Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự trở về của kỷ niệm

10:05, 10/05/2014

Đêm nhạc đầu tiên của nữ danh ca Khánh Ly sau gần 40 năm bà chia tay khán giả trong nước đã trở thành sự kiện âm nhạc sôi động nhất trong những ngày đầu tháng 5.

Ca sĩ Khánh Ly trong chuyến về Việt Nam. Ảnh: C.T.H
Ca sĩ Khánh Ly trong chuyến về Việt Nam. Ảnh: C.T.H

Đêm nhạc đầu tiên của nữ danh ca Khánh Ly sau gần 40 năm bà chia tay khán giả trong nước đã trở thành sự kiện âm nhạc sôi động nhất trong những ngày đầu tháng 5.

Để thỏa cơn khát thần tượng, những người mộ điệu rủ nhau tìm tới một phòng trà tại TP.Hồ Chí Minh tụ tập ngoài cửa, chỉ để được xem nữ danh ca đang miệt mài tập hát chuẩn bị cho đêm nhạc tái ngộ.

* Sức mạnh huyền thoại

Còn tại Hà Nội, nơi diễn ra đêm trình diễn duy nhất của bà tại Trung tâm hội nghị quốc gia, cơn sốt ở chợ đen đã đẩy giá vé lên cao nhất từ trước đến nay, tới 4 triệu đồng cho một ghế ngồi đẹp, 2 triệu đồng cho một chỗ phía xa. Riêng các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục khai thác những câu chuyện về bà, từ hình ảnh các hoạt động của cuộc trở về hôm nay cho đến những gì còn lưu truyền của ngày hôm qua.

Thực tế chẳng riêng gì Khánh Ly, những giá trị thời thượng được tạo ra bởi ngành thương mại âm nhạc, có mức độ phổ biến rộng khắp, thỉnh thoảng cũng khuấy lên được những cơn sốt như vậy. Thế nên, điều xảy ra ngay cả với một người đàn bà mà giọng ca đã vang vọng trong không gian nhạc Việt suốt gần 6 thập niên, gắn liền với dòng nhạc Trịnh vốn đông đảo người nghe, cộng thêm những giai thoại lưu truyền trong gần 40 năm vắng mặt, khiến nó mang dáng vẻ và sức hấp dẫn của một huyền thoại.

Nhìn lại sự nghiệp ca hát của mình trong một video gửi khán giả trước ngày trở về, bà nói: “Tôi là người đã sống qua 2 thế kỷ, là kẻ kể chuyện trong suốt hơn 50 năm. Tôi đã kể cho các bạn nghe về tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu, tình quê hương. Các bạn đến với tôi ngày hôm nay không phải tôi đẹp như tuổi hai mươi, cũng không phải vì giọng hát tôi còn như thuở thanh xuân, mà vì những năm tháng cách xa, tôi đã trở thành kỷ niệm”.

Bên dưới làn da tuổi tác hôm nay của bà là làn hơi đã khó nhọc và yếu đi rất nhiều. Nhưng có vẻ chuyện này chẳng thành vấn đề với hàng ngàn khán giả tìm đến, khi mà niềm vui xen cả sự tò mò về giọng hát của người vắng mặt 40 năm, đã chinh phục những thế hệ đã qua và nhiều thế hệ kế tiếp bằng cách này hay cách khác. Ngay cả khi giọng hát ấy có đang chịu quy luật của thời gian, đã phai đi rất nhiều vẻ âm u, lạnh lẽo từ làn hơi khàn đục của ngày đầu mới nổi lên trong làng tân nhạc Việt Nam cùng cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong mô hình một người sáng tác và chơi đàn, còn một người hát.

* Người kể chuyện

Một giọng ca nếu không thành giọng của người kể chuyện bằng âm nhạc, về thời đại, về tình yêu và thân phận, hẳn sẽ sớm rơi vào quên lãng hoặc đi vào ngõ cụt không lối thoát khi cứ mãi vuốt ve vẻ đẹp của chính mình bằng những bài hát vô hồn. Người ta nói Khánh Ly là một minh chứng cho câu chuyện như vậy. Tưởng như đời dài rộng đã đi hết câu chuyện kể, nhưng thực tế, có lẽ bà đang viết tiếp đoạn kết an vui và miên viễn bằng cuộc trở về trong vòng tay rộng đón của đất nước nói chung, người mộ điệu nói riêng. Trong chuyến trở về, bà đã làm những gì cần phải làm để không bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc quý giá nào. Trong đó có việc “gặp lại” cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng chuyến viếng thăm và tưới lên mộ ông tại Nghĩa trang Gò Dưa chén rượu tình nghĩa giữa những người tri âm tri kỷ. Bởi như lời bà nói, “Tôi không hề chuẩn bị cho mình một điều gì bởi không ai biết chuyện gì sẽ đến. Tôi không thích sống mòn mỏi tuyệt vọng trong lúc còn biết bao điều phải làm trước mặt. Hãy để ngày mai cho ngày mai. Tôi tin ở số mệnh dành cho mỗi con người. Tôi tin sự sắp đặt của bề trên. Tôi bằng lòng và hạnh phúc...”.

Nam Vũ

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều