Dù quy trình, thủ tục đăng ký tạm trú đơn giản, có thể thực hiện bằng hình thức online rất thuận tiện, nhưng do chưa nắm rõ quy định về cư trú nên nhiều người chưa thực hiện.
Dù quy trình, thủ tục đăng ký tạm trú đơn giản, có thể thực hiện bằng hình thức online rất thuận tiện, nhưng do chưa nắm rõ quy định về cư trú nên nhiều người chưa thực hiện.
Cán bộ Công an tỉnh hướng dẫn người dân tạo tài khoản VNeID, đăng nhập vào Cổng dịch vụ công của Bộ Công an để thực hiện các thủ tục hành chính online. Ảnh: K.Liễu |
Báo Đồng Nai đã trao đổi với luật sư, đại diện cơ quan chức năng để giải đáp các thắc mắc của bạn đọc như: sinh sống tại chỗ ở hợp pháp bao lâu thì phải đăng ký tạm trú, đăng ký tạm trú ở đâu, cần giấy tờ gì, điều kiện đăng ký tạm trú được quy định ra sao…
* Tại sao phải đăng ký tạm trú?
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý Hội Luật gia tỉnh cho biết, theo quy định của pháp luật, công dân có quyền tự do cư trú nhưng bất kỳ sự thay đổi nào về việc cư trú đều phải thực hiện thủ tục đăng ký. Mỗi người chỉ được đăng ký tạm trú tại một nơi.
“Điều 27, Luật Cư trú năm 2020 quy định, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên, thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần” - luật sư Ngô Văn Định cho hay.
Đại diện Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh (PC06) cho biết, hiện nay Bộ Công an đang quản lý nơi tạm trú, thường trú của người dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi người dân đến đăng ký tạm trú hoặc thay đổi các thông tin về cư trú (trong đó có thủ tục đăng ký tạm trú), cơ quan có thẩm quyền sẽ cập nhật dữ liệu lên Cơ sở dữ liệu quốc gia, cấp giấy xác nhận.
Việc đăng ký tạm trú của công dân sẽ hỗ trợ nhà nước trong vấn đề quản lý, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, việc đăng ký tạm trú còn giúp đảm bảo quyền lợi của công dân khi thực hiện các giao dịch trong cuộc sống trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.
* Đăng ký tạm trú ở đâu, cần giấy tờ gì?
Theo PC06 hướng dẫn, để đăng ký tạm trú, công dân có thể liên hệ trực tiếp cơ quan quản lý cư trú (công an cấp xã) nơi công dân đang cư trú để được hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú.
Ngoài việc nộp hồ sơ trực tiếp, người dân có thể nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, hoặc qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an (https://dichvucong.gov.vn/ hoặc https://dichvucong.bocongan.gov.vn/).
Hồ sơ giấy tờ để đăng ký cư trú được quy định cụ thể theo Luật Cư trú năm 2020, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29-6-2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15-5-2021 của Bộ Công an về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Thủ tục đăng ký cư trú được niêm yết hướng dẫn công khai trên các trang website dịch vụ công trực tuyến của quốc gia và Bộ Công an.
Khi người dân có nhu cầu nộp hồ sơ thủ tục tục đăng ký trực tuyến, chỉ cần chuẩn bị hình ảnh hoặc bản scan của các giấy tờ liên quan (không được phép chỉnh sửa hình ảnh, hoặc sử dụng các giấy tờ có chỉnh sửa, giả mạo) sau đó sử dụng tài khoản dịch vụ công hoặc tài khoản định danh điện tử (VNeID) để truy cập, đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an để chọn thủ tục cần thực hiện và thao tác theo từng bước được hướng dẫn cụ thể trong quá trình thao tác nộp hồ sơ.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Luật sư Ngô Văn Định lưu ý, Luật Cư trú năm 2020 quy định việc đăng ký tạm trú là nghĩa vụ của công dân. Nếu công dân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng trong thời hạn quy định (30 ngày kể từ ngày đến sinh sống tại nơi ở mới hợp pháp) thì có thể bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, người nào không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú, xóa đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, sẽ bị phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngoài ra, Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký và quản lý cư trú, trường hợp công dân đã cư trú tại chỗ ở hợp pháp mới, đủ điều kiện đăng ký cư trú nhưng không làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật, có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan nhà nước làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho công dân. |
Kim Liễu