Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi và nhiều bệnh về phổi khác như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi và nhiều bệnh về phổi khác như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.
Một bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
Những bệnh lý này nếu kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, dẫn đến tử vong.
* Hàng ngàn loại chất độc trong khói thuốc lá
Theo báo cáo của Tổng hội Y khoa Hoa Kỳ, khói thuốc lá chứa 7 ngàn hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Nicotine là chất độc hại điển hình trong khói thuốc lá, là một chất gây nghiện được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào.
Theo các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, khi khói thuốc lá đi vào miệng, người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất là quá trình lọc ở mũi. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn.
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Bệnh viện Nhi đồng UCSF Benioff (Hoa Kỳ) cho thấy, số người trẻ tuổi nhiễm Covid-19 đang gia tăng và cứ 3 người trẻ tuổi thì có 1 người có thể bị nhiễm Covid-19 nghiêm trọng do hút thuốc lá. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu của 8,4 ngàn nam giới và nữ giới từ 18-25 tuổi. Bằng chứng gần đây cho thấy hút thuốc lá có liên quan đến khả năng tiến triển của Covid-19, bao gồm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhập viện trong phòng chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong. |
Khói thuốc lá cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy; có khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại và bị giữ lại nhiều trong phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí. Hút thuốc cũng gây ra hiện tượng tăng tính đáp ứng đường thở, gây co thắt đường thở. Nhiều thông số chức năng thông khí ở người hút thuốc lá thay đổi, trong đó thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên giảm rất nhiều.
Khói thuốc lá làm giảm sự phát triển của phổi và gây viêm tổ chức phổi ở trẻ nhỏ và thiếu niên. Ở lứa tuổi từ 20-30, các bệnh lý gây ra do hút thuốc xuất hiện sớm. Ở lứa tuổi trên 30, nếu hút thuốc thì tốc độ giảm lưu lượng toàn phần trong giây thứ nhất của thể tích thở ra tối đa sẽ tăng gấp đôi so với người không hút thuốc. Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, 90% trong số hơn 600 ngàn người mắc bệnh ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Ngoài các bệnh lý về phổi, hút thuốc lá cũng gây ra các bệnh lý về thần kinh, tim mạch với các biến chứng như: đột quỵ, tai biến mạch máu não, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, mạch vành, thậm chí là các bệnh lý liên quan đến chức năng sinh sản… Bên cạnh đó, cũng gây ra một số loại ung thư khác như: ung thư vòm họng, ung thư đường tiêu hóa, ung thư bàng quang.
* Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phải điều trị lâu dài
BS Phan Thanh Thủy, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, hầu hết những bệnh nhân đang điều trị nội trú tại khoa đều liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đa phần các bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mạn tính đều có liên quan đến thuốc lá, độ tuổi trung bình từ 50 trở lên. Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phải điều trị bệnh thường xuyên, liên tục trong thời gian dài. Bất kỳ khi nào chức năng hô hấp có vấn đề đều phải nhanh chóng nhập viện để được điều trị.
Tại Việt Nam, có khoảng 6,7% dân số mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh này ở những người từ 40 tuổi trở lên là 4,2%. |
Cũng theo BS Thủy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong xếp hàng thứ 4 trên thế giới sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Có 2 dạng chính của bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính là: viêm phế quản mạn tính (tình trạng viêm lớp niêm mạc của các ống phế quản. Các lớp lót trong các ống phế quản phổi bị đỏ, sưng và chứa đầy các chất nhầy. Chất nhầy này làm hẹp đường thở của bệnh nhân) và khí phế thũng (gây tổn hại các túi khí trong phổi và làm cho bệnh nhân dần khó thở hơn. Khi mất phế nang trong phổi, quá trình thải CO2 và hấp thu O2 sẽ trở nên khó khăn hơn, đồng thời bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở hơn).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, trong đó hút thuốc lá là nguyên nhân quan trọng nhất. Người hút thuốc lá có tỷ lệ tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao gấp 10 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: khói hóa chất, bụi, ô nhiễm không khí trong nhà (đốt các nhiên liệu trong quá trình sưởi hoặc nấu ăn), ô nhiễm không khí ngoài trời, bụi nghề nghiệp và hóa chất, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên…
Những triệu chứng thường gặp của bệnh là: ho kéo dài, ho có đàm, bị nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại, khó thở, đau thắt ngực, thở khò khè, mệt mỏi, sốt nhẹ và ớn lạnh. Khi bệnh ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở nhiều, môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh, xám, nhịp tim nhanh.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể phòng ngừa và làm giảm các triệu chứng, làm chậm tiến triển của bệnh, ngăn ngừa và điều trị các biến chứng có thể xảy ra đối với bệnh nhân. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ các phương pháp điều trị, có chế độ sinh hoạt phù hợp, bỏ thuốc lá và các chất kích thích, ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe và tập thể dục thường xuyên.
Hạnh Dung (ghi)