Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những thành quả vô cùng to lớn, là tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt của nhân loại.
Nhân loại đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều để lại những thành quả vô cùng to lớn, là tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt của nhân loại.
Giờ đây, chúng ta lại bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của một cuộc cách mạng công nghiệp mới - cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi triệt để cách chúng ta sống, làm việc và quan hệ với nhau. Về quy mô, phạm vi và tính phức tạp của sự thay đổi này sẽ không giống với bất cứ những gì mà chúng ta đã từng trải qua từ trước tới nay. Hiện nay, chưa ai có thể lường trước được nó sẽ chuyển biến như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn rằng, chúng ta cần phải ứng phó với cuộc cách mạng này một cách đồng bộ, toàn diện, với sự tham gia của tất cả các chủ thể của nền chính trị toàn cầu, từ các khu vực công và tư cho tới giới học thuật và các tổ chức xã hội.
Công nghệ in 3D. |
Vậy cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 là gì mà nó lại có một tầm vóc vĩ đại đến như vậy?
Đó là cuộc cách mạng được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử (máy tính, công nghệ viễn thông và internet ra đời và phổ cập) đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học mà với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật (IOT), khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng...
Robot và tự động hóa sẽ lên ngôi. |
Tốc độ của những đột phá hiện tại là chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Nếu so với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này đang phát triển với tốc độ cấp số mũ. Hơn nữa, nó đang phá vỡ hầu hết mọi ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Về bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.
Các nguyên thủ quốc gia cùng khách mời tham gia một hội thảo về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 trong Diễn đàn kinh tế thế giới 2016 tại Davos, Thụy Sĩ. |
Trong tương lai, đổi mới công nghệ cũng sẽ dẫn đến những lợi ích lâu dài trong hiệu quả và năng suất lao động. Hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí sẽ giảm đáng kể.
Tất cả những điều đó sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
4 cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử: (1) Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. (2) Động cơ điện và dây chuyền sản xuất hàng loạt. (3) Kỷ nguyên máy tính và tự động hóa. (4) Các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo. |
Tuy nhiên, cũng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, nhất là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Năm 2015, Mc Donald công bố sẽ xây dựng thêm 25 ngàn nhà hàng hoạt động hầu như bằng robot, thay vì từ 10 đến 20 nhân viên cho một nhà hàng thì nay chỉ còn 2 - 3 người để quản lý. Tháng 5-2016, Foxconn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60 ngàn nhân công và thay bằng robot. Tháng 11-2015, Ngân hàng Anh quốc đưa ra một dự báo còn đáng lo ngại hơn: sẽ có khoảng 95 triệu lao động phổ thông bị mất việc trong vòng 10-20 năm tới tại Mỹ và Anh, tương đương 50% lực lượng lao động tại 2 nước này. Giới nghiên cứu cũng chỉ ra CPS (Cyber Physical System) sẽ không chỉ đe dọa việc làm của công nhân trình độ thấp, mà ngay cả những người có bằng cấp (cao đẳng, đại học trở lên) cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong tương lai, tài năng tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn.
Với Công nghiệp 4.0, công nghệ và máy móc hiện đại sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. |
Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường đại học không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần, do tốc độ thay đổi công nghệ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra quá nhanh.
Đối với các doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đang có những tác động lớn đến với họ. Về phía cung, nhiều ngành công nghiệp tận dụng công nghệ mới để tạo ra những phương thức hoàn toàn mới để giúp phục vụ nhu cầu hiện tại của con người và phá vỡ phần lớn các chuỗi giá trị ngành công nghiệp hiện có; nhà sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và bán hàng. Về phía người tiêu dùng, cũng có những đòi hỏi thay đổi lớn trong việc tham gia vào quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm một cách tích cực và chủ động.
Các trường đại học trong nước cần phải thay đổi đào tạo để tồn tại trong cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới. |
Đối với Nhà nước, công nghệ mới này ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia với chính phủ các ý kiến của mình. Ngược lại, chính phủ thông qua công nghệ mới để tăng cường tiếp cận với công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Đôi khi con người không thể kiểm soát được công nghệ và những thứ đi kèm với nó, cho nên phải có trách nhiệm định hướng cho sự phát triển của nó. Để làm được điều này, phải có một cái nhìn toàn diện và chia sẻ trên toàn cầu về cách công nghệ đang ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta và định hình lại môi trường kinh tế, văn hóa và con người.
GS.Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới, từng nói: “Cuối cùng, tất cả đều cần quy tụ về con người và giá trị của nó. Trong trường hợp xấu nhất, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có tiềm năng robot hóa nhân loại, có khả năng tước đi trái tim và linh hồn của chúng ta”.
Nhưng, như một bổ sung cho các phần tốt nhất của bản chất con người, nó cũng có thể đưa nhân loại vào một ý thức tập thể và đạo đức mới tốt đẹp dựa trên cảm giác chung về số phận. Bổn phận của chúng ta là bảo đảm cho ý thức này sẽ ngày càng chiếm ưu thế.
TSKH. Phan Quang Trung (*)
(*) Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.