Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều cách hay để xây dựng văn hóa đọc

Hải Yến
08:39, 21/11/2023

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng văn hóa đọc nhưng tỷ lệ người Việt Nam đọc sách vẫn thấp. Theo Bộ TT-TT, Việt Nam hiện chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách.

Các diễn giả tham gia tọa đàm Phát triển văn hóa đọc - học tập suốt đời. Ảnh: H.Yến
Các diễn giả tham gia tọa đàm Phát triển văn hóa đọc - học tập suốt đời. Ảnh: H.Yến

Làm thế nào để lan tỏa, xây dựng văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên chính là trăn trở của nhiều người.

* Phát triển văn hóa đọc - học tập suốt đời

Đó là chủ đề buổi tọa đàm do UBND TP.Biên Hòa tổ chức vào tối 18-11 trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - giáo dục lần thứ I-2023. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Lê Hoàng, Ủy viên Thường vụ Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Đường Sách TP.HCM; Vũ Trọng Đại, Chủ tịch Công ty CP Xuất bản khoa học và giáo dục thời đại (TIMES); Nguyễn Anh Tuấn, Nhà sáng lập chương trình Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái; Đinh Minh Quyền, Giám đốc Talks English, Nhà sáng lập Biệt thự sách.

Ông Lê Hoàng cho rằng, văn hóa đọc chính là đọc có văn hóa. “Việc đọc có văn hóa phải bao gồm 3 yếu tố: phải thường xuyên đọc sách (muốn vậy phải có thói quen đọc sách); đọc sách có mục đích tốt, tìm thấy những điều hữu ích cho cuộc sống, cho tâm hồn và đọc có kỹ năng. Khi đọc sách, tôi luôn có quyển sổ (hoặc điện thoại) bên cạnh để ghi lại những nội dung hay. Đó sẽ trở thành vốn sống của cá nhân” - ông Hoàng chia sẻ.

Học sinh, sinh viên tìm mua sách tại Trạm sách nửa giá trong Tuần lễ Văn hóa - giáo dục TP.Biên Hòa lần thứ I-2023
Học sinh, sinh viên tìm mua sách tại Trạm sách nửa giá trong Tuần lễ Văn hóa - giáo dục TP.Biên Hòa lần thứ I-2023

Cũng theo ông Lê Hoàng, hiện nay người Việt Nam ít đọc sách, ít có thói quen đọc sách vì không được hình thành từ tuổi thơ. Giới trẻ bây giờ có thói quen sử dụng điện thoại “lướt” web, mạng xã hội… Đây không hẳn là những thói quen xấu nhưng nếu lạm dụng internet nhiều sẽ không tốt.

* Hoàn toàn có thể xây dựng văn hóa đọc

Ông Nguyễn Anh Tuấn là nhà sáng lập Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái. Chương trình xây dựng thư viện và trao tặng sách miễn phí tại các cộng đồng, trường học… Hoạt động được 7 năm, đến nay chương trình đã trao hơn 1 triệu cuốn sách cho khoảng 3 ngàn trường học, cộng đồng; xây dựng được 200 ngôi nhà trí tuệ, phục vụ học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí. Tại Đồng Nai, chương trình này đã trao tặng 11 Ngôi nhà trí tuệ tại H.Vĩnh Cửu.

Chương trình Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ của Việt Nam đã được vinh danh tại hạng mục Thực hành xuất sắc, Giải thưởng Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức năm 2023 của Thư viện Quốc hội Mỹ. Chương trình được vinh danh vì nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái đọc sách và học tập suốt đời, góp phần tạo nên những thế hệ công dân toàn cầu có đầy đủ trí tuệ và lòng nhân ái.

Giám đốc Talks English ĐINH MINH QUYỀN cho biết: Tại Biệt thự Sách (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), Talks English tạo không gian thoải mái nhất để mọi người có thể đọc sách. Nhân viên của Talks English được khuyến khích đọc sách. Nếu đọc được số lượng sách theo yêu cầu sẽ được thưởng 1 tháng lương.

Chứng kiến hành trình thay đổi thói quen đọc sách, thay đổi thái độ trong học tập suốt đời tại những nơi mà Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách nhân ái hoạt động, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nếu có môi trường thuận lợi và biết tổ chức thì hoàn toàn có thể xây dựng được văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ông Tuấn dẫn chứng, bất chấp tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam còn thấp, nhiều học sinh nơi có Tủ sách nhân ái hoạt động đã đọc 100-200 cuốn sách/năm; có giáo viên từ chỗ không biết tiếng Anh đã âm thầm theo học các lớp học của chương trình và có thể tự tin giao tiếp tiếng Anh. Hay có học sinh hàng tuần vẫn theo học các lớp online với những giáo sư nước ngoài tham gia hỗ trợ chương trình; có học sinh là tình nguyện viên của chương trình đã được nhận học bổng toàn phần trị giá 400 ngàn USD của một trường đại học ở Mỹ…

Ông Vũ Trọng Đại cho biết, để duy trì được thói quen đọc sách thì phải tạo ra lợi ích từ việc đọc. Ví dụ, học sinh có thể tham gia các cuộc thi như: kể chuyện theo sách, thi đại sứ văn hóa đọc, cuộc thi viết bài luận… Phần thưởng từ các cuộc thi này có thể trở thành động lực cho việc đọc. Xa hơn, kiến thức, kỹ năng góp nhặt được từ những trang sách sẽ đem đến cho chúng ta nhiều phần thưởng đáng giá trong cuộc sống.

Hải Yến

Tin xem nhiều