Báo Đồng Nai điện tử
En

Để việc dạy và học chương trình lớp 1 mới không áp lực

09:10, 08/10/2020

Chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 mới còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học là nhận định chung của nhiều bạn đọc (BĐ) là giáo viên, phụ huynh học sinh...

Chương trình, sách giáo khoa môn Tiếng Việt lớp 1 còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy và học là nhận định chung của nhiều bạn đọc (BĐ) là giáo viên, phụ huynh học sinh sau khi xem bài báo Chương trình lớp 1 mới có quá nặng? đăng trên Báo Đồng Nai phát hành số thứ hai, ngày 5-10.

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) rèn chữ cho học sinh lớp 1. Ảnh: Kim Liễu
Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) rèn chữ cho học sinh lớp 1. Ảnh: Kim Liễu

Nhiều ý kiến đồng tình với những đánh giá trong bài báo về những vất vả của học sinh, giáo viên khi thực hiện chương trình lớp 1 mới do nội dung chương trình có nhiều khác biệt so với trước đây vô hình trung đã tạo áp lực cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Làm sao để khắc phục tình trạng này là vấn đề mà nhiều BĐ quan tâm, đề xuất ý kiến.

* “Chật vật” với chương trình học mới

Nhiều BĐ cho rằng, bài báo đã phản ánh đúng tâm trạng hiện nay của nhiều phụ huynh và học sinh về chương trình lớp 1 mới là lo lắng, mệt mỏi. Thậm chí có BĐ còn cho biết, bao nhiêu háo hức ban đầu khi đặt chân vào lớp 1 của con đang dần tan biến theo những bài học môn tiếng Việt.

“Trước đây, những ngày đầu vào lớp 1 các cháu thường được dạy cách cầm bút, viết các nét dọc, nét ngang… nay vừa vào học cô giáo đã dạy đọc âm, viết chữ nên nhiều bé theo không kịp. Chưa viết đúng chữ này đã phải học chữ khác, rồi tập ráp âm…, chương trình đi quá nhanh buộc các cháu chạy theo rất cực. Nếu không học thêm trước sẽ khó theo kịp” - BĐ Nguyễn Thị Hoa (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Một BĐ ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cũng cho hay, lúc mới đi học con trai anh rất háo hức, nhưng  chỉ sau 1 tuần là cháu nằng nặc đòi quay lại trường mẫu giáo trước đây. Vợ chồng anh tối nào cũng loay hoay không biết nên dạy con thế nào vì chương trình học dồn dập, còn con thì cứ quên trước quên sau nên bị cô nhắc nhở hoài. “Do chưa được dạy chữ trước đó nên con tôi và một số bạn trong lớp không tiếp thu kịp bài học trên lớp. Nhiều phụ huynh nóng tính hay lớn tiếng khi ôn bài cho con khiến trẻ mất dần hứng thú học tập” - BĐ này nói.

Trả lời câu hỏi vì sao dẫn đến tình trạng trên, một BĐ hiện đang công tác trong ngành Giáo dục ở TP.Biên Hòa cho rằng, nhiều phụ huynh khi thấy con học vất vả nên cho rằng chương trình học quá nặng so với học sinh lớp 1 là chưa chính xác. Vì đánh giá tổng thể mức độ cần đạt khi kết thúc chương trình không cao hơn so với chương trình cũ, tuy nhiên tiến độ chương trình môn tiếng Việt lớp 1 mới đúng là có nhanh hơn, yêu cầu cao hơn. Trong khi đó, do năm học 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến học sinh vào lớp 1 khi chưa được học đầy đủ chương trình mầm non 5 tuổi nên nhiều em không theo kịp tốc độ của chương trình. Từ đó dẫn đến việc học sinh, phụ huynh và giáo viên đang phải “chật vật” với chương trình học mới.

* Điều chỉnh chương trình học hợp lý

Một số BĐ đặt vấn đề, tại sao cùng một chương trình nhưng có trường dạy và học khá “chật vật” lại có trường thảnh thơi, phải chăng là do giáo viên những trường này chưa áp dụng phương pháp giảng dạy phù hợp?

Chia sẻ về vấn đề này, một BĐ đang công tác trong ngành Giáo dục tại TP.Biên Hòa cho rằng, nếu áp dụng chương trình mới mà giáo viên áp dụng cách dạy cũ e rằng không phù hợp. “Kinh nghiệm từ Trường tiểu học An Bình (P.An Bình, TP.Biên Hòa) tôi thấy rất hay. Đó là Ban giám hiệu, thường xuyên nhất là Hiệu phó chuyên môn mỗi tuần đều hội ý với giáo viên chủ nhiệm các lớp 1 từ 1-2 lần.Giáo viên gặp khó khăn gì thì chia sẻ để tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Đối với học sinh luyện đọc, luyện viết chậm, giáo viên phải quan tâm hướng dẫn tỉ mỉ, không nhất thiết phải “chạy” bài cho kịp mà giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch học tập sao cho phù hợp với điều kiện và tình hình của lớp. Khi học sinh có nền tảng ban đầu thì thời gian về sau, cả giáo viên và học sinh đều đỡ vất vả hơn” - BĐ này chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến trên, BĐ Nguyễn Văn Đức (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho rằng, vai trò của ban giám hiệu các trường tiểu học trong việc chủ động dự giờ, thăm lớp để giúp đỡ giáo viên lớp 1 nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn trong quá trình giảng dạy là rất cần thiết.

Để giảm những “căng thẳng”, tạo hứng khởi cho học sinh khi đến lớp, một BĐ có kinh nghiệm dạy học cho rằng, các phụ huynh không nên quá nôn nóng, ép con học quá sức. Giáo viên không được tạo áp lực, không phê bình mà cần động viên, khuyến khích kịp thời tạo động lực và hứng thú học tập cho học sinh. Nên chăng xem xét việc giãn tiến độ thực hiện chương trình lớp 1, phân phối tiết dạy tùy theo khả năng tiếp nhận của học sinh trong lớp, tăng giảm thời lượng ở phần âm, vần để rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho các em một cách hợp lý.

Nhiều BĐ cho rằng, ngành Giáo dục nên có kế hoạch đánh giá, sơ kết chương trình học lớp 1 mới ngay khi kết thúc trong học kỳ 1 năm học 2020-2021 để ghi nhận những khó khăn, vướng mắc trong việc dạy và học từ các trường, kịp thời có những điều chỉnh trong quá trình tiếp theo, đảm bảo cho học sinh lớp 1 tiếp thu tốt kiến thức, đạt hiệu quả dạy và học cao hơn.

Bộ GD-ĐT hướng dẫn khắc phục khó khăn

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn tăng cường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở bậc tiểu học nhằm khắc phục những khó khăn được giáo viên và phụ huynh phản ảnh. Theo đó, Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT phải chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình mới được xây dựng theo hướng mở. Đồng thời, cũng lưu ý các trường chỉ đạo giáo viên giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh. Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều