Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Cần Chính phủ đưa ra giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt

08:05, 25/05/2023

(ĐN)- Tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 vào sáng 25-5, các đại biểu cho rằng, các quý còn lại phải đảm bảo tăng bình quân từ 7,5-8% thì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 mới có thể hoàn thành.

(ĐN)- Tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 vào sáng 25-5, các đại biểu cho rằng, các quý còn lại phải đảm bảo tăng bình quân từ 7,5-8% thì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 mới có thể hoàn thành.

 Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 25-5. Ảnh: HẢI YẾN
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ngày 25-5. Ảnh: HẢI YẾN

* Kinh tế phục hồi ấn tượng nhờ các quyết sách đúng, kịp thời

Thảo luận tại các tổ, đa số đại biểu đều đánh giá, năm 2022, dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng với những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nền kinh tế nước ta ghi nhận sự phục hồi ấn tượng khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%, đó là mức tăng cao nhất trong khối các nước ASEAN và Trung Quốc, mức GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022, thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, khi tốc độ tăng trưởng GDP quý IV-2022 giảm mạnh (tăng 5,9% so với cùng kỳ, chậm lại đáng kể so với mức đỉnh là 13,7% trong quý III-2022) nhưng nước ta vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát, tỷ giá; các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.

 Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 25-5. Ảnh: HẢI YẾN
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 25-5. Ảnh: HẢI YẾN

Nhiều đại biểu cho rằng, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế trong nước chịu nhiều sức ép của kinh tế thế giới, dẫn đến các chỉ tiêu phát triển gặp khó khăn. Nền kinh tế còn bộc lộ một số tồn tại, bất cập.

Do đó, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo kế hoạch, Chính phủ cần phải có giải pháp mạnh mẽ, tháo gỡ các nút thắt đã được nhận diện, các quý còn lại của năm nay phải đảm bảo tăng bình quân từ 7,5-8%.

* Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công

Việc phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều điểm nghẽn chưa được giải quyết dẫn đến chính sách tài khóa chưa được phát huy. Chính sách, giải ngân các vốn đầu tư công còn chậm. Việc dự báo chưa sát, phản ứng của các bộ, ngành còn lúng túng trong giải ngân nguồn vốn.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 25-5. Ảnh: HẢI YẾN
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 25-5. Ảnh: HẢI YẾN

Các đại biểu đánh giá, nếu giải ngân đầu tư công chậm thì cũng đồng nghĩa là chúng ta đang làm lãng phí thời gian, kinh phí và cơ hội hưởng lợi của nhiều người dân. Chính vì vậy, những vướng mắc trong chậm giải ngân vốn đầu tư cần được xem xét một cách thấu đáo để kịp thời tháo gỡ.

Ngoài ra, việc giải ngân chậm cũng đồng nghĩa với việc không thực hiện được các mục tiêu để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và tạo việc làm cho lao động. Vì vậy, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ thực hiện nhanh việc giải ngân đầu tư công, kịp thời các giải quyết những vướng mắc về thủ tục hành chính...

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 25-5. Ảnh: HẢI YẾN
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ vào sáng 25-5. Ảnh: HẢI YẾN

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, vào ngày 31-5, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật HTX (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về: việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; liên đoàn HTX; liên hiệp HTX; tổ hợp tác; tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam; thành viên HTX; tổ chức quản trị HTX; tài sản, tài chính của HTX, liên hiệp HTX (tài sản góp vốn…

 

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) vào ngày 23-5, đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị, bổ sung quy định hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (Phụ lục 1). Theo đó, các hàng hóa này đương nhiên thuộc nhóm hàng phải kiểm tra yếu tố hình thành giá. Đồng thời, đảm bảo tính ổn định của loại hàng hóa này khi xảy ra dịch bệnh.

Ngoài ra, cần bỏ quy định kiểm tra yếu tố hình thành giá thực hiện trong các trường hợp phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước hoặc phải nhập nội dung này vào Điểm a, Khoản 1, Điều 31. Theo đó, việc kiểm tra yếu tố hình thành giá phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước chỉ áp dụng đối với các mặt hàng hóa, dịch vụ thiết yếu quy định tại Phụ lục 1 và 2 mà không nên áp dụng với mọi hàng hóa.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều