Hàng năm, có khoảng 12 ngàn học sinh trong toàn tỉnh tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Bên cạnh hệ đào tạo trung cấp, nhiều học sinh đã lựa chọn hệ đào tạo 9+ để học chương trình cao đẳng.
Hàng năm, có khoảng 12 ngàn học sinh trong toàn tỉnh tham gia học nghề sau khi tốt nghiệp THCS. Bên cạnh hệ đào tạo trung cấp (TC), nhiều học sinh đã lựa chọn hệ đào tạo 9+ để học chương trình cao đẳng (CĐ). Số lượng ngành nghề đào tạo ngày càng phong phú, đa dạng, giúp học sinh có thêm cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.
Trường cao đẳng FPT Polytechnic đang dạy chương trình cao đẳng nghề và 4 môn văn hóa theo Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT Trong ảnh: Học sinh Trường cao đẳng FPT Polytechnic đi tham quan thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: H.YẾN |
Hiện nay, hầu hết các trường TC, CĐ nghề trên địa bàn tỉnh đều đang dạy chương trình nghề kết hợp chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX - dạy 7 môn văn hóa chương trình THPT). Bên cạnh đó, vẫn có trường dạy TC, CĐ nghề mà học sinh chỉ phải học 4 môn văn hóa.
* Thêm lựa chọn cho học sinh sau THCS
Trường CĐ FPT Polytechnic Đồng Nai (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đang triển khai chương trình đào tạo hệ 9+. Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại trường sẽ học 4 môn văn hóa (gồm 3 môn bắt buộc: Toán, Văn, Lịch sử và 1 môn tự chọn: Hóa học hoặc Vật lý) và chương trình đào tạo nghề.
Để thuận lợi cho người học và phù hợp với lứa tuổi, nhà trường thiết kế chương trình đào tạo theo lộ trình mỗi năm học gồm 3 học kỳ. Trong đó, năm học đầu tiên sẽ tập trung vào đào tạo văn hóa, kỹ năng và hướng nghiệp. Sau khi hoàn thành năm thứ nhất, người học sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Bước sang năm thứ 2, nhà trường bắt đầu đào tạo chuyên ngành. Hoàn thành năm thứ 2, người học sẽ được nhận bằng TC. Năm học thứ 3, người học tiếp tục được đào tạo chuyên ngành, tham gia thực tập và làm dự án tốt nghiệp. Với lộ trình học tập này, sau 3 năm học, sinh viên sẽ hoàn thành chương trình đào tạo CĐ chính quy.
Theo Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, học sinh trong các cơ sở GDNN phải học 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Lịch sử) và ít nhất là 1 môn học lựa chọn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý) phù hợp với ngành nghề của mình. Sau khi học sinh đã học và thi đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật. |
Thời gian học tập được rút ngắn, tốt nghiệp CĐ khi mới 18 tuổi, được hướng nghiệp sâu và có thời gian thực hành nhiều chính là những “điểm cộng” hấp dẫn để nhiều phụ huynh và học sinh lựa chọn hướng đi này sau tốt nghiệp THCS.
Sau khi tốt nghiệp THCS tại Trường phổ thông Thực hành sư phạm, em Hứa Mỹ Dung được gia đình định hướng cho đi học ngành Thiết kế đồ họa và đã đăng ký vào Trường CĐ FPT Polytechnic Đồng Nai.
Vào học tại trường, Dung tiếp tục phát huy sở trường và đã đạt được nhiều thành tích trong học tập. Cùng với việc được tham gia các hoạt động hướng nghiệp, em đã xác định khá chắc chắn về ngành học và hướng đi trong tương lai. Hiện Dung đang học năm thứ 2 và đã xác định mình theo đuổi là mảng thiết kế nội thất.
Tương tự, em Nguyễn Phương Mỹ Hạnh đang học năm thứ nhất của ngành digital marketing và công việc mà Hạnh theo đuổi trong tương lai sẽ liên quan đến mảng tổ chức sự kiện. Việc học ít môn văn hóa giúp sinh viên giảm được áp lực học tập, có thêm nhiều thời gian cho việc học các môn chuyên ngành, các môn kỹ năng và tham gia sinh hoạt các CLB để phát triển kỹ năng mềm.
Trước Trường CĐ FPT Polytechnic, Trường CĐ Công nghệ và quản trị Sonadezi đã đào tạo hệ 9+ và đã có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp hệ CĐ. Tuy nhiên, khác với Trường CĐ FPT Polytechnic, Trường CĐ Công nghệ và quản trị Sonadezi không dạy chương trình 4 môn văn hóa mà dạy chương trình 7 môn văn hóa theo hệ GDTX.
* Tuyển sinh CĐ vẫn gặp khó
Năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong toàn tỉnh tuyển sinh được hơn 76,8 ngàn người. Trong đó, các khóa đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên hơn 56,8 ngàn người; hệ CĐ tuyển sinh được hơn 7,2 ngàn sinh viên; hệ TC tuyển sinh được 12,7 ngàn học sinh.
Do đặc thù phân luồng học sinh sau THCS tại Đồng Nai nên các trường nghề trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh hệ TC, thậm chí nhiều trường thường xuyên tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao. Trong khi đó, việc tuyển sinh hệ CĐ lại khá chật vật, đặc biệt là tuyển sinh hệ CĐ chính quy.
Nhân viên tư vấn tuyển sinh Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi tư vấn cho học sinh trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp |
Hiệu trưởng một trường CĐ chia sẻ: “Mang tiếng là trường CĐ nhưng chủ yếu tuyển sinh TC, còn hệ CĐ mỗi năm chỉ tuyển được chưa đến 500 chỉ tiêu, bao gồm cả CĐ liên thông. Việc tuyển sinh CĐ gặp khó là do phụ huynh, học sinh vẫn còn tâm lý “sính” đại học và các trường đại học ngày càng rộng cửa đón học sinh tốt nghiệp THPT nên nguồn tuyển sinh CĐ ngày càng hẹp”.
Để giải quyết vấn đề này, các trường CĐ trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh. Đồng thời, theo quy định của Bộ LĐ-TBXH, công tác tuyển sinh được triển khai quanh năm.
Cùng với đó, các trường đưa ra các suất học bổng, cơ hội việc làm hấp dẫn, mở mới các ngành đào tạo để thu hút thí sinh. Trong đó, Trường CĐ Công nghệ và quản trị Sonadezi có gói học bổng trị giá 500 triệu đồng, có chính sách hỗ trợ thủ tục và lãi suất cho sinh viên vay vốn học tập tại trường… Năm nay, trường này mở thêm 2 ngành học mới là thiết kế đồ họa và digital marketing.
Trong thông báo tuyển sinh của mình, Trường CĐ Cơ giới và thủy lợi cho biết sẽ miễn 100% học phí toàn khóa học cho 200 sinh viên cao đẳng có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai đăng ký nhập học đầu tiên; giảm 70% học phí cho sinh viên không có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai học các nghề: cắt gọt kim loại, chế tạo thiết bị cơ khí và vận hành máy thi công nền…
Dự kiến trong năm 2023, các trường nghề trong toàn tỉnh sẽ tuyển sinh khoảng 12,8 ngàn chỉ tiêu hệ TC và 6,8 ngàn chỉ tiêu hệ CĐ.
Hải Yến