đường khôi phục vị thế cường quốc. Trung Quốc tiếp tục “trỗi dậy mạnh mẽ”, tuy nhiên thận trọng hơn. Nhật Bản sẽ có thêm nhiều động thái nhằm “khôi phục sức mạnh”, tham gia nhiều hơn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Với ASEAN, sau năm đầu tiên hình thành Cộng đồng chung, Hiệp hội tiếp tục có những điều chỉnh chính sách phát triển nhằm phù hợp bối cảnh tình hình mới...
Căng thẳng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, nhất là trên biển vẫn tiếp diễn. |
Điểm sáng hy vọng về kinh tế
Trong khi tình hình an ninh, chính trị không nhiều gam màu sáng, kinh tế thế giới lại có những lý do để lạc quan. Năm 2016 khép lại với nền kinh tế toàn cầu không nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng không được cải thiện nhiều so với mức đáng thất vọng của năm 2015. Tuy nhiên, bước vào năm 2017, dù tiếp tục đối mặt rủi ro, kinh tế thế giới vẫn có những điểm sáng để hy vọng.
Mối đe dọa thường trực từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) chưa được giải quyết triệt để. |
Tác động từ khủng bố, bất ổn ở nhiều quốc gia và khu vực, Brexit và cuộc bầu cử Mỹ, cùng giá dầu lao dốc không phanh đã khiến kinh tế thế giới không thể khởi sắc trong năm 2016 và tiếp tục bị chi phối trong năm 2017. Kết quả khảo sát cho thấy, các nhà đầu tư đã lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu, dù theo đánh giá, nhiều khả năng tăng trưởng sẽ vẫn không đồng đều và không có bứt phá ấn tượng. Lạm phát leo thang và đồng USD mạnh lên (do FED tăng lãi suất) sẽ là các yếu tố “tạo sóng” trong năm 2017. Bối cảnh ảm đạm của thương mại toàn cầu được dự báo không có bước cải thiện đáng kể trong bối cảnh các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) vốn được đánh giá là tiêu chuẩn cao, đại diện FTA thế hệ mới, đứng trước nguy cơ “phá sản” do sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa...
Tuy nhiên, một loạt tổ chức quốc tế vẫn nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với lý do các biện pháp kích cầu và sự tiến triển của các chính sách thương mại sẽ đưa nhiều nền kinh tế thoát khỏi “bẫy tăng trưởng thấp”, đóng góp cho sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu. Nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, phần lớn các nền kinh tế châu Á và các nền kinh tế mới nổi hàng đầu chưa “bung” hết sức; và điều này có thể được cải thiện trong năm 2017. Điểm sáng tăng trưởng được cho là thuộc về các nền kinh tế Đông - Nam Á và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau giai đoạn “rung lắc” bởi Brexit. Dù còn khó khăn, nhưng theo đánh giá chung, kinh tế thế giới năm 2017 vẫn có nhiều cơ hội để có được bước tăng trưởng khả quan hơn...
Chu Hồng Thắng