Thực phẩm là thức ăn, nước uống mỗi người phải dùng hàng ngày. Thế nhưng, nếu ăn uống không đúng cách, chế biến không hợp vệ sinh, nguồn thực phẩm không an toàn, nhất là ăn các loại thịt sống thì thực phẩm lại trở thành tác nhân gây bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng người dùng.
Khi mua thực phẩm, người dân nên lựa chọn loại tươi mới hoặc được bảo quản lạnh theo đúng quy chuẩn an toàn và vệ sinh. Ảnh: P.Liễu |
Bệnh đến từ… miệng
Mặc dù đã được cơ quan chuyên môn cảnh báo về nguy cơ nhiễm khuẩn liên cầu khi ăn tiết canh hoặc bị các bệnh nguy hiểm lây truyền qua thực phẩm khi ăn một số loại thịt, nội tạng, thủy hải sản tái, sống…, nhưng nhiều người vẫn ăn và đã phải trả giá bằng cả mạng sống của mình.
Ngày 10-5, UBND thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã chính thức công bố nguyên nhân khiến 1 người tử vong và hàng chục người khác phải nhập viện cấp cứu là do nhiễm liên cầu khuẩn khi ăn tiết canh dê tại một đám cưới trên địa bàn phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình).
Trước đó, chiều 1-5, gia đình ông P.V.H. (ngụ tổ dân phố số 5, phường Hoàng Diệu) tổ chức tiệc đám cưới con gái với thực đơn 5 món, trong đó có tiết canh dê. Ông P.T.T., 67 tuổi (cùng phường) đã đến dự và cùng ăn tiết canh dê. Đến chiều 4-5, ông T. có các triệu chứng: sốt, ho, khó thở, đau hai bên sườn nên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình khám bệnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh có nguồn gốc lây truyền từ động vật sang người. Trong đó, nhiều bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, ăn uống hàng ngày. Riêng việc ăn sống thịt, nội tạng động vật chưa qua chế biến làm tăng nguy cơ tử vong tới 13%. |
Khoảng 20h cùng ngày, ông T. diễn biến nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (Thành phố Hà Nội), đến ngày 5-5 bệnh nhân đã tử vong với chẩn đoán: nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và ngừng tuần hoàn. Tại Bệnh viện Bạch Mai, 9 trường hợp cùng ăn tiết canh dê tại đám cưới này cũng đang điều trị vì có diễn tiến nặng.
Đáng nói, hiện nay trên mạng xã hội vẫn còn những clip thử thách ăn thực phẩm sống như: nội tạng bò, heo, bạch tuộc sống… Những clip này thu hút hàng trăm ngàn lượt tương tác từ người xem, có ý kiến cổ vũ cho hành động “gan dạ”.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thịt, nội tạng sống có chứa rất nhiều mầm bệnh như khuẩn Salmonella, E.coli hay vi khuẩn Listeria monocytogenes… Những khuẩn này chỉ bị tiêu diệt khi được nấu chín. Do đó, khi ăn thịt, nội tạng động vật sống, nguy cơ ngộ độc rất cao, thậm chí là có thể tử vong nếu nhiễm một lượng đủ lớn khuẩn Salmonella.
Hiện công tác quản lý chất lượng thực phẩm vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế. Do đó, việc lựa chọn ăn gì, ăn như thế nào để vừa bảo đảm dinh dưỡng cho bản thân, vừa tránh được bệnh tật là việc mọi người cần cân nhắc.
Khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã từng tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn, sán não, các bệnh liên quan ký sinh trùng… Phần lớn những ca này khai có thói quen ăn thực phẩm tái, sống. Đặc biệt, khoa từng tiếp nhận bệnh nhân có lượng sán trong người rất lớn, sán bò lên cả não, vào cả đáy mắt và nhiều bộ phận khác trong cơ thể; phổ biến là tình trạng ổ sán tụ dưới da và di chuyển liên tục khiến việc điều trị rất phức tạp.
Không chỉ ăn các loại thực phẩm không an toàn mới có nguy cơ mắc bệnh tật, mà nhiều trường hợp sử dụng những đồ uống, giải khát với các nguyên liệu không rõ nguồn gốc như: rượu, trà sữa… cũng dễ gây ngộ độc thực phẩm.
Hoàn toàn có thể phòng tránh
Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng cho con người nhưng cũng là tác nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm nếu sử dụng không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, những bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người sử dụng thực phẩm tuân thủ một số nguyên tắc trong ăn uống.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Thanh Quyên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, thực phẩm trong quá trình nuôi, trồng hoặc chế biến, đóng gói, bảo quản có thể bị nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng, virus hay nấm… Đây chính là mầm gây bệnh cho con người. Khi những thức ăn chứa các vi sinh vật này được đưa vào cơ thể, chúng sẽ tồn tại, sinh trưởng, làm tổn thương hoặc tiết ra các độc tố gây bệnh cho con người.
Bác sĩ Quyên cho biết, ngoài các dạng cấp như ngộ độc thực phẩm, còn có các bệnh âm thầm tích tụ, phát tác gây các bệnh: liên cầu khuẩn lợn, tiêu chảy, bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn, sán não, viêm gan do virus viêm gan A và E, bại liệt… Thậm chí còn có thể gây bệnh tiểu đường, béo phì và ung thư nếu ăn quá nhiều các loại thực phẩm chiên xào.
Để phòng, tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Sở Y tế) Nguyễn Đình Minh khuyến cáo, mọi người nên ăn chín, uống chín; lựa chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, nguồn gốc an toàn và đảm bảo vệ sinh. Khi mua các loại thịt, cá, rau xanh nên chọn loại tươi mới; không sử dụng các loại thực phẩm bị nấm mốc. Đối với thực phẩm đóng hộp, đóng gói phải có nguồn gốc, hạn sử dụng; không sử dụng chất bảo quản, phẩm màu, chất hóa học trong chế biến thực phẩm. Đặc biệt, phải hạn chế ăn các món tái, sống; không ăn tiết canh và các món chế biến từ huyết sống của một số loài động vật.
“Trong quá trình chế biến, cần dùng nước sạch để rửa thực phẩm, dụng cụ chế biến và nấu nướng thức ăn; ăn ngay thức ăn vừa nấu chín; bảo quản thức ăn sau nấu ở nơi sạch sẽ, thoáng và che đậy kín tránh nhiễm khuẩn; đồ dùng đựng thực phẩm sống, chín phải riêng biệt; rửa sạch tay trước khi chế biến và ăn uống” - ông Nguyễn Đình Minh lưu ý.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin