Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nhà Mây" của cô gái trẻ

10:02, 05/02/2016

Tôi biết đến cô gái trẻ Nguyễn Bích Ngọc Trâm một cách rất tình cờ do một người bạn tham gia hội chợ LifeStyle Vietnam tại TP.Hồ Chí Minh, ấn tượng về gian hàng "Nhà Mây" với rất nhiều sản phẩm thú len đan tay nên bỏ công tìm hiểu và biết được cơ sở sản xuất là ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa.

Tôi biết đến cô gái trẻ Nguyễn Bích Ngọc Trâm một cách rất tình cờ do một người bạn tham gia hội chợ LifeStyle Vietnam tại TP.Hồ Chí Minh, ấn tượng về gian hàng “Nhà Mây” với rất nhiều sản phẩm thú len đan tay nên bỏ công tìm hiểu và biết được cơ sở sản xuất là ở phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa.

Cô gái trẻ Nguyễn Bích Ngọc Trâm và những sản phẩm thú len ấn tượng của Nhà Mây.
Cô gái trẻ Nguyễn Bích Ngọc Trâm và những sản phẩm thú len ấn tượng của Nhà Mây.

Bản thân tôi cũng đã bị cuốn hút ngay khi vào xem các mẫu thú len độc đáo được cô chủ trẻ “Nhà Mây” giới thiệu trên facebook của mình. Cô gái trẻ này luôn tất bật với việc chuẩn bị tham gia chương trình hội chợ, bận rộn với việc mở thêm các chi nhánh cửa hàng mới ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh...

Thiên đường thú len của “Nhà Mây”

Từ nhỏ, Nguyễn Bích Ngọc Trâm đã là người “nổi tiếng” vì đạt rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi thiết kế thời trang do Báo Mực Tím tổ chức. Phát huy năng khiếu này, khi vào đại học, Ngọc Trâm đã thi 2 trường và theo học cả 2 chuyên ngành là thời trang và tạo dáng. Ra trường, cô tự xoay xở vốn để lập xưởng sản xuất tranh gạo. Quá trình khởi nghiệp vấp phải không ít khó khăn nhưng cô gái trẻ này vẫn kiên trì theo đuổi đúng như tính cách của mình là đã bắt tay vào việc gì thì phải đi đến cuối. Nhận thấy thị trường tranh gạo nhanh chóng bị bão hòa, cô ứng dụng tranh gạo vào trang trí nội thất và mở rộng thị trường qua việc tham gia các hội chợ quốc tế, như: Hong Kong, Singapore, Anh… Với tranh gạo, cô hết duyên nhưng vẫn còn “nợ” là khi ký được một hợp đồng lớn xuất khẩu sang thị trường Anh, hàng bị trả về do gặp sự cố. Và cho đến giờ, cô vẫn phải gom góp tiền để trả nợ cho “cơ hội lớn” không thành này.

Nhưng cũng chính cái “nợ” này đã mở ra cho cô gái trẻ nhiều mối duyên lành. Nhờ những ứng dụng độc đáo đưa tranh gạo vào nội thất, cô được chọn tham gia khóa đào tạo 8 tháng do Hội Làng nghề Việt Nam phối hợp với Trường đại học Lund (Thụy Điển) tổ chức. Cô cũng là một trong số ít học viên đại diện cho khóa đào tạo đem sản phẩm tham gia triển lãm tại hội chợ Ambiente ở Frankfurt (Đức) diễn ra vào tháng 2-2012. Với Bích Trâm, chương trình học này đã làm thay đổi hoàn toàn bản thân cô, nhất là về cách nghĩ, cách làm. Cô có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về phong cách thiết kế của châu Âu do chính những chuyên gia, nhà thiết kế nước ngoài chia sẻ, hướng dẫn. 

Cái duyên khiến cô gái trẻ này chuyển sang lĩnh vực thú len cũng rất tình cờ. Bích Trâm kể: “Một lần đi hội chợ ở Singapore, tôi thấy gian hàng thú len móc thủ công rất đắt khách nên nghĩ đây có thể là cơ hội mới cho mình. Tôi đã dành 6 tháng để học từ những kỹ thuật móc len cơ bản đến tìm nguyên liệu, sáng tạo mẫu mã. Cực công nhất là phải liên tục tìm kiếm, thử nghiệm để chọn được nguồn nguyên liệu len vừa đạt yêu cầu kỹ thuật, tính thẩm mỹ và tuyệt đối an toàn vì đây là sản phẩm dành cho trẻ em”. Đầu năm 2015, những lô thú bông len đầu tiên ra lò. Từ một kỷ niệm riêng, cô đặt cho dòng sản phẩm của mình là “Mây Cou Cou”. Ngọc Trâm lập trang web giới thiệu sản phẩm, tham gia các chương trình hội chợ và cô đặt cho gian hàng thú len cái tên thân thiện “Nhà Mây”. Với cô gái trẻ có tính cách hợp với trẻ em này, niềm vui lớn nhất là mỗi đợt tham gia hội chợ, thấy các em nhỏ ghé thăm gian hàng là mê mẩn như lạc vào thiên đường của những chú thú len đáng yêu, ngộ nghĩnh. Rồi những ông bố đi hội chợ vì công việc, thấy gian hàng ngồ ngộ tiện thể ghé vào, khi được tư vấn để chọn được món quà ưng ý dành cho con, đôi mắt họ lấp lánh niềm vui… Mỗi lần tham gia hội chợ là cơ hội để Ngọc Trâm “được lắng nghe và biết cách lắng nghe hơn”.

Giữ “chất” thủ công

Tuy hành trình khởi nghiệp của Ngọc Trâm có lúc cũng đắng cay, nhưng khi kể về những điều đã trải qua, đôi mắt của cô gái trẻ luôn lấp lánh niềm vui. Vui vì công việc mình làm dù vất vả nhưng cũng rất xứng đáng; vui vì trong cuộc hành trình đó, cô gặp được rất nhiều người bạn chân thành, cùng chung niềm đam mê nghề làm thủ công truyền thống... Ngọc Trâm khoe: “Mình có nhóm bạn dễ thương lắm, các bạn đều rất trẻ, rất sáng tạo và luôn dồi dào nguồn ý tưởng mới. Có bạn đã lập xưởng chế tạo xe đạp tre tại Long An, có bạn lập xưởng chế tạo mắt kính tre ở Củ Chi…”. Các bạn đều còn rất trẻ, đều mới bước vào con đường khởi nghiệp. Nhóm đã cùng nhau đi thăm rất nhiều làng nghề thủ công ở mọi miền đất nước, trăn trở vì nghề thủ công đang dần bị máy móc hóa; vấn đề môi trường, chất lượng và sự an toàn của sản phẩm thủ công từ khâu chọn nguyên liệu đến quá trình chế tác sao cho vừa đảm bảo an toàn với người tiêu dùng và cho chính bản thân người thợ thủ công.

Theo Ngọc Trâm, Việt Nam rất giàu nguồn nguyên liệu cho nghề thủ công, nhất là cây tre nhưng chưa được khai thác hiệu quả… Chính vì vậy, khi thành lập nhóm, các bạn đã thống nhất lấy tên gọi chung cho gian hàng trưng bày khi tham gia hội chợ là “Mây Cou Cou and Voọc”. Ở đây, nhóm gắn tên gọi các bạn thú len với Voọc, một loài động vật nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ với ý nghĩa muốn giới thiệu đến khách hàng dòng sản phẩm thuần chất thủ công, được chế tạo chủ yếu từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước.  Nhóm bạn trẻ này gặp nhau vì họ có cùng chung lý tưởng, niềm đam mê và cùng chung mục tiêu bằng hành động của mình để mọi người có cái nhìn khác về nghề thủ công, biết đúng giá trị và tôn trọng nghề thủ công hơn. Chính vì vậy, ngoài thời gian đuổi theo công việc, nhóm vẫn dành thời gian tổ chức các lớp học thủ công cho trẻ em và các bạn tuổi teen với mong muốn là phát hiện và khơi sáng tài năng về thủ công cho người trẻ.

Trong những tháng cuối năm, cả nhóm đang tất bật với việc chế tác sản phẩm, hoàn chỉnh để đầu năm kịp giới thiệu ra thị trường thêm dòng sản phẩm mới. Dự kiến năm 2016, nhóm sẽ hoàn thành việc đầu tư xưởng sản xuất mới để cả nhóm tập trung về cùng nơi làm việc. Riêng Ngọc Trâm thì vừa mở thêm nhiều chi nhánh bán thú len tại các tỉnh, thành; chuẩn bị giới thiệu bộ sưu tập thú len 12 con giáp và sẽ triển khai thêm dòng sản phẩm nội thất len chuyên cho trẻ em trong năm mới.

Qua các hoạt động trưng bày tại hội chợ, giới thiệu trên web, thú len và một số mặt hàng len nội thất của “Mây Cou Cou” thu hút rất đông khách nước ngoài ủng hộ. Trong đó, không ít khách muốn đặt với sản lượng lớn để xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản. Nhưng hiện với đội ngũ khoảng 25 lao động, cô chủ “Nhà Mây” chỉ cung cấp ổn định ra thị trường khoảng 1 ngàn thú len/tháng. Mỗi đợt hàng, cô lại bổ sung thêm 1-2 mẫu mới. Tuy rất mong mở rộng đầu tư, đưa sản phẩm thủ công “made in Vietnam” bước ra thị trường thế giới, nhưng cô chủ “Nhà Mây” và nhóm bạn quyết định sẽ bước từng bước vững vàng để mỗi sản phẩm đến tay khách hàng đúng chất là hàng handmade độc, lạ.

Bình Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều