Báo Đồng Nai điện tử
En

Sắc thắm đường xuân

03:02, 15/02/2016

Dân tộc chúng ta đã và đang sống trong những mùa xuân Ðổi mới. 30 năm đã qua, đổi mới đem lại cuộc đổi đời trong hòa bình của người dân đất Việt. Cuộc đổi đời từ đói nghèo, lạc hậu, trở nên ấm no, hạnh phúc, mở cửa với thế giới, nâng tầm vị thế Việt Nam.

Dân tộc chúng ta đã và đang sống trong những mùa xuân Ðổi mới. 30 năm đã qua, đổi mới đem lại cuộc đổi đời trong hòa bình của người dân đất Việt. Cuộc đổi đời từ đói nghèo, lạc hậu, trở nên ấm no, hạnh phúc, mở cửa với thế giới, nâng tầm vị thế Việt Nam. Ðúng như Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ XII của Ðảng đã khẳng định: Ðổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Ðảng, toàn dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Một tiết mục văn nghệ của Đoàn ca múa Đồng Nai mừng Đảng - mừng Xuân.
Một tiết mục văn nghệ của Đoàn ca múa Đồng Nai mừng Đảng - mừng Xuân.

Mùa xuân năm Canh Ngọ 1930, cách nay vừa tròn 86 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Mùa xuân năm ấy báo hiệu một thời kỳ mới, thời kỳ nhân dân Việt Nam tìm thấy con đường giành tự do, độc lập, thoát khỏi gông cùm nô lệ. Đảng ra đời trong máu lửa của cuộc đấu tranh cách mạng. Chẳng bao lâu sau ngày lịch sử vĩ đại mùng 3-2 năm ấy, những cao trào cách mạng đã bùng lên trên khắp đất nước. Mở đầu là cao trào 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô-viết Nghệ Tĩnh.  Vô cùng hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của đồng bào ta, thực dân Pháp đàn áp dã man các cuộc biểu tình. Nhiều cán bộ, đảng viên bị địch bắt, bị đánh đập, tra tấn hòng lung lạc ý chí cách mạng của người cộng sản, dập tắt ngọn lửa đấu tranh anh dũng của đồng bào ta. Tổng Bí thư Trần Phú bị địch bắt ở Sài Gòn, trong nhà tù, đồng chí tổ chức nhiều cuộc đấu tranh vạch mặt chế độ lao tù dã man, tổ chức những buổi huấn luyện chính trị cho tù nhân. Trước khi hy sinh, ngày 6-9-1931, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng còn dặn lại: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

Những mùa xuân đấu tranh cách mạng là những trang lịch sử hào hùng kéo dài suốt trong thế kỷ 20. Ta nhớ những mùa xuân của cao trào 1936-1939, cao trào 1939-1945. Ta nhớ những mùa xuân nước nhà giành độc lập, nhà nước dân chủ nhân dân ra đời, rồi đến những mùa xuân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, giành chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Ta không quên 21 mùa xuân cả miền Bắc thân yêu luôn hướng tới miền Nam ruột thịt. Cả dân tộc lên đường vì cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Bao nhiêu máu xương của đồng bào, chiến sĩ đã tô thắm lá cờ Tổ quốc, lá cờ búa liềm của Đảng quang vinh. Ta đã và đang sống trong những mùa xuân Đổi mới. 30 năm đã qua, đổi mới đem lại cuộc đổi đời  trong hòa bình của người dân đất Việt. Cuộc đổi đời từ đói nghèo, lạc hậu trở nên ấm no, hạnh phúc, mở cửa với thế giới, nâng tầm vị thế Việt Nam. Đúng như Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự  trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.  Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân.

Xuân năm nay, mùa Xuân vô cùng ý nghĩa khi Đại hội lần thứ XII của Đảng thành công tốt đẹp, mở ra một thời kỳ mới. Đất nước ta, nhân dân ta tiếp tục con đường đổi mới toàn diện và đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hành trang của dân tộc là những thành tựu to lớn do công cuộc đổi mới mang lại, là truyền thống vẻ vang của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta. Nhưng trước thềm xuân mới, ôn lại những bài học lịch sử quý báu trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, chúng ta thấm thía một điều: truyền thống  luôn soi sáng hiện tại và tương lai, cổ vũ chúng ta đi tới. Nhưng truyền thống không phải là một di sản bất biến, mà luôn luôn vận động trong dòng chảy liên tục, như trăm suối đổ về sông, trăm sông về biển lớn. Dòng chảy truyền thống sẽ gạn lọc và kết tinh những giá trị mới. Chúng ta học được nhiều bài học quý từ thành công, đồng thời cũng học được nhiều điều từ sai lầm, vấp váp, để tự soi, tự sửa, tiến cùng anh em, tiến cùng thời đại.

Lắng nghe tiếng nói của nhiều cán bộ, đảng viên lão thành đều có những nhận xét gan ruột, Đảng ta đã hết sức quan tâm công tác xây dựng Đảng, một nhiệm vụ then chốt trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XI. Quan tâm một cách toàn diện, từ lý luận đến thực tiễn; từ công tác tư tưởng, tổ chức đến kiểm tra, dân vận. Đảng khẳng định, trong quá trình đổi mới phải nắm vững, kiên định, nhưng phải vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tính cách mạng và khoa học thể hiện ở chỗ đó, chứ không phải như ai đó nói rằng có sự bảo thủ trì trệ, giáo điều trong nhận thức, trong tư duy và hành động. Ít có nhiệm kỳ nào mà suốt trong hơn 4 năm Đảng ta kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhờ  đó đã góp phần siết lại kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn các hành vi tiêu cực. Việc thực hiện nghị quyết lần này đã tạo tiền đề đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nhất là đưa việc tự phê bình, phê bình vào nề nếp thường xuyên. Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng kéo dài, phức tạp đã được tập trung chỉ  đạo, điều tra, không có “vùng cấm”, “vùng tránh”, được đông đảo cán bộ, nhân dân đồng tình  ủng hộ.

Cũng ít có thời kỳ nào mà Đảng ta đã tiến hành rất nhiều công việc nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, tài ra gánh vác công việc chung. Lần đầu thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ quản lý các cấp. Lần đầu tiến hành  xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Việc luân chuyển cán bộ để đào tạo, việc mở các lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp chiến lược của Đảng và Nhà nước được tiến hành tích cực, có tác dụng tốt, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị cho lâu dài.

Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng.
Một tiết mục văn nghệ tại lễ kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng.

Để xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải không ngừng đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Gần gũi nhất với nhân dân là các tổ chức cơ sở của Đảng, chính quyền cơ sở, phải thật sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân. Cán bộ phải gần dân, có đạo đức, trí tuệ, gương mẫu về mọi mặt, chứ không phải là hình ảnh những ông “quan cách mạng” thoái hóa, biến chất, xa dân. Nghiêm túc và thẳng thắn tự phê bình, Trung ương nêu rõ: “Những hạn chế, khuyết điểm trên đây làm cho Đảng ta chưa thật sự trong sạch, vững mạnh, làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”. Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là do chúng ta chậm đổi mới tư duy về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Nhưng đấy là nói theo “sách”. Còn người dân thì mộc mạc hơn: Không ít cán bộ có chức, có quyền xa đời sống, xa dân, quá nhiều đặc quyền, đặc lợi, cấp trên không làm gương cho cấp dưới. Nói như Nguyên phi Ỷ Lan, cách nay gần 1 ngàn năm khi bà bàn việc nước với Vua Lý Thánh Tông: “Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật” (Các triều đại Việt Nam, Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, Nhà xuất bản Thanh Niên 2005). Tại sao lại có chuyện chạy chức, chạy quyền, ai chạy và chạy ai? Câu hỏi này đã được nêu lên trong những hội nghị quan trọng. Còn có chuyện chạy chọt, có vay có trả, có lợi anh ích tôi, thì sẽ chẳng bao giờ lựa chọn được những người đủ đức - tài gánh vác việc chung. Điều này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta từ rất sớm, rằng phải tìm người tài ra giúp nước, phải khéo dùng cán bộ. Người nói: “Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.54).

Sớm xuân nay, vững bước trên đường lớn, nghe âm vang bài ca đất nước. Sắc xuân tươi thắm trên những  làng hoa, trên những cánh đồng, những công trình thủy điện, những  giàn khoan dầu khí, trên các quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc… Con đường ấy là con đường ấm no, hạnh phúc. Con đường cha ông ta đã khai mở từ mấy nghìn năm trước, từ thuở Mẹ dẫn đàn con Tiên lên rừng, Cha dẫn đàn con Rồng xuống biển. Con đường in mốc son 3-2-1930, trong Chánh cương vắn tắt, Đảng ta đã chỉ rõ: Nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc phải đặt lên hàng đầu. Con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ của cả dân tộc để đi đến ngày toàn thắng. Thắng đế quốc, thắng phong kiến, thắng nghèo nàn và lạc hậu. Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường lớn mà các thế hệ người Việt Nam trao truyền, tiếp nối.

Trên con đường lớn, nhiều chông gai và lắm thác nhiều ghềnh ấy,  khi Đảng luôn “tự chỉ trích”, vươn lên tầm cao mới, để thật sự là Đảng của “đạo đức, văn minh”;  khi  ý Đảng - lòng Dân hòa quyện thì không trở ngại nào không vượt qua. Đó là tiếng xuân, là lý lẽ của mùa xuân, mùa xuân luôn đồng nghĩa với sức trẻ và đổi mới.

Hải Đường

 

 

 

 

Tin xem nhiều