Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực hiện tốt an sinh xã hội để phòng, chống dịch hiệu quả

08:08, 23/08/2021

Sáng 23-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của tỉnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Sáng 23-8, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid- 19 của tỉnh đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Khánh Lộc

Báo cáo tóm tắt về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến 22 giờ, ngày 22-8, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong ngày qua, toàn tỉnh có thêm 501 ca mắc Covid-19, lũy kế đến nay có 18.356 ca mắc, 131 người tử vong. Hiện tỉnh đang điều trị cho hơn 11 ngàn bệnh nhân Covid-19.

Tỉnh cũng đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng. Tính đến 23 giờ, ngày 22-8, toàn tỉnh đã thực hiện 5.501 test nhanh (gộp) cho 44.217 người dân, trong đó đã phát hiện 410 trường hợp dương tính. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 388.652 người được tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong đó có 45.212 người đã tiêm đủ 2 liều.

Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, Đồng Nai đã ghi nhận ổ dịch tại Viện Pháp y tâm thần (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa). Các ca mắc trong cộng đồng hiện đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, nhiều địa phương do thiếu nhân lực nên còn chậm trễ trong việc báo cáo tiến độ tiêm chủng, cách ly, điều trị, truy vết, dẫn đến việc số liệu báo cáo chưa kịp thời với thực tế đã thực hiện.  

* Thực hiện tốt an sinh xã hội để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả

Đánh giá tình hình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương trên địa bàn tỉnh từ ngày 16 đến 21-8-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, các cấp ủy địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, huy động cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó tạo chuyển biến trong công tác phòng, chống dịch tại các địa phương.

Tuy nhiên, cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến hết sức phức tạp, dịch bệnh đã lây lan thứ phát với nhiều ổ dịch trên địa bàn các huyện, thành phố; nhiều ca bệnh trong cộng đồng tiếp tục được ghi nhận thông qua test nhanh sàng lọc, nguồn lây nhiễm lan rộng; các ca bệnh xuất hiện ở hầu hết các xã, phường trên địa bàn huyện, thành phố; đồng thời nhiều ca lây nhiễm trong các khu nhà trọ có đông công nhân lao động.

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc tại các địa phương. Các huyện như: Cẩm Mỹ, Định Quán và TP.Biên Hòa đã kiến nghị với tỉnh bổ sung lực lượng có chuyên môn y tế hỗ trợ công tác lấy mẫu trên địa bàn. H.Nhơn Trạch đề nghị hỗ trợ thêm nhân lực, vật tư y tế, phương tiện để địa phương có điều kiện thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ chuyển các ca F0 đang ở các khu cách ly trên địa bàn huyện về bệnh viện tuyến tỉnh vì cơ sở điều trị ở huyện đã quá tải.

H.Tân Phú thì đề nghị, khi có kết quả PCR tại các điểm xét nghiệm cần thông tin ngay cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện biết để thực hiện các biện pháp truy vết, cách ly, phong tỏa kịp thời. H.Long Thành thì kiến nghị UBND tỉnh làm việc với TP.Hồ Chí Minh và đề nghị thành phố chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các lò thiêu; việc đưa thi hài về các lò thiêu phải được vận chuyển bằng phương tiện chuyên dùng, bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch và không để các lò thiêu họat động quá công suất...

Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Sở LĐTB-XH đã thông tin về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời hỗ trợ người dân bớt khó khăn trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp
Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Lộc

Đồng chí Cao Văn Quang, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị các địa phương sau khi tiếp nhận nguồn vận động, hỗ trợ từ tỉnh và các tổ chức, cá nhân cho công tác phòng, chống dịch, cần có chỉ đạo sát sao để việc phân phối nguồn hỗ trợ hợp lý, không để người dân nào thiếu ăn trong lúc này.

Thiếu tướng Vũ Hồng Văn, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Công an tỉnh thì cho rằng, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội lúc này là điều kiện rất quan trọng để người dân đồng lòng, yên tâm vào công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và ngành chức năng. Do đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, không để người dân nào thiếu đói trong lúc này. Địa phương nào làm không tốt chính sách an ninh xã hội sẽ khó tránh khỏi phức tạp về tình hình an ninh trật tư. Các địa phương cũng cần tăng cường nắm tình hình nhân dân, nhất là người yếu thế để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; xử lý nhanh các thông tin xấu, độc, không để gây hoang mang trong xã hội.

Đồng chí Phạm Xuân Hà, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất, những vùng nào chưa bị phong tỏa y tế thì thực hiện như vừa qua; vùng nào bị phong tỏa y tế thì Nhà nước lo lương thực, thực phẩm cho người dân để người dân yên tâm ở trong nhà phòng, chống dịch. Đồng thời, tỉnh cần cung cấp các số điện thoại để người dân liên hệ khi cần giúp đỡ về an sinh xã hội và y tế.

Đồng chí Đào Văn Phước, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy có ý kiến cho rằng, việc xét nghiệm diện rộng trên địa bàn tỉnh mới đây là tốt, nhưng phải làm đồng bộ thì mới hiệu quả. Đồng thời, tỉnh nên phân bổ nhiều vaccine cho “vùng đỏ”, những nơi có nguy cơ cao về dịch bệnh, lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh và sớm có hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ từ 2 tuổi để triển khai thực hiện theo quy định, vì trước đây chỉ quy định lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ từ 5 tuổi.

Theo đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, thời gian qua, toàn tỉnh đã nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao hơn, cần đánh giá rõ việc xét nghiệm diện rộng mới đây trên địa bàn toàn tỉnh để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, thực hiện. Việc xét nghiệm diện rộng là để sớm bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, nhưng các xã, phường không được chạy theo thành tích trong việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, không nóng vội trong chỉ đạo để không tạo áp lực cho lực lượng chống dịch ở cơ sở.

Riêng ngành y tế, phải rà soát lại các khâu trong điều trị bệnh nhân Covid-19, vì những ngày gần đây, số ca tử vong vì Covid-19 trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu tăng. Trong đó, phải rà soát các trang thiết bị y tế của tỉnh đã đáp ứng đến đâu trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nếu cần trang bị thêm những loại máy móc, thiết bị, vật tư y tế... để đáp ứng việc chữa trị cho bệnh nhân thì ngành Y tế cần đề xuất và xây dựng kế hoạch, tham mưu cho tỉnh tính toán, giải quyết. Ngoài ra, ngành y tế phải rà soát, kiểm tra xem trong khu cách ly y tế có lây nhiễm chéo không, nếu có thì phải tính toán lại ngay.

* Bí thư các cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước tiên

Trước những ý kiến, kiến nghị của các thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh và các địa phương, đồng chí Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết.

Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nêu các nhiệm vụ trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch thời gian tới. Ảnh: Khánh Lộc
Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nêu các nhiệm vụ trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch thời gian tới. Ảnh: Khánh Lộc

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, để công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đạt mục tiêu đề ra, các đơn vị, địa phương và lực lượng chức năng cần đánh giá lại đã làm hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, thực hiện phòng, chống dịch chưa. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã nhận được một số ý kiến phản ánh cho rằng, một số nơi chưa thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, còn tụ tập đông người.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, trong lúc chưa có đủ vaccine để tiêm chủng rộng cho mọi người trong xã hội thì vaccine quan trọng nhất là ý thức và lòng dân. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền ý thức người dân, xây dựng lòng tin cho nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh để nhân dân yên tâm, tin tưởng, đồng thuận với cấp ủy, chính quyền trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch hiện nay

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thực hiện giãn cách xã hội tốt sẽ đảm bảo công tác phòng chống dịch thắng lợi 70-80%. Do đó, các Huyện ủy, Thành ủy phải phân công các đồng chí ủy viên đi đến từng địa bàn để kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại địa phương mình.

Một số địa phương cũng cần xem lại đã sử dụng hết lực lượng vào công tác phòng, chống dịch chưa và phải chấn chỉnh lại việc nhập số liệu test nhanh, cũng như việc tiêm chủng phải khớp, tránh việc nhập liệu không khớp như vừa qua.

Đồng chí yêu cầu các lực lượng chức năng của tỉnh tiếp tục thực hiện chốt chặn các cửa ngõ vào Đồng Nai thật nghiêm; quan tâm tiêm vaccine cho các doanh nghiệp “3 tại chỗ”. Thực hiện đầy đủ chính sách an sinh xã hội tới từng hộ chính sách và các nguồn lực do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp nhận được, cần chuyển ngay về cấp xã để làm nguồn dự phòng khi cần thiết.

Ngoài các chính sách của Nhà nước chăm lo cho người dân, ngành LĐTB-XH và MTTQ cần nghiên cứu để có thêm nguồn hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và công nhân lao động nhằm đảm bảo cho người dân có được nguồn dinh dưỡng tối thiểu.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, ngay hôm nay, các địa phương phải thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của người dân, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Các địa phương chăm lo cho nhân dân, không để người dân nào thiếu ăn và ngành y tế không để người bệnh thiếu ô xy.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy đưa ra thông điệp: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để dân đói. Các đồng chí Bí thư cấp ủy phải lấy sinh mệnh chính trị của mình để đảm bảo việc này. Nếu để một hộ dân nào đói, thì Bí thư phải chịu trách nhiệm. Các đồng chí Bí thư cấp ủy phải cam kết việc này, vì đó là Chỉ thị của Bộ Chính trị và của Chính phủ. Muốn dân không đói thì các nguồn lực phải đưa ngay về xã và xã phải chuyển đến từng người dân một cách hiệu quả. Mỗi xã, phường phải có kho lương thực và phải có nguồn quỹ để hỗ trợ ngay những hộ dân đang gặp khó khăn. Trong lúc này, nếu để người dân nào thiếu đói thì Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thành lập tổ công tác đưa những người lang thang trở về nhà, hoặc các cơ sở bảo trợ, không để ảnh hưởng đến xã hội, vì nếu họ là F0 thì rất nguy hiểm cho cộng đồng. Phải xem họ là nạn nhân để hết lòng, hết sức giúp đỡ. Mỗi huyện, thành phố cũng cần có từ 10 số điện thoại trở lên để tiếp nhận thông tin, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, chúng ta phải ứng xử vừa nhân văn, vừa xử lý quyết liệt để công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt.

UBND tỉnh cần nghiên cứu, có giải pháp bổ sung thêm nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách cho lực lượng tuyến đầu yên tâm công tác. Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, phân công các đồng chí Tỉnh ủy viên, người đứng đầu các sở, ngành về cơ sở thực hiện công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh. Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần lan tỏa tinh thần nhân văn, có trách nhiệm thông tin, kết nối, khi thấy các trường hợp cần giúp đỡ thì báo ngay đến cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, trong Công điện số 1099, ngày 22-8-2021, Chính phủ đã chỉ đạo phải lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động người dân không ra khỏi nhà, ai ở đâu ở yên đó, cách ly người với người, nhà với nhà, xã - phường với xã - phường; người dân là trung tâm phục vụ và cũng là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, toàn bộ nguồn lực chăm lo cho dân phải được chuyển ngay về xã, phường; toàn bộ nhân lực kiểm soát phòng, chống dịch cũng cần được đưa về xã, phường; lấy xã, phường làm trung tâm và tỉnh, huyện, thành phố phải hỗ trợ cho xã, phường để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch...

Phương Hằng

Tin xem nhiều