Xuất phát điểm của ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) là ấp đặc biệt khó khăn. Đây là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, Mường, Mán, Hoa, Khmer, Sán Chỉ, Cao Lan từ mọi miền của đất nước tập trung về đây sinh sống.
Xuất phát điểm của ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) là ấp đặc biệt khó khăn. Đây là nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, Mường, Mán, Hoa, Khmer, Sán Chỉ, Cao Lan từ mọi miền của đất nước tập trung về đây sinh sống.
Căn nhà của bà Đàm Thị Van, ngụ ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) được xây dựng khang trang. Ảnh: Hải Đình |
Trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, tinh thần đoàn kết, chịu thương, chịu khó của người dân, đến nay đại bộ phận người dân ấp Bình Tiến đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giả.
* Đoàn kết, chia sẻ khó khăn
Vào đầu những năm 1980, Bình Tiến là một trong những ấp đặc biệt khó khăn của H.Xuân Lộc. Nơi đây có đến gần 90% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật canh tác nên cứ mùa được mùa mất, kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn, chưa giáp hạt là bà con lại rơi vào cái thiếu, cái đói.
Ông Phùng Văn Chước, người dân tộc Tày cho hay, sau khi xuất ngũ, năm 1986, ông cùng 16 hộ dân khác trong làng rời quê hương Lạng Sơn vào đây lập nghiệp. Khi ấy, để có đất sản xuất, gia đình ông cùng các hộ dân khác ra sức khai khẩn đất hoang để làm nương, làm ruộng. Sau đó, căn cứ theo mức độ đóng góp nhân công của các hộ sẽ được cắt chia những phần diện tích khác nhau để sinh sống và canh tác.
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp ở Bình Tiến, ông Vi Văn Đáp, người dân tộc Nùng cũng cho hay, thời gian đầu cuộc sống vô cùng khó khăn. Thế nhưng, do sự đồng cảm của những người dân tha phương cầu thực nên bà con nơi đây rất đoàn kết, yêu thương nhau. Những hộ mới “chân ướt, chân ráo” vào đều được giúp đỡ như đi cắt tranh, cưa gỗ, chặt tre để dựng nhà. Hộ nào khó khăn thì được các hộ khá hơn cho vay lúa, bắp để làm giống. Ngoài ra, bà con sẵn sàng cho nhau vay gạo để ăn đến mùa thu hoạch thì trả lại.
Ông Chước cũng cho biết thêm, khoảng những năm 1980-1990, đường sá ở Bình Tiến đi lại rất khó khăn, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù. Hơn nữa do làng nằm cách xa chợ xã nên hàng hóa làm ra trong làng chủ yếu là tự sản, tự tiêu. Lúa gạo làm ra thì phơi khô, sàng sẩy cẩn thận rồi cất giữ trong bồ chứa. Để cải thiện bữa ăn, nhà nào cũng nuôi vài chục con gà, con vịt, trong vườn có vài luống rau, giàn mướp. Khi lễ, tết thì vài ba hộ lại “đụng” một con heo để ăn liên hoan.
Bà Sầm Thị Ban, người dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ ấp Bình Tiến cho hay, Bình Tiến là vùng đất đen rất phì nhiêu, màu mỡ thế nhưng do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật sản xuất nên năng suất mùa vụ không cao. Vụ trúng mùa, vụ thất bát nên đời sống người dân rất khó khăn. Hơn nữa bà con chỉ quen với lối canh tác cũ như chỉ trồng lúa, bắp nên hiệu quả kinh tế không cao; cách đây 20 năm số hộ nghèo chiếm hơn 50% số hộ dân trong ấp.
* Đổi mới cách nghĩ, cách làm
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú cho biết, trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Phú xác định cần phải giúp bà con thay đổi được cách nghĩ, cách làm để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Theo đó, chính quyền địa phương tập trung đầu tư hệ thống lưới điện, đường giao thông nông thôn; chuyển giao khoa học kỹ thuật; tích cực vào làng để vận động, khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, thâm canh, tăng vụ để nâng thu nhập.
Bà Vi Thị Mành, người dân tộc Tày cho biết: “Với hơn 1ha đất, trước kia được gia đình tôi trồng 2 vụ lúa/năm, cuộc sống rất khó khăn. Mấy năm gần đây, cán bộ xã đã trực tiếp xuống vận động gia đình tôi canh tác thêm vụ đông - xuân để có thêm nguồn thu nhập. Từ đó đến nay, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng/ha lúa/năm. Nhờ đó, gia đình tôi đã no cái bụng, ấm cái nhà. Các con đều khôn lớn trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định”.
Còn bà Giáp Thị Hoa cho hay, 8 sào đất rẫy của gia đình bà trước kia chỉ trồng bắp, đậu nên thu nhập chẳng bao nhiêu. Lúc nông nhàn bà phải đi làm thuê, làm mướn ở chỗ khác để trang trải cuộc sống trong gia đình. Cách đây 4 năm, cán bộ nông nghiệp của địa phương xuống vận động bà chuyển đổi sang trồng cây bưởi da xanh. Nhờ đó bà cũng học được cách chăm sóc để cây bưởi ra hoa, đậu quả, xử lý các loại nấm bệnh gây hại.
“Mặc dù mới bước vào thu hoạch bưởi năm thứ 2 nhưng năng suất đạt cũng khá cao. Với giá cả trung bình từ 20-25 ngàn đồng/kg thì năm nay tôi kiếm được hơn 100 triệu đồng, năm sau sẽ tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi" - bà Hoa hồ hởi cho biết.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm lao động sản xuất, trong thời gian qua, xã Xuân Phú tập trung đầu tư hàng chục cây số đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng, hệ thống lưới điện, đắp hàng trăm đập tạm, đập dâng tích trữ nước cho vụ đông - xuân… Vì vậy, bà con đã tích cực thâm canh tăng vụ, nâng số vụ canh tác từ 2 lên 3 vụ/năm. Năng suất lúa đạt từ 7-8 tấn/ha, bắp từ 10-11 tấn/ha. Nhờ đó, rất nhiều gia đình đã xây được nhà, mua được máy cày, máy xới đất, máy gặt lúa...
Bên cạnh đó, một số diện tích đất lưỡng điền bà con cũng chuyển sang trồng nấm rơm, rau xanh hay các vườn cây ăn quả cho thu nhập kinh tế cao như: mít, bưởi, cam, quít... Song song đó, UBND xã thực hiện tốt “bài toán” chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thông qua công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn cho con em đồng bào trong làng.
* Nhiều mô hình tương trợ thiết thực
Những năm gần đây, khi đời sống vật chất của người dân ấp Bình Tiến được nâng lên, bà con rất tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhiều người dân trong làng đã đóng góp kinh phí, hiến tặng hàng chục ngàn mét vuông đất với tổng trị giá hàng tỷ đồng để làm đường. Điển hình như hộ ông Phùng Văn Bó và ông Vi Văn Tảo đã hiến tặng từ 200-360m2 đất để Nhà nước làm đường.
Nhờ chuyển đổi từ trồng hoa màu sang trồng bưởi da xanh, hộ bà Giáp Thị Hoa, ngụ ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) có thu nhập kinh tế cao hơn trước đây. Ảnh: Hải Đình |
Đến nay, khi đường sá đi lại thông thoáng, bà con còn cùng nhau đóng góp kinh phí, công sức để trồng hoa, thắp đèn chiếu sáng hai bên đường. Cụ thể, đến nay ấp Bình Tiến có 15/18 tổ nhân dân đã có đèn chiếu sáng, 2 tổ đã trồng hoa rực rỡ hai bên đường.
Đưa chúng tôi vào các ngõ xóm, ông Vi Văn Đàn phấn khởi cho biết thêm, hầu hết các nhà dân trong ấp đều ở nhà xây, thậm chí xây to, xây đẹp. Để nhà cửa trong ấp khang trang, sạch đẹp như ngày hôm nay là nhờ bà con tiếp tục duy trì tinh thần của phong trào “giúp nhau làm nhà tranh, nhà lá” trước kia để giúp đỡ nhau xây những căn nhà kiên cố, khang trang như ngày hôm nay.
“Hằng năm, khi có hộ nào muốn xây dựng mới, hoặc sửa chữa nhà mà chưa đủ điều kiện thì sẽ báo với làng. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ huy động công lao động, đóng góp vật tư của các hộ dân trong làng như: cát, đá, gạch, xi măng, sắt thép... để giúp đỡ. Những hộ đã được hỗ trợ xây nhà thì có trách nhiệm trả lại bằng số vật tư hay công lao động mà mình đã mượn trước đó” - ông Đàn nói.
Bà Đàm Thị Van cho biết, trước kia gia đình bà đã cho nhiều hộ mượn vật tư xây nhà, có hộ thì chục thiên gạch, có hộ thì 50-100 bao xi măng…Đến nay, gia đình bà có nhu cầu sửa chữa nhà thì mọi người đều trả lại. Từ hôm làm móng xây nhà tới nay, mỗi ngày đều có hơn chục người trong làng ra giúp. Căn nhà này gia đình bà dự tính kinh phí hơn 1 tỷ đồng, nếu không có người này, người kia hỗ trợ thì chắc cũng không làm được.
Đến nay, Bình Tiến đã “khoác” lên mình chiếc áo mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; hạ tầng cơ sở được đầu tư khang trang kiên cố... Nhiều con em trong làng đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có việc làm ổn định. Trong đó rất nhiều người trở về phục vụ địa phương như: thầy Tằng Vảy Sồi, Hoàng Văn Thái, Hoàng Văn Hổn… Để có được thành quả này, ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương còn phải kể đến sự nỗ lực lao động, tinh thần đoàn kết của các thành phần dân tộc cùng chung tay xây dựng xóm làng ngày thêm giàu đẹp.
Ấp Bình Tiến, xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) có 756 hộ dân thuộc 11 thành phần dân tộc. Đến nay 100% hộ dân của ấp đã có thiết bị nghe nhìn và phương tiện đi lại; 100% hộ sử dụng điện, nước sạch hợp vệ sinh. Ấp đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế theo tiêu chuẩn quốc gia. |
Hải Đình