(ĐN) - Ngày 15-5, Sở TN-MT làm việc với các huyện, thành phố và đơn vị có hoạt động khai thác nước mặt, xả thải vào lưu vực sông Buông để nghe báo cáo, thống nhất kết quả quan trắc chất lượng nước mà báo chí phản ánh.
(ĐN) - Ngày 15-5, Sở TN-MT làm việc với các huyện, thành phố và đơn vị có hoạt động khai thác nước mặt, xả thải vào lưu vực sông Buông để nghe báo cáo, thống nhất kết quả quan trắc chất lượng nước mà báo chí phản ánh.
Lãnh đạo Thanh tra Sở TN-MT thông tin kết quả quan trắc chất lượng nước sông Buông |
Báo cáo của Thanh tra Sở TN-MT, kết quả phân tích mẫu quan trắc chất lượng nước lưu vực sông Buông trong tháng 2 và tháng 4-2023 tại 4 vị trí cho thấy, chất lượng nước ở mức xấu đến trung bình.
Cụ thể tại 3 vị trí: cầu An Viễng (H.Long Thành), cầu khu du lịch Giang Điền (H.Trảng Bom), cầu sông Buông (TP.Biên Hòa) chất lượng nước xấu. Nguồn nước luôn trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với nồng độ dinh dưỡng và vi sinh cao. Nguyên nhân do các nguồn thải: chăn nuôi, nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp.
Vị trí sông Buông cách điểm hợp lưu với sông Đồng Nai khoảng 500m (TP.Biên Hòa), chỉ số chất lượng nước ở mức trung bình. Hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh xấp xỉ vượt ngưỡng.
Sông Buông đoạn chảy qua P.Phước Tân, TP.Biên Hòa |
Liên quan đến sông Buông, gần đây Báo Đồng Nai có nhiều bài viết phải ánh tình trạng ô nhiễm, cần thêm giải pháp bảo vệ nguồn nước. Đó là các bài viết: Những tác nhân gây ô nhiễm sông Buông, đăng ngày 15-4-2023; Gấp rút làm hành lang bảo vệ hơn 900 nguồn nước, đăng ngày 24-4-2023; Cần thêm giải pháp bảo vệ nguồn nước sông, suối, đăng ngày 13-5-2023…
Ngày 19-4-2023, Văn phòng Tỉnh ủy có công văn số 3217 đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xử lý thông tin báo chí phản ánh về chất lượng nguồn nước tại sông Buông. Ngày 26-4-2023, UBND tỉnh có văn bản số 4042 yêu cầu Sở TN-MT phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra hiện trạng, xử lý cơ sở xả thải gây ô nhiễm sông Buông (nếu có), báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh ủy.
Sông Buông là sông nội tỉnh lớn nhất của tỉnh với tổng chiều dài khoảng 56km, bắt nguồn từ các vùng đồi thuộc TP.Long Khánh và H.Cẩm Mỹ sau đó chảy qua các huyện: Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành và TP.Biên Hòa rồi hợp lưu với sông Đồng Nai.
Hoàng Lộc