Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, các trường đại học (ĐH) đã đầu tư nhiều máy móc, công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại đã hỗ trợ rất đắc lực cho giảng viên, đồng thời giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ, tăng thời gian thực hành.
![]() |
Sinh viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai tại khu thực hành máy in 3D. Ảnh: Hải Yến |
* Thực hành mọi lúc, mọi nơi
Năm 2021, khi phải học tại nhà do dịch bệnh Covid-19, việc thực hành của sinh viên ngành công nghệ ô tô, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai vẫn không bị gián đoạn. Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai đã dùng phần mềm Electude - Hệ thống thực hành mô phỏng 3D, 4D. Đây là hệ thống đã được triển khai tại hơn 50 quốc gia. Hệ thống này cung cấp khoảng 1.600 module bao gồm các bài học, các bài kiểm tra tương tác với 4 mức học từ cơ bản đến chuyên gia.
Cụ thể, các bài học e-learning mô phỏng tương tác, ứng dụng các nguyên lý thiết kế của Game 3D, mang đến cảm nhận chân thực cho sinh viên. Các bài học được sắp xếp theo từng chủ đề, đồng thời thường xuyên cập nhật các kiến thức trong ngành công nghiệp của thế giới, đặc biệt là công nghệ ô tô. Sinh viên truy cập vào hệ thống và thực hành mô phỏng theo các bài tập được giảng viên yêu cầu, hệ thống sẽ tự động chấm điểm. Với phần mềm Electude, sinh viên có thể truy cập để học vào bất cứ khi nào, ở đâu.
Cũng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai đã tập trung đầu tư, trang bị nhiều công nghệ, thiết bị hiện đại để phục vụ đào tạo. Những công nghệ này đã chính thức đưa vào ứng dụng từ cuối năm 2021.
Theo đó, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai đã đầu tư Trung tâm Thực hành công nghệ (Innovation LAB) với khu công nghệ in 3D và khu công nghệ thực tế ảo. Trung tâm thực hành này phục vụ cho các ngành công nghệ tự động, ngành ô tô và ngành y, điện - điện tử…
Đặc biệt, khu công nghệ thực tế ảo dùng được nhiều module với đầy đủ nội dung cả lý thuyết và thực hành. Với công nghệ thực tế ảo, các module bài học, thực hành đã được thiết kế sẵn nội dung, giúp giảng viên giảm bớt phần việc thiết kế bài giảng. Thông qua công nghệ thực tế ảo, các chi tiết máy móc có thể mô phỏng từng chi tiết cặn kẽ, giúp sinh viên dễ nhớ, dễ hiểu và tiếp cận nhanh nhất, nắm được những kiến thức cơ bản trước khi thực hành.
ThS Lưu Hồng Quân, Trưởng khoa Công nghệ, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho biết: “Trước đây, giảng viên có thể mất 5 tiết để giảng bài nhưng với công nghệ thực tế ảo, giảng viên chỉ cần 1 tiết là sinh viên có thể hiểu bài. Vì vậy, sinh viên có thêm nhiều thời gian để tự nghiên cứu và thực hành”.
* Nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ
Từ năm 2016, Trường ĐH Lạc Hồng đã mua 2 robot hình người có tên NAO để phục vụ dạy và học. Robot cao 58cm, được tạo thành từ hàng trăm cảm biến, động cơ và phần mềm điều khiển bởi hệ điều hành NAOq iOS. Đặc biệt, robot Nao còn thể hiện được cử chỉ, điệu bộ và sắc thái trong quá trình giao tiếp với con người. Việc trang bị robot NAO giúp sinh viên thực hành lập trình robot, ứng dụng đào tạo ngoại ngữ và làm quen với công nghệ robot hiện đại.
![]() |
Robot được trang bị tại phòng LAB của khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Lạc Hồng để phục vụ sinh viên học tập, nghiên cứu. Ảnh: Hải Yến |
Trường ĐH Lạc Hồng cũng là đơn vị đã sớm đầu tư hệ thống máy in 3D để phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Máy in 3D được sử dụng nhiều trong các ngành: tự động hóa, cơ điện tử, điện điện tử…
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng cho biết: “Từ việc sử dụng máy in 3D để dạy và học, sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng đã nghiên cứu, chế tạo ra các loại máy in 3D để gia công các chi tiết sử dụng trong các đồ án môn học, các chi tiết cho robot... Sau đó, một số sinh viên của trường còn chế tạo máy in 3D để bán ra thị trường”.
Được biết, Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Lạc Hồng đang trang bị phòng lab robot trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ tháng 5-2019 đến tháng 12-2021, Trường ĐH Lạc Hồng đã phối hợp với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (TP.HCM), Khu Công nghệ phần mềm - ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện đề tài Nghiên cứu, phát triển chương trình giáo dục trí tuệ nhân tạo và công nghệ Robot cho học sinh phổ thông ở Việt Nam.
Đến nay, đề tài nghiên cứu này đã hoàn thành. Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, nghiên cứu này xây dựng, thiết kế chương trình giảng dạy trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot cho các bậc học từ tiểu học đến đại học.
Hiện các đơn vị thực hiện đề tài nghiên cứu này đang làm hồ sơ đăng ký nhiệm vụ KH-CN cấp Bộ với mong muốn chương trình giáo dục trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot sẽ được triển khai rộng rãi tại nhiều trường học trên cả nước.
Trường ĐH Công nghệ Miền Đông (H.Thống Nhất) đang đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm và trung tâm đào tạo thông minh 4.0. Với trung tâm này, sinh viên được nghiên cứu và thử nghiệm giải pháp công nghệ thông qua các phần mềm như: thiết kế NX CAD, lập trình gia công NX CAM, thiết kế Solid Edge, phần mềm phân tích, mô hình hóa và mô phỏng các hệ thống điều khiển đa ngành Lab Amesim, Simcenter 3D, Tecnomatix… |
Hải Yến