Đồng Nai không chỉ nổi tiếng với nhiều di tích, danh thắng mà còn là điểm đến đặc sắc với những lễ hội
Đồng Nai không chỉ nổi tiếng với nhiều di tích, danh thắng mà còn là điểm đến đặc sắc với những lễ hội truyền thống.
Đông đảo người dân đến chùa Ông vào chiều mùng 5 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: L.Na |
Năm nay, trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức nhiều lễ hội đầu Xuân, góp phần phục dựng, duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, các tập tục tốt đẹp của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
* Nhiều lễ hội tổ chức đầu năm
Mở đầu cho mùa lễ hội năm 2023 tại TP.Biên Hòa là lễ hội đua thuyền Đồng Nai mở rộng (mùng 8 tháng Giêng) với sự tham gia của các đội thuộc các phường, xã trên địa bàn tỉnh như: Long Hưng, An Hòa, Long Bình Tân, Tân Mai (TP.Biên Hòa); Bình Hòa, Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) và các địa phương: Tân Uyên, Bạch Đằng (tỉnh Bình Dương)... Không chỉ tái hiện những nét văn hóa dân gian mà lễ hội đua thuyền truyền thống còn thể hiện tinh thần đoàn kết. Kinh phí tổ chức lễ hội được vận động từ nguồn xã hội hóa.
Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho hay, truyền thống đua thuyền trên sông Đồng Nai đã có từ rất lâu và phát triển mạnh mẽ vào những năm 1980-1990. Tuy nhiên, từ năm 2020-2022, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên giải đua thuyền truyền thống mừng Đảng, mừng Xuân dời lại và tổ chức vào dịp Quốc khánh (ngày 2-9). Ngoài việc tạo sân chơi giúp người dân giải trí, rèn luyện thân thể, lễ hội đua thuyền truyền thống vào dịp đầu xuân hàng năm còn mang ý nghĩa nhân văn, gắn kết cộng đồng.
Bộ VH-TTDL đã có văn bản gửi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về nội dung tăng cường thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự Phật giáo. Bộ đề nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con thực hiện biện pháp phòng ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, không đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. |
Từ ngày 10-13 tháng Giêng, tại chùa Ông (Thất phủ cổ miếu, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) sẽ diễn ra lễ hội chùa Ông. Phần lễ sẽ diễn ra nhiều nghi thức như: lễ cúng Trời, cúng Quan Thánh Đế Quân, lễ Nghinh thần, lễ thả Phúc khí cầu và đèn hoa đăng trên sông Đồng Nai. Riêng trong tối mùng 10 tháng Giêng sẽ diễn ra khai mạc lễ hội chùa Ông với các hoạt động: dâng hương, chương trình ca múa nhạc Việt - Hoa; biểu diễn nghệ thuật với trích đoạn sân khấu Rạng ngời trang sử…
Sau 3 năm tạm hoãn bởi dịch bệnh Covid-19, năm nay đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Dao… sinh sống tại ấp 8, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) sẽ tổ chức lễ hội Lồng tồng (lễ hội xuống đồng) vào ngày 15 tháng Giêng. Đây là lễ hội được đồng bào các dân tộc chờ mong nhất trong năm với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bà Hoàng Thị Huyên, thành viên Ban chủ nhiệm ấp 8, xã Thanh Sơn cho hay: “Các năm trước, lễ hội Lồng tồng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Tuy nhiên, năm nay lễ hội có sự thay đổi về thời gian, diễn ra đúng vào ngày rằm tháng Giêng. Bà con đã chuẩn bị các nghi lễ truyền thống (dâng hương, nghi lễ xuống đồng) cũng như các trò chơi dân gian, các tiết mục văn nghệ (múa nhảy sạp, biểu diễn hát then, đàn tính). Kinh phí để tổ chức đã và đang được vận động từ nhiều nguồn. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con duy trì lễ hội, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số”.
* Tăng cường công tác quản lý
Hầu hết các lễ hội đầu Xuân Quý Mão trên địa bàn tỉnh không thực hiện bán vé, thu tiền khi tham dự lễ hội. Ban quý tế các đình, chùa nơi diễn ra lễ hội đều có hướng dẫn người dân và du khách đặt tiền lễ đúng nơi quy định, quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai minh bạch, đúng mục đích. Ngoài ra, Ban tổ chức các lễ hội cũng yêu cầu người tham gia thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng bào các dân tộc tại ấp 8, xã Thanh Sơn, H.Định Quán tổ chức trò chơi dân gian ném còn trong lễ hội Lồng tồng hằng năm |
Nhằm tăng cường công quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội Xuân Quý Mão 2023, Sở VH-TTDL đã có văn bản gửi 11 huyện, thành phố đề nghị phòng văn hóa - thông tin các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân; đảm bảo an toàn, tiết kiệm, không phô trương, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội. Thanh tra Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết: “Để đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh, thanh tra, kiểm tra an ninh trật tự trong mùa lễ hội 2023, TP.Biên Hòa đã triển khai kế hoạch đến các địa phương. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo Phòng Văn hóa - thông tin thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan đi kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ văn hóa, du lịch, các cơ sở thờ tự… tổ chức hoạt động văn hóa, lễ hội đảm bảo thực hiện đúng quy định, giúp người dân trên địa bàn đón Xuân, vui lễ hội an toàn, ý nghĩa”.
Ly Na