Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy con tự bảo vệ mình

10:12, 07/12/2012

Ngày càng nhiều những tai nạn hay sự việc đáng tiếc đến với trẻ nhỏ. Vì vậy, dạy trẻ biết tự bảo vệ mình ngay từ nhỏ là việc làm mà các bậc cha mẹ và nhà trường cần lưu tâm.

Ngày càng nhiều những tai nạn hay sự việc đáng tiếc đến với trẻ nhỏ. Vì vậy, dạy trẻ biết tự bảo vệ mình ngay từ nhỏ là việc làm mà các bậc cha mẹ và nhà trường cần lưu tâm.

Trước hết, phải nhìn nhận là những tai nạn hay rủi ro có thể tránh được nếu chúng ta dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ mình. Nhưng vấn đề ở đây là dạy các kỹ năng tự bảo vệ mình như thế nào để giúp trẻ an toàn? Muốn làm được điều này, nhà trường và gia đình cần dạy trẻ biết lường trước, nâng cao cảnh giác, đối phó, xử lý nhanh các tình huống nguy hiểm.  Từ phía gia đình, cha mẹ phải giải thích cho trẻ tác hại của những việc mà các em không được làm. Từ đó, cha mẹ căn dặn trẻ hướng xử lý khi sự việc bất trắc xảy ra. Chẳng hạn, cha mẹ cần cho trẻ ghi nhớ số nhà, số điện thoại hay tên trường học để khi lạc đường các em có thể nhờ người hoặc cơ quan công an giúp đỡ. Phụ huynh nhắc nhở trẻ đến trường không được đùa giỡn hay vui chơi quá mức dẫn đến té ngã, nhất là khi trời mưa sân trơn trượt. Dạy trẻ cách đi đường, không chơi ở những nơi gần ao hồ, sông suối. Trong quá trình cùng con tham gia giao thông, người lớn cần làm gương cho trẻ học tập, như: đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ, không lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu. Từ việc làm của người lớn, trẻ nhìn vào và sẽ dần dần hình thành hiểu biết, thói quen để phòng tránh tai nạn giao thông. Phụ huynh cũng cần dạy trẻ ứng xử với những người lạ, người chưa quen biết đến nhà sẽ không mở cửa khi người lớn đi vắng hay đến trường đón sẽ không đi theo. Trẻ cũng phải biết phòng tránh bị xâm hại bằng cách không đi một mình nơi vắng vẻ, vào đêm tối. Biết kêu cứu, nhờ sự giúp đỡ nếu gặp sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, trong quá trình học tập, nhất là môn thể dục hay các môn năng khiếu, cha mẹ, nhà trường nên hướng dẫn cho trẻ biết thực hiệc các bài tập vừa sức với mình, không cố sức dẫn đến mệt mỏi hoặc xảy ra tai nạn. Làm sao cho trẻ biết được việc làm quá sức lực, khả năng của mình để dừng lại kịp thời. Cha mẹ, thầy cô cũng phải nắm bắt được tâm sinh lý của trẻ. Ở lứa tuổi học trò, trẻ thường háo hức tìm tòi, khám phá những điều mới lạ mà chưa lường trước được những khó khăn phía trước. Các em chưa nghĩ sâu xa những hậu quả có thể xảy ra với mình. Ví như, học sinh có bệnh tim mà đi thi chạy hoặc chơi bóng quá sức sẽ là rất nguy hiểm. Cũng cần phải giúp trẻ cách biết chia sẻ với người thân, bạn bè, thầy cô những khó khăn các em đang gặp phải để có hướng giải quyết, tránh tự mình giải quyết một cách thiếu đúng đắn, gây ra hệ lụy khó lường. Hơn nữa, giữa gia đình và nhà trường cần có những sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong việc giáo dục trẻ để tránh những nguy cơ cho các em.

Đào Khởi

 

Tin xem nhiều