Báo Đồng Nai điện tử
En

Bạo lực tinh thần dưới góc nhìn pháp lý

Đoàn Phú
09:00, 05/04/2024

Hiện còn không ít người có tư tưởng, lối hành xử bạo lực tinh thần với vợ con nhưng lại bao biện, che đậy, cho rằng đó là cách yêu thương, bảo vệ của mình.

Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư Đồng Nai) tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cho người dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán). Ảnh: Đ.Phú

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2022 giải thích khá rõ, BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Bạo lực núp bóng thương yêu

Ông Đ.L. (ngụ thành phố Biên Hòa) là người có trách nhiệm, biết chăm lo cho gia đình. Tuy vậy, hễ thấy người khác phái nói chuyện với vợ là ông nghi ngờ người này có ý tán tỉnh vợ ông. Nếu có ai tỏ ra thân thiện với con ông thì bị ông “phán xét” là tìm cách tiêm nhiễm điều xấu. Điều này được ông Đ.L. lý giải là do ông quá yêu thương vợ con, muốn bảo vệ họ trước những điều xấu của xã hội. Vì vậy, vợ và các con của ông trở nên sống khép kín, gần như không dám tiếp xúc với những người bên ngoài.

Hay như trường hợp chị B.V. (ngụ huyện Trảng Bom) cũng khổ sở vì chồng ghen tuông thái quá. Mỗi khi chị ăn mặc đẹp đi chơi hay mặc đồ đi tập thể dục đều bị chồng chì chiết là “khoe thân”. Khi chị bức xúc phản kháng thì chồng chị lấy quần áo của chị cắt, xé hoặc quăng ra đường.

“Chồng tôi luôn nghi ngờ tôi cặp bồ bên ngoài cho nên luôn ức chế tinh thần của tôi. Hiện tại, tôi rất muốn ly hôn để giải thoát khỏi cảnh bị bạo lực tinh thần nhưng do phụ thuộc kinh tế vào chồng nên tôi còn chưa dứt khoát. Biết được điều đó, chồng tôi ngày càng nghiêm khắc, cấm đoán tôi đủ điều” - chị B.V. bộc bạch.

Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi của ông Đ.L. và chồng chị B.V. là BLGĐ. Hành vi này dù được người chồng lấy lý do là yêu thương, che chở vợ, các thành viên gia đình nhưng đã thể hiện đầy đủ nội hàm của hành vi BLGĐ được quy định tại Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022.

Theo đó, BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Hành vi BLGĐ bao gồm: hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; cô lập, giam cầm thành viên gia đình…

Muốn giải quyết dứt điểm vấn đề, pháp luật về phòng, chống BLGĐ cho phép người bị BLGĐ được tự mình yêu cầu người có hành vi bạo lực đối với mình chấm dứt hành vi, xin lỗi, khắc phục hậu quả hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ngăn chặn, hỗ trợ, can thiệp.

“Cái gốc của BLGĐ là bất bình đẳng giới. Điều đó thể hiện rất rõ ở tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, chồng có quyền “dạy vợ” và người vợ cũng chấp nhận việc bị chồng “dạy” bằng bạo lực, hay dù bị bạo lực người vợ vẫn nín nhịn, chọn giải pháp “đóng cửa bảo nhau”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”…” - luật sư NGUYỄN ĐỨC (Đoàn Luật sư Đồng Nai) bày tỏ.

Bị bạo lực thì ly hôn?

Mặc dù khoản 1, Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho phép vợ, chồng có quyền đơn phương ly hôn khi có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi BLGĐ. Tuy nhiên, không phải cứ bị BLGĐ là vợ, chồng lại dắt nhau ra tòa án và được tòa án chấp thuận cho ly hôn.

Luật gia Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, bị BLGĐ chỉ là điều kiện cần để tòa án xem xét thụ lý trong quá trình thụ lý giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên. Vì tòa án còn phải căn cứ vào các yếu tố quan trọng khác như: tùy vào tính chất, mức độ, hành vi của BLGĐ, cách thức, giải pháp ngăn chặn, hòa giải giữa các bên không thành… Sau đó, tòa án mới xét thấy có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi BLGĐ làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết cho ly hôn.

Trong quá trình giải quyết, tòa án còn căn cứ vào khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 để bác yêu cầu của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó, tòa án còn căn cứ vào Điều 4 Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 với nguyên tắc phòng, chống BLGĐ, phòng ngừa là chính, chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, hòa giải.

Chính vì vậy, theo luật gia Ngô Văn Định, trường hợp của vợ, con ông Đ.L. và chị B.V., ngoài nhu cầu được tư vấn pháp luật, họ rất cần được hỗ trợ, tham vấn tâm lý trong vấn đề hôn nhân - gia đình và phòng, chống BLGĐ từ các chuyên gia tâm lý, cán bộ làm công tác phụ nữ, gia đình, trẻ em… Từ đó, giúp họ có giải pháp an toàn về pháp lý, tâm lý để tự bảo vệ quyền, cũng như khát vọng được sống, có tiếng nói trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều