Cháu bé ấy ở gần nhà tôi năm nay chuẩn bị vào lớp 7. Sau 2 năm kể từ khi bị người cậu họ xâm hại tình dục, từ một cô bé hồn nhiên, học giỏi giờ biến thành người luôn sợ hãi mỗi khi có khách đàn ông đến nhà.
Cháu bé ấy ở gần nhà tôi năm nay chuẩn bị vào lớp 7. Sau 2 năm kể từ khi bị người cậu họ xâm hại tình dục, từ một cô bé hồn nhiên, học giỏi giờ biến thành người luôn sợ hãi mỗi khi có khách đàn ông đến nhà. Cháu cũng không còn chơi đùa với các bạn cùng xóm, chẳng đi đâu ra khỏi nhà và học hành sa sút thấy rõ. Mẹ cháu tâm sự có đêm đang ngủ cháu ngồi bật dậy, lùi vào góc giường, mồ hôi vã ra… Những người biết chuyện đều thương cháu và căm hận kẻ mất hết nhân tính kia, mong thời gian như liều thuốc sẽ dần chữa lành vết thương cho cháu.
Mấy hôm nay đọc báo, tôi giật mình khi thấy Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đưa con số thống kê mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.500-1.800 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Con số quả thực là đau lòng, đau hơn khi có đến 59% thủ phạm xâm hại trẻ em lại là người thân của các cháu.
Tôi cho rằng sở dĩ số vụ xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em gia tăng một phần là do pháp luật chưa đủ sức răn đe. Khi những con “yêu râu xanh” bị xử thật nặng thì những kẻ khác có ý định cũng phải kiêng dè. Bạn tôi là cảnh sát hình sự ở Công an TP.Biên Hòa, cho biết Luật Hình sự đang có những khoảng trống trong thực thi. Đây là nguyên nhân khiến nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em điều tra không có kết quả, gây mệt mỏi cho gia đình người bị hại, còn kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Theo tôi, pháp luật cần có biện pháp xử lý thật nặng với những kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Hiện nay, nhiều quốc gia dù rất cởi mở với vấn đề tình dục nhưng lại có hình phạt rất nặng đối với tội xâm hại tình dục, tội ấu dâm… Không ít quốc gia đã thực hiện biện pháp “thiến” hóa học đối với những kẻ thực hiện hành vi đồi bại này với trẻ em (sử dụng thuốc triệt tiêu khả năng tình dục của kẻ phạm tội) và tác dụng răn đe từ biện pháp này rất hiệu quả; có nơi xử với mức phạt tù đến hàng chục năm và suốt đời bị hạn chế đến gần trẻ em.
Khó có thể hình dung hết những hệ lụy lớn lao mà trẻ bị xâm hại phải gánh chịu. Mong rằng những ngành có trách nhiệm sớm có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng đồi bại này, đem lại môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Lê Thị Tú (giáo viên, TP.Biên Hòa)