Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu đúng vai trò nghề điều dưỡng

07:04, 21/04/2023

Điều dưỡng (ĐD) có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân, góp phần quan trọng vào kết quả điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân chưa hiểu đúng vai trò của ĐD, gây nhiều khó khăn, áp lực cho ĐD trong quá trình làm việc.

Điều dưỡng (ĐD) có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân, góp phần quan trọng vào kết quả điều trị của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân chưa hiểu đúng vai trò của ĐD, gây nhiều khó khăn, áp lực cho ĐD trong quá trình làm việc.

Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc bệnh nhi
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc bệnh nhi. Ảnh: H.YẾN

Hiểu chưa đúng về nghề ĐD trong khi công việc thực tế có nhiều áp lực cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhân lực nghề này đang khan hiếm.

Nhiều áp lực

Gắn bó với công việc được 3 năm, nhiều lúc chị Hà Thị Lệ Quyên, ĐD Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nản lòng bởi có nhiều áp lực. Những áp lực này không chỉ đến từ công việc, trong mối quan hệ giao tiếp với bệnh nhân mà còn cả áp lực về thời gian dành cho gia đình, nhất là khi chị chuẩn bị đón con đầu lòng. Vợ chồng chị Quyên đều là những người xa quê vào Đồng Nai lập nghiệp, sau khi sinh con, việc trông nom, chăm sóc con sẽ là vấn đề nan giải, nhất là do đặc thù nghề nghiệp nên tuần nào chị cũng phải đi trực đêm khoảng 2 lần.

Theo BS LÊ QUANG TRUNG, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế, trong 3 năm (2023-2025), tỉnh có nhu cầu tuyển gần 1.200 ĐD. Trong đó, năm 2023 cần tuyển 426 ĐD (129 người trình độ cử nhân, sau đại học và 297 người trình độ cao đẳng); năm 2024 cần tuyển 387 ĐD (125 người có trình độ sau đại học và cử nhân trở lên, 262 người trình độ cao đẳng); năm 2025 cần tuyển 374 ĐD (4 người trình độ sau đại học, 108 người trình độ cử nhân trở lên, 262 người trình độ cao đẳng).

Vấn đề mà chị Quyên gặp phải cũng là khó khăn chung của hầu hết ĐD trẻ tại bệnh viện. Do đó, nhiều nữ ĐD sau khi lập gia đình, sinh con đã lựa chọn nghỉ việc tại BV, làm công việc khác để có thời gian chăm sóc con.

Theo chị Trần Thị Minh Ngọc, ĐD trưởng Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, khoa hiện có 18 ĐD. Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số lượng giường bệnh của Khoa hơn 60 giường. Từ năm 2022, bệnh nhân điều trị tại Khoa tăng lên khoảng 90 người nên 18 ĐD là không đủ để phục vụ số lượng bệnh nhân nêu trên. Chưa kể, trong số 18 ĐD đó lại có 3 ĐD đang nghỉ hậu sản, sắp tới sẽ có thêm 3 người nghỉ hậu sản nữa. Như vậy, 12 ĐD còn lại phải gánh gồng công việc cho nhau. Vào ca trực đêm, có khi 1 ĐD phải theo dõi, chăm sóc 40 bệnh nhân thì khó có thể đảm đương tốt nhất công việc.

BS CKII Lê Thị Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh viện hiện có khoảng 700 ĐD và hộ sinh. Công việc của ĐD là theo dõi tình trạng bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân có vấn đề bất thường thì báo cho bác sĩ để bác sĩ xử lý. Ngoài ra, ĐD còn chăm sóc cho bệnh nhân với các công việc như: tiêm thuốc, dịch truyền; theo dõi kết quả sau tiêm thuốc, dịch truyền; hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ quá trình điều trị, hướng dẫn chế độ ăn uống, dinh dưỡng…  

Một nữ nhân viên bệnh viện từng làm công việc ĐD chia sẻ: “Công việc ĐD nhìn đơn giản nhưng phải làm cả ngày cũng không hết việc. Có những ngày đông bệnh nhân, phải chích thuốc quá nhiều đến nỗi run cả tay, khi về đến nhà là mệt rã rời, không làm được việc gì nữa”.

Cần sự thấu hiểu, chia sẻ

Theo ĐD CKI Hồ Thị Yến, Phụ trách Phòng ĐD Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trước đây y tá vốn được xem là cái bóng, là giúp việc cho bác sĩ nên có vai trò thụ động. Ngày nay, trong hệ thống y tế, chức danh y tá được thay thế bằng ĐD, được đào tạo bài bản, có trình độ cao hơn trước đây, được xác định là một nghề nghiệp cụ thể trong hệ thống y tế. Tuy vậy, nhiều người dân vào bệnh viện chỉ biết đến bác sĩ mà không biết hoặc xem nhẹ vai trò của ĐD. Điều này ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Chẳng hạn, trước một ca mổ, ĐD dặn dò bệnh nhân phải nhịn ăn, khi mổ xong thì chế độ chăm sóc vết thương như thế nào. Nếu bệnh nhân xem nhẹ mà không thực hiện theo thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả.

“Nhiều trường hợp ĐD đã giải thích nhưng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không tin tưởng nên phải tìm gặp bác sĩ cho bằng được để hỏi lại thông tin, gây mất thời gian cho quá trình điều trị… Những điều đó còn có thể khiến cho ĐD tự ti, dần nản lòng với nghề. Nếu nhìn nhận của xã hội không thay đổi, các cấp quản lý không có chính sách ưu đãi phù hợp thì sợ rằng sẽ ngày càng ít người theo đuổi nghề ĐD” - chị Yến cho hay.

Chị Lê Thị Huệ, ĐD trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, khó khăn nhất của ĐD ở bệnh viện nhi là trẻ thường xuyên quấy khóc, không hợp tác, sự nóng lòng của người nhà và phản ứng không phù hợp tạo thêm áp lực cho ĐD, phải trực đêm nhiều làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

“Khi giải thích, dặn dò bệnh nhân thì không được tin tưởng, phải nhờ đến bác sĩ. Do vậy, chúng tôi mong muốn người nhà bệnh nhân, bệnh nhân hiểu được vai trò của ĐD trong việc điều trị 1 ca bệnh thành công; hiểu rằng vai trò điều trị của bác sĩ và chăm sóc của ĐD đều quan trọng; người dân tôn trọng, không xảy ra bạo lực đối với nhân viên y tế” - chị Huệ chia sẻ.

Hải Yến

Tin xem nhiều