Đồng Nai hội tụ nhiều điều kiện tốt, luôn có sức hút rất mạnh nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Đồng Nai hơn 2 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với kế hoạch đề ra.
Đồng Nai hội tụ nhiều điều kiện tốt, luôn có sức hút rất mạnh nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2016, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Đồng Nai hơn 2 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái (đầu tiên bên trái) tham quan nhà máy sản xuất chăn điện của Công ty TNHH Koken Việt Nam. |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2016 Đồng Nai xếp thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn FDI. Việc thu hút vốn FDI của tỉnh có chọn lọc, phần lớn có công nghệ thân thiện với môi trường, còn những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm đều bị từ chối.
Môi trường đầu tư thân thiện
Đồng Nai có vị trí địa lý khá đắc địa, là cửa ngõ để đi vào các tỉnh thành phía Nam nên tập hợp nhiều tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51 ngang qua Đồng Nai cùng với môi trường đầu tư ngày càng thân thiện. Do vậy, đã có nhà đầu tư đến từ 44 quốc gia, vùng lãnh thổ vào Đồng Nai. Hầu hết các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã đặt “bản doanh” tại đây, như: Tập đoàn Amata, CP, Vision, Hyosung, Changshin, Taekwang Vina, Fujitsu, VPIC, Kenda, Pouchen, CJ, Masan, Hòa Phát...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh và lãnh đạo của Công ty SG Sagawa (Nhật Bản) thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm phân phối SG Sagawa. Ảnh: V.Nam |
Ông Zhang Hua Nong, Chủ tịch Tập đoàn Vision (Trung Quốc), chia sẻ: “Chúng tôi đã rất may mắn khi chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tư. Sản phẩm pin, ắc-quy của tập đoàn sau khi sản xuất ra phân phối cho thị trường trong nước và xuất khẩu thuận lợi, vì Đồng Nai nằm ngay trục giao thông chính của khu vực phía Nam. Đầu năm 2016, tập đoàn đã đầu tư thêm một nhà máy 60 triệu USD ở huyện Nhơn Trạch, và tới đây công ty sẽ tiếp tục tăng vốn để mở rộng sản xuất tại Đồng Nai nhằm đáp ứng đủ các đơn hàng xuất khẩu lớn”. Sản phẩm pin của Tập đoàn Vision sản xuất tại Đồng Nai hiện đang cung cấp cho 2 tập đoàn viễn thông lớn là Viettel và Mobifone, cùng nhiều doanh nghiệp khác. Ngoài ra, sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều nước. Sau gần 10 năm đầu tư vào Đồng Nai làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, tháng 4-2016, Tập đoàn Vision đã nâng vốn đầu tư thêm 60 triệu USD, tăng 12 lần so với vốn đầu tư ban đầu để xây dựng thêm nhà máy mở rộng sản xuất.
Năm 2016 là năm “bứt phá” của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Đồng Nai. Hiện Hàn Quốc đã vươn lên dẫn đầu trong 44 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn trên 5,5 tỷ USD. Lĩnh vực nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đổ vốn vào Đồng Nai là công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép. “Ngành dệt may ở Đồng Nai khá phát triển, các nguyên liệu đầu vào phần lớn phải nhập khẩu nên tôi đang xây dựng nhà máy sản xuất sợi, vải và sản phẩm dệt có tổng vốn 60 triệu USD, với công suất 20 ngàn tấn/năm để cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu. Tôi chọn Đồng Nai là vì nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào đây khá thành công, môi trường đầu tư thuận lợi” - ông Kim Tae Hyun, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dongwon Textile Việt Nam (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6 (huyện Nhơn Trạch), chia sẻ. Dự tính giữa năm 2017, công ty này sẽ xây dựng xong và đi vào sản xuất, sẽ giải quyết việc làm cho gần 1 ngàn lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư. Ảnh: H.Giang |
Cẩn thận và chắc chắn, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư rất chú ý đến xây dựng thương hiệu, sau đó mới mở rộng sản xuất. Ông Nakatomi Kazuhide, Tổng giám đốc Tập đoàn Hisamitsu Nhật Bản, cho biết: “Hisamitsu đã rất thành công khi đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm tại Đồng Nai. Nhờ chính quyền tỉnh luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc nên sản xuất của doanh nghiệp ngày càng mở rộng. Đặc biệt, nhiều năm nay thương hiệu cao dán, dầu xoa bóp Hisamitsu được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng chọn lựa”. Tập đoàn Hisamitsu đã đầu tư Nhà máy sản xuất dược phẩm vào Khu công nghiệp Biên Hòa 2 từ năm 1994 và rất hiệu quả. Tổng vốn đầu tư chỉ hơn 25 triệu USD, nhưng doanh thu hàng năm đạt 22-23 triệu USD. Sản phẩm công ty sản xuất ra tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Tập đoàn Hisamitsu Nhật Bản đang tìm thêm vị trí để đầu năm 2017 sẽ xây dựng thêm nhà máy sản xuất dược phẩm tại Đồng Nai để tăng sản lượng tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu.
Vùng đất hấp dẫn FDI
Nhiều đại sứ, tổng lãnh sự các nước đã cùng các tập đoàn lớn đến Đồng Nai thăm và làm việc với mục đích là tìm hiểu và làm cầu nối để các tập đoàn đầu tư vào tỉnh. Hầu hết các đại sứ, tổng lãnh sự đều nhận xét Đồng Nai vẫn sẽ là tỉnh nằm trong tốp đầu của Việt Nam về thu hút nguồn vốn FDI. Những năm trước, các doanh nghiệp đến Đồng Nai chủ yếu là tìm cơ hội đầu tư vào công nghiệp, nông nghiệp thì trong năm 2016, các doanh nghiệp đã chú ý thêm hạ tầng kỹ thuật, giáo dục, công nghệ...
Sản xuất mạch điện tử tại Công ty TNHH Chemtrovina. Ảnh: K.Giới |
Bà Smita Pant, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ trên lĩnh vực công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, công nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam. Đồng Nai là nơi được đông doanh nghiệp Ấn Độ chú ý vì hội tụ các yếu tố nhà đầu tư đang cần. Trong năm 2017 và những năm tới sẽ có nhiều doanh nghiệp đến Đồng Nai để đầu tư”. Mới đây, đã có hơn 30 doanh nghiệp Ấn Độ đến Đồng Nai gặp gỡ doanh nghiệp trong tỉnh để liên kết đầu tư. Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai, nói: “Đồng Nai đang là điểm đến thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Tỉnh hình thành các khu công nghiệp chuyên ngành nên doanh nghiệp đầu tư vào cung ứng nguyên liệu cho nhau rất thuận lợi. Tôi nghĩ khi Sân bay quốc tế Long Thành khởi công xây dựng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến tỉnh hơn nữa”.
Sản xuất tại một công ty Hàn Quốc ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (huyện Nhơn Trạch). Ảnh: H.Giang |
Ông Craig Chittick, Đại sứ Úc tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam là nước đang thu hút quan tâm của những doanh nghiệp Úc có ý định đầu tư ra nước ngoài. Đồng Nai là nơi hội tụ gần đủ các yếu tố các nhà đầu tư Úc cần nên thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp Úc đến tỉnh đầu tư. Lĩnh vực các doanh nghiệp đang muốn đầu tư là công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục”. Đây đều là những lĩnh vực Đồng Nai đang ưu tiên mời gọi.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhận định: “Dù thu hút đầu tư có chọn lọc, nhưng nguồn vốn FDI vào tỉnh năm 2016 gấp đôi kế hoạch đề ra. Nhiều dự án FDI đầu tư vào tỉnh triển khai khá nhanh, có khi chỉ sau 5-6 tháng cấp giấy chứng nhận đầu tư đã đi vào sản xuất. Trong năm 2017, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng lao động ít và có giá trị gia tăng cao”.
Hương Giang