Mặc dù Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai ra đời muộn hơn so với các chi hội văn học nghệ thuật (VHNT) khác song với tình cảm yêu mến dành cho văn học Đồng Nai, nhiều người kỳ vọng ngày càng có nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn, có sức lan tỏa lớn hơn về Đồng Nai.
Mặc dù Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai ra đời muộn hơn so với các chi hội văn học nghệ thuật (VHNT) khác song với tình cảm yêu mến dành cho văn học Đồng Nai, nhiều người kỳ vọng ngày càng có nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn, có sức lan tỏa lớn hơn về Đồng Nai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2, từ trái qua) trò chuyện về hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật với văn nghệ sĩ Đồng Nai. Ảnh: L.Na |
Đó cũng là điều mà các nhà văn, nhà thơ luôn trăn trở, đau đáu để tìm ra giải pháp…
* Một thế hệ nghệ sĩ tài năng, tâm huyết
Nhà thơ Đàm Chu Văn cho biết, ngay từ những ngày đầu miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Đồng Nai ghi nhận những người góp công đầu trong tập hợp lực lượng, gầy dựng tổ chức, xây dựng nền VHNT Đồng Nai là các nhà văn: Lý Văn Sâm, nguyên Tổng thư ký Hội VHNT Giải phóng, Chủ tịch đầu tiên của Hội VHNT Đồng Nai; Hoàng Văn Bổn, Phó chủ tịch Hội kiêm Tổng biên tập đầu tiên của Báo Văn nghệ Đồng Nai. Các nhà văn bằng tài năng, tâm huyết, uy tín của mình đã xây dựng nên Hội VHNT Đồng Nai và để lại cho các thế hệ sau một di sản quý để tiếp nối, phát huy.
“Cho đến hôm nay, các nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai đã xuất bản hàng trăm đầu sách gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tản văn, kịch bản văn học, thơ, lý luận phê bình… có giá trị, trong đó nhiều tác phẩm có tiếng vang xa khu vực, cả nước” - nhà thơ Đàm Chu Văn chia sẻ.
Nhà thơ PHAN HOÀNG, phụ trách khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên của Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, việc thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai với sự tham gia của các nhà văn ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh là việc làm hết sức quan trọng trong kết nối các nhà văn, nhà thơ. Chi hội nên lập ngay một trang web của chi hội, thường xuyên giới thiệu các tác phẩm, đưa tác phẩm đến với công chúng. |
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai cho hay, sáng tác văn học của Đồng Nai trong thời gian qua đã bắt nhịp được với quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, thấm đẫm hơi thở thời đại, hòa mình vào dòng chảy của lịch sử với ý thức chủ động, tích cực. Các sáng tác văn học ở Đồng Nai đã mở rộng đề tài, hướng về người nông dân, công nhân lao động, đời sống nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng văn hóa xung quanh. Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng có nhiều cách làm hay về tập hợp và đưa các tác phẩm đặc sắc đến gần công chúng qua hệ thống thư viện, các tủ sách, giới thiệu tác giả, tác phẩm…
So với nhiều tỉnh trong khu vực như: Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước…, Đồng Nai có số lượng nhà văn, nhà thơ được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam khá đông, khoảng 20 người. Bên cạnh một số tác giả được kết nạp Hội từ trước năm 2000 như: nhà văn Nguyễn Thái Hải, nhà thơ Đàm Chu Văn, còn có một số người được kết nạp năm 2021 và có cả những cây bút có tuổi đời còn trẻ như nhà văn Trần Thu Hằng… Với sự trải nghiệm và sức trẻ, lực lượng sáng tác này đang được kỳ vọng sẽ sáng tác nhiều tác phẩm mới, hấp dẫn trong “vườn hoa” văn học Đồng Nai nói chung, cả nước nói riêng.
* Nhiều kỳ vọng…
Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho rằng, việc thành lập Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai quá trễ, bởi nếu căn cứ vào điều lệ là 3 hội viên, phải thành lập chi hội từ rất lâu. Kỳ vọng những nhà văn, nhà thơ tham gia ban chấp hành chi hội ở tuổi còn trẻ, hăng say công tác và nhất là đang sáng tác sẽ làm được nhiều điều mà các hội viên của chi hội mong muốn. Mặc dù trong điều kiện không có trụ sở, không có con dấu, không có tài chính, chủ yếu là hoạt động bằng nguồn xã hội hóa…, song nếu cố gắng sẽ vượt qua được.
Theo nhà văn Bùi Quang Tú, khó khăn lớn nhất hiện nay của văn nghệ sĩ là kinh phí để xuất bản và quảng bá tác phẩm. Mặc dù Hội VHNT Đồng Nai đã có nhiều hỗ trợ trong xuất bản song số lượng chưa được nhiều, trong khi nhu cầu của in ấn, phát hành thơ văn khá lớn. Nhà văn nói: “Hiện Đồng Nai đã có chi hội. Tôi kỳ vọng đây vừa là sân chơi, vừa là nơi tập hợp các nhà văn, nhà thơ lại để cùng chia sẻ những sáng tác, quảng bá tác phẩm, sáng tác những tác phẩm văn học không chỉ của Đồng Nai mà còn của miền Đông Nam bộ, đóng góp cho văn học của cả nước”.
Nhà thơ Đỗ Minh Dương cho rằng, chi hội ra đời sẽ là nơi gắn kết hội viên, tạo điều kiện để hội viên sáng tác những tác phẩm xứng tầm với Đồng Nai. “Người sáng tác ai cũng mong muốn mình có những tác phẩm lớn. Bản thân tôi cũng vậy, tham vọng thì lớn mà tuổi đã cao. Tôi đã có những tác phẩm viết về vùng đất, con người Đồng Nai đoạt được giải thưởng, được công chúng trong và ngoài tỉnh đón nhận song giá trị, tầm vóc của tác phẩm chưa là gì so với chiều dài, chiều sâu của lịch sử của Đồng Nai” - nhà thơ Đỗ Minh Dương bộc bạch.
Ly Na