Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt (65 tuổi, nguyên phóng viên Báo Phụ Nữ Giải Phóng trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên giảng viên Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) là người đầu tiên thực hiện dự án đi khắp đất nước vẽ ký họa chân dung về mẹ Việt Nam anh hùng.
Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt (65 tuổi, nguyên phóng viên Báo Phụ Nữ Giải Phóng trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên giảng viên Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh) là người đầu tiên thực hiện dự án đi khắp đất nước vẽ ký họa chân dung về mẹ Việt Nam anh hùng.
Họa sĩ Đặng Ái Việt (bên phải) và Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thàng cùng bức ảnh chân dung mẹ. Ảnh: V. Truyên |
Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết: “Dự án vẽ ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng được chia thành 3 chiến dịch, chính thức bắt đầu từ ngày 19-2-2010 và tạm dừng vào tháng 5-2012. Qua dự án, tôi đã vẽ được 1.122 bức chân dung của các mẹ Việt Nam anh hùng tại 62 tỉnh, thành trong cả nước (trừ Lào Cai). Trong số những bức ký họa chân dung này, có 24 bức tôi vẽ các mẹ Việt Nam anh hùng ở Đồng Nai”.
* Vẽ bằng trái tim…
Chia sẻ về lý do chọn hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng làm đề tài sáng tác nghệ thuật, họa sĩ Đặng Ái Việt cho hay: “Tôi tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi, nên thấu hiểu những mất mát, đau thương mà những người vợ, người mẹ, người chị có chồng, con tham gia và hy sinh trong kháng chiến phải chịu đựng. Do đó, mỗi bức tranh tôi vẽ là lòng biết ơn sâu sắc xuất phát từ trái tim”.
Khởi hành với người bạn đường là chiếc xe Chaly cũ đã gắn bó 20 năm nay cùng một số ít hành trang cá nhân, những dụng cụ vẽ cần thiết và từ chối sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, họa sĩ Đặng Ái Việt đã vượt qua những trở ngại về tuổi tác, sức khỏe để đặt dấu chân mình trên khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc. Chia sẻ kỷ niệm khi từng đến thực hiện dự án vẽ ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng tại Đồng Nai, họa sĩ Ái Việt cho biết: “Ngày 9-8-2010, trên hành trình từ Bắc vào Nam, tôi ghé qua TP.Biên Hòa và tại đây, tôi đã vẽ bức ký họa chân dung đầu tiên về mẹ Việt Nam anh hùng của Đồng Nai. Đó là bức tranh vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngôn (96 tuổi, có 3 người con hy sinh, ngụ phường Tam Hòa)”.
Họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, người có nhiều năm làm việc cùng họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết, dự án vẽ ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng do họa sĩ Ái Việt thực hiện là một việc làm ý nghĩa nhân văn cao quý, góp phần nâng cao truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho tất cả mọi người. |
Trong chiến dịch lần thứ 3, nữ họa sĩ tiếp tục chọn Đồng Nai là nơi xuất phát và lần này bà đã vẽ được chân dung của 16 mẹ Việt Nam anh hùng tại TP.Biên Hòa, các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Tân Phú và Định Quán.
Kể về kỷ niệm xúc động nhất trong lần vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng tại Đồng Nai, họa sĩ Ái Việt nói: “Ngày 23-11-2011, khi tìm đến nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Thàng (96 tuổi, có 3 người con hy sinh, ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành) và được người nhà cho biết, trước đây sức khỏe của mẹ rất yếu, ăn uống khó khăn nhưng khi nghe tin tôi đến vẽ chân dung, mẹ đã gắng gượng uống sữa và ăn thêm một chút thức ăn. Đến khi nhìn thấy tôi, mẹ nói “vậy là mẹ cũng đợi được con rồi”.
* Đến tiếp tục cuộc hành trình
Hơn 2 năm thực hiện dự án, nhiều trở ngại và khó khăn trên hành trình dài 36 ngàn cây số vẫn không quật ngã được người phụ nữ 65 tuổi này. Ngược lại, bà vẫn đang ấp ủ và tiến hành một dự án xuyên Việt tiếp theo, đó là vẽ ký họa chân dung đồng đội. “Đối tượng tôi hướng đến trong dự án lần này là các anh hùng lực lượng vũ trang trong cả nước - những người từng trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc” - họa sĩ Ái Việt nói. Đến nay, dự án này vừa được bà thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh và Gia Lai, với 30 bức tranh sơn dầu về 30 anh hùng lực lượng vũ trang.
Trong 2 năm 2010 và 2011, họa sĩ Đặng Ái Việt đã 2 lần được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục nữ họa sĩ vẽ chân dung mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất. |
“Các mẹ, các anh hiện nay đều đang ở tuổi xế chiều của cuộc đời, nên nếu không nhanh chân thì sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội được vẽ chân dung, được nghe và ghi chép lại những câu chuyện của các mẹ, các anh kể về những mất mát đau thương trong chiến tranh để truyền lại cho con cháu mai sau” - họa sĩ Ái Việt bùi ngùi cho biết.
Văn Truyên