Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ vọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Ly Na
09:02, 11/06/2024

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 20-5 đến 28-6.

Di tích Nhà xanh thu hút thiếu nhi, học sinh đến tham quan dịp hè 2024. Ảnh: L.Na
Di tích Nhà xanh thu hút thiếu nhi, học sinh đến tham quan dịp hè 2024. Ảnh: L.Na

Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa được kỳ vọng sẽ là cơ sở pháp lý để chính quyền và nhân dân cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Nhiều góp ý

Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TTDL), tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân cho biết, trước đây Luật Di sản văn hóa đã có một lần thay đổi. Từ đó đến nay, do xu hướng phát triển của thế giới cũng như của Việt Nam, có những điểm hiện luật không còn phù hợp. Chính vì vậy, Bộ VH-TTDL đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung lần thứ 2 đối với Luật Di sản văn hóa.

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương, 73 điều). Việc sửa đổi luật nhằm phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay.

“Trong lần sửa đổi này, phần lớn các địa phương góp ý cho Bộ VH-TTDL cần bổ sung vào trong luật các điều kiện để khai thác đối với di sản, trong đó có bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh. Điểm mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là đưa vào một chương về di sản tư liệu và sửa đổi rất nhiều nội dung để phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam” - ông Nguyễn Hồng Ân chia sẻ.

Với những góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, theo Sở VH-TTDL, tại khoản 1, Điều 28, bỏ nội dung “Việc phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan” vì không cần thiết. Điều 33: bổ sung khoản khẳng định “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là quy hoạch mang tính kỹ thuật, chuyên ngành”.

Tại điểm b, khoản 1, Điều 34: “Lập dự án, báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa thường xuyên quy định tại khoản 22 Điều 3 luật này”, nên điều chỉnh lại “theo quy định tại khoản 23, Điều 3 luật này”. Điều 42: gộp nội dung khoản 1, tiết a, b: (a) Mua bán theo quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh; (b) Mua bán không theo quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh” thành một tiết có nội dung “mua bán”.

Ở góc độ người làm công tác nghiên cứu và quản lý văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân cho rằng, việc trình Quốc hội để sửa đổi luật là việc làm tất yếu và phù hợp. Ngành VH-TTDL kỳ vọng Quốc hội sẽ sớm thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), làm cơ sở để các địa phương tháo gỡ khó khăn, phát triển bảo tàng công lập, bảo tàng dân lập và phát huy các giá trị của di sản.

“Nếu không tháo gỡ khó khăn thì vốn di sản văn hóa không thể phát triển thành vốn kinh tế. Và như vậy, di sản văn hóa chỉ đóng khung trong công tác quản lý, gìn giữ và bảo vệ mà chưa phát huy được giá trị để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch của Đồng Nai” - ông Ân nhấn mạnh.

Năm 2024, Bảo tàng Đồng Nai lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với Lễ hội Kỳ Yên đình Nguyễn Hữu Cảnh và Lễ hội Làm chay miếu Tổ Sư (thành phố Biên Hòa). Bên cạnh đó, bảo tàng sẽ thực hiện tour tham quan 360 thực tế ảo di tích quốc gia đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.

Kỳ vọng vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Xem Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là căn cứ pháp lý quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, anh Trương Lê Thành Trung, Phụ trách Phòng Khai thác Văn miếu Trấn Biên, cho hay Văn miếu Trấn Biên thời gian qua trải qua nhiều đơn vị chủ quản khác nhau, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Văn miếu chưa khai thác hết tổng thể 15 hécta vào phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử của các tầng lớp nhân dân.

“Hy vọng Quốc hội sớm cho ý kiến, thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa cho các di tích trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Văn miếu Trấn Biên hoạt động. Luật là cơ sở để văn miếu quản lý, thực hiện tốt chuyên môn, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đến cộng đồng” - anh Trung nói.

Bên cạnh di sản vật thể, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng được cộng đồng quan tâm, nhất là cơ chế, chính sách đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai, kỳ vọng luật sẽ bổ sung các quy định liên quan đến nghệ nhân, người thực hành hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt, chú trọng hỗ trợ cho người trẻ tham gia thực hành di sản; động viên, khen thưởng, tôn vinh những nghệ nhân có đóng góp tiêu biểu, gìn giữ và trao truyền di sản cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ly Na

Tin xem nhiều