Có thể nói một cách không ngoa là như thế.
Nhà báo, Nhà văn Thu Trân thăm hỏi Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh). |
Có thể nói một cách không ngoa là như thế.
Tôi chân ướt chân ráo về Báo Đồng Nai khi chưa biết viết báo là gì. Phó tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt thuở ấy hỏi tôi biết viết gì. Tôi thưa, vì học văn nên chỉ biết viết văn. Anh cười sảng khoái thân thiện, viết văn khác viết báo xa lắm à nha. Tôi tuổi hai mươi tỉnh rụi, thì biết vậy nên em mới về đây nhờ các anh dạy cho viết báo.
Thế là các anh dạy. Bảo đến đơn vị này, lấy tư liệu về vấn đề này, để viết bài này. Tôi hỏi, viết sao cho thành bài báo, mấy anh? Các anh bảo, em hãy hình dung mình là người đọc, viết xong đọc lại, thấy hiểu được vấn đề một cách rõ ràng, đúng đắn là tốt. Đến bài báo thứ ba được đăng thì các anh không dạy nữa. Thế là tự dưng thấy mình chơi vơi. Cả tuần ra vô tòa soạn, hết đọc báo rồi đi tới đi lui, không biết làm gì. Trưởng ban Văn - xã của tôi lúc đó là anh Đinh Vĩnh Phước. Sắp đến ngày giao bài, Phước hỏi có bài nào chưa, tôi bảo không biết viết gì. Phước bảo vậy thì nghỉ làm báo đi, nghề báo không cho phép nói không.
Nhưng mà tôi không nghỉ. Thật ra, đến lúc đó, đã thấy làm báo không “dễ ăn” chút nào, nhưng muốn chứng minh cho mọi người biết - nhất là với đồng chí trưởng ban - rằng tôi đã quyết đi thì phải đến. Ngay sau đó có cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tôi xung phong về vùng sâu, vùng xa để làm ghi chép. Nhớ được phân công về xã Lộ 25 của huyện Thống Nhất. Lúc đó tình hình an ninh còn chưa ổn, đêm chuẩn bị cho buổi sáng bầu cử, bọn Fulro về rập rình quanh xã. Đêm ngủ, Chủ tịch UBND xã bố trí tôi ngủ trong văn phòng Xã đội, mấy anh bộ đội địa phương đứng gác bên ngoài, thỉnh thoảng lại lên cò súng lách cách, kêu nhau tập hợp, chạy rầm rập suốt đêm. Nhờ cái cảm giác sắp bị Fulro tấn công và nhờ mắt thấy tai nghe công việc của mọi người nên chuyến công tác xa đầu tiên của tôi thành công hơn mong đợi. Bài ghi chép của tôi được ban biên tập thưởng và ngợi khen hết lời khi tổng kết công tác tuyên truyền cho đợt bầu cử. Sau bầu cử, Chủ tịch UBND xã Lộ 25 Nguyễn Văn Huệ còn gửi tặng tôi 20kg gạo và cho cơ quan mấy trái mít chín thơm lừng. Tôi bắt đầu thấy nghề báo thú vị từ đây. Nghề báo cho tôi được dự phần các hoạt động xã hội. Can thiệp của nhà báo vào các hoạt động xã hội khiến nghề báo trở nên quan trọng hơn và nhà báo được mọi người tín nhiệm hơn.
Tôi đã trở nên “máu” hơn từ đó và lăn xả vào nghề. Tôi thích đi xa, chứ không loanh quanh TP.Biên Hòa. Ban biên tập luôn ủng hộ các đề tài mới mẻ và thuộc vùng sâu, vùng xa của tôi. Những bài viết của tôi luôn luôn được điểm cộng và được khen thưởng kịp thời. Cô bé viết chữ bằng chân của tôi ở Nhơn Trạch đã lấy không ít nước mắt của các dì, các cô ở Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cuối cùng gia đình em cũng được Hội hỗ trợ một nhà tình thương và mấy suất học bổng. Suối Săn Máu chảy quanh Biên Hòa yêu dấu của tôi sớm được đưa vào quy hoạch, cải tạo chống ngập và xây dựng cảnh quan nhờ phóng sự điều tra nhiều kỳ về việc người ta bức tử nó. Mối quan hệ chủ - thợ trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sớm được cải thiện nhờ các bài viết chỉ ra mối quan hệ chông chênh, thiếu tương đồng cảm thông nhau giữa chủ và thợ trong khu vực này. Nhiều lắm, ban biên tập đã “bật đèn xanh” cho tôi thâm nhập nhiều đề tài thú vị. Tôi thú vị. Ban biên tập thú vị. Thế là báo luôn có những đề tài hay và nóng sốt. Chuyến về Tân Uyên (Bình Dương) lần tìm dấu vết thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Huề - liệt sĩ đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ - hy sinh trong trận đánh Nhà Xanh cũng là một đề tài thú vị. Nhờ chịu khó tìm tòi, thích khám phá các đề tài nóng nên tôi được rất nhiều giải thưởng báo chí của tỉnh và cả nước. Đây cũng là động lực khiến tôi tin mình hơn, tin vào Ban biên tập hơn và gắn bó với Báo Đồng Nai hơn.
Phải công nhận rằng, chuyện “nghiệt ngã” về định mức thuở ấy đã luôn khiến đội ngũ phóng viên Báo Đồng Nai ngày càng trưởng thành hơn. Riêng với tôi, xác định là cây bút chủ lực của báo, tuần báo ra 3 số, mỗi số phải có một bài (chưa kể những chuyên đề “ôm sô” một số năm sáu bài), vị chi mỗi tháng tôi phải viết ít nhất 12 bài và “vô thiên lũng” tin. Tính luôn cả báo xuân, mỗi năm tôi làm hơn 150 bài. Hai mươi năm làm Báo Đồng Nai, tôi “đẻ sòn sòn” hơn 3 ngàn bài báo (không kể tin, ảnh). Con số khủng này nói lên điều gì? Có công mài sắt có ngày nên kim. Và, nhờ cái nôi Báo Đồng Nai, tôi đã thật sự biết làm báo, biết nhà báo cần gì và mọi người cần gì ở nhà báo.
Đời không như là mơ nên trong công việc hàng ngày, tôi và chúng ta không thể nào tránh khỏi những va vấp không hài lòng nhau. Theo thời gian, những vết sẹo mờ dần đi. Và không đáng kể. Cái tình với Báo Đồng Nai, với ngôi trường dạy tôi làm nghề vẫn bất biến và lóng lánh theo những năm tháng dài. Vâng, tôi yêu Báo Đồng Nai - một tình yêu vững bền, son sắt với mái trường xưa của mình - nơi tôi chập chững những bước bay đầu tiên, để bây giờ tự tin bay cao bay xa trong bầu trời thênh thang rộng.
Nhà báo Thu Trân cùng lãnh đạo Báo Đồng Nai đi thực tế tại ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh. |
Nhờ 20 năm “lửa đạn” ở Báo Đồng Nai, tôi đã trở nên tự tin hơn, sắc sảo hơn, trưởng thành hơn khi chuyển về làm báo ở TP.Hồ Chí Minh. Thật ra, cánh nhà báo các thành phố lớn không “lửa đạn” bằng báo tỉnh. Vì cái “mặc cảm tỉnh lẻ” nên các nhà báo tỉnh không ngần ngại lăn xả vào nghề. Và tôi yêu quý sự lăn xả này. Đã làm báo, không cớ gì, tỉnh lẻ phải thua các thành phố lớn, vấn đề là ta có yêu nghề, có chịu nâng cao tay nghề và sống chết với nghề hay không. Mười năm về TP.Hồ Chí Minh làm báo, tôi luôn tự hào trước mọi người khi giới thiệu gốc gác Báo Đồng Nai của mình. Bây giờ làm công tác biên tập, biên dịch, tôi luôn “thèm” và nhớ quay quắt những ngày lăn lộn thực tế khi làm phóng viên Báo Đồng Nai. Phải, đó là những tháng ngày làm báo sống động, đẹp nhất và có ý nghĩa nhất trong đời làm báo của tôi.
Tôi không biết Báo Đồng Nai bây giờ vận hành thực tế ra sao. Thật tình, tôi vẫn thích guồng quay cũ, guồng quay ấy “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Guồng quay thuở ấy có ban biên tập không còn trẻ nữa nhưng vẫn chưa già và lúc nào cũng sung sức với các anh Nguyễn Nam Ngữ, Nguyễn Tất Đắc, Nguyễn Thiện Nhựt, Mai Sông Bé… Các anh đã tin tưởng, dẫn dắt và “rèn” chúng tôi là thế hệ sau để “cho ra lò” những nhà báo cứng cáp, bản lĩnh và vẫn rất đang máu lửa với nghề. Xin cảm ơn các anh, cảm ơn Báo Đồng Nai đã cho tôi và các đồng nghiệp từng và đang làm Báo Đồng Nai một nghề để yêu thương, tự hào và trọng vọng.
THU TRÂN
Nguyên phóng viên Ban Văn hóa - xã hội, Báo Đồng Nai