Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghệ sĩ Dương Quốc Định với nghệ thuật của những đường nét

07:01, 27/01/2018

Khi sự kiện ảnh nude được cấp phép triển lãm lần đầu tại Việt Nam diễn ra, cũng là lúc Dương Quốc Định "gác máy", tìm về với chiếc cọ và những mảng màu...

Khi sự kiện ảnh nude được cấp phép triển lãm lần đầu tại Việt Nam diễn ra, cũng là lúc Dương Quốc Định “gác máy”, tìm về với chiếc cọ và những mảng màu...

Các tác phẩm line art của nghệ sĩ Dương Quốc Định.
Các tác phẩm line art của nghệ sĩ Dương Quốc Định.

20 năm sống chết với nghề, anh đã tạo nên một thương hiệu cá nhân vững chắc với ảnh khỏa thân nghệ thuật (nude art) bằng những giải thưởng danh giá. Với anh, con đường nude art đã là hơi thở, nhiếp ảnh đã là nguồn sống. Nhưng khi đã đi đến cuối con đường, thì “đi hoài” chính là dừng lại. Điều này thôi thúc Dương Quốc Định phải bước tiếp, và anh đã cầm cọ, bước sang một con đường hoàn toàn mới!

Anh cho biết thời cổ đại, người Ấn dùng màu từ lá và thân cây, để tạo nên những đường nét trên cơ thể thiếu nữ - gọi đó là vẽ Henna, hay Henna Tattoo. Henna mang hơi thở thẩm mỹ của tín ngưỡng và tập tục. Đặc trưng nhận dạng của vẽ Henna chính là nghệ thuật của những đường nét (line art). Ở Việt Nam, nghệ thuật đường nét còn khá mới mẻ. Những tác phẩm nghệ thuật với nhiều màu sắc khác nhau sẽ được tạo nên từ những đường nét vô cùng độc đáo, mang dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ. Với Dương Quốc Định, nhờ khởi đầu là họa sĩ cùng hành trang 20 năm nhiếp ảnh khỏa thân, nên nghệ thuật line art giờ đây đã đến với anh một cách tự nhiên, đường nét tràn qua đầu cọ, như thể hơi thở trong mình.

Đặc điểm của những tác phẩm theo phong cách line art này của Dương Quốc Định là tính “duy nhất” tuyệt đối, không có phác thảo, không có nội dung, chỉ chấm cọ, và đường nét tuôn tràn.

“Bàn tay tôi và chiếc cọ chỉ làm phương tiện, đôi khi tác phẩm cuối cùng hoàn toàn khác xa những gì tôi có thể nghĩ trong nét cọ đầu tiên” - nghệ sĩ Dương Quốc Định “mô tả” về cách mà một bức line art của anh được hình thành. Vì lẽ đó, một tác phẩm không thể vẽ lại được lần thứ 2, dù là do chính anh thực hiện!

Anh khẳng định: “Nếu dùng máy ảnh chụp lại, rồi cố gắng tô vẽ thì cũng chỉ copy được phần nào đường nét ấy, còn riêng màu sắc chi chít ở quá nhiều sắc độ như thế, thì tài ba thế nào cũng không thể tạo ra một tác phẩm sao y bản chính”.

Khi tôi hỏi, theo con đường mới, nghĩa là anh đã “gác nude art qua một bên?” Anh mỉm cười, không trả lời, chỉ từ tốn đưa tôi đi xem toàn bộ các bức tranh trong chuỗi line art của anh.

Tôi nghĩ mình đang lạc vào xứ sở khác: xứ sở của đồ họa và cổ tích quyện vào nhau. Hàng trăm bức tranh với chi chít đường nét và màu sắc phối ngẫu bày ra trước mắt tôi. Đó chính là “tài sản” mới của anh, số lượng tác phẩm lên đến vài trăm chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây. Hỏi ra mới hay, một ngày anh có thể vẽ đến 2 bức - một con số vượt khỏi hình dung, đối với loại hình cần độ tỉ mỉ và sắc xảo như line art.

Điều đặc biệt, phần lớn trong số những tác phẩm ấy mang dáng dấp của những thiếu nữ khỏa thân! Có thể nói, line art chỉ là một “hình thức khác” để “ý niệm về cái đẹp” của người nghệ sĩ trong anh được thỏa sức tung hoành!

Đông Kỳ

Tin xem nhiều