Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo sự công bằng trong học tập, không để ai bị bỏ lại phía sau

05:08, 28/08/2021

(ĐN)- Ngày 28-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022...

(ĐN) - Ngày 28-8, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan... đã đến dự.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu hội nghị trực tuyến Trụ sở khối nhà nước tỉnh
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở khối nhà nước tỉnh

Dự hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ, cùng lãnh đạo một số sở ngành, các địa phương trong tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trong năm học đặc biệt 2020-2021, ngành giáo dục cả nước đã hoàn thành mục tiêu kép, đó là vừa dạy và học, vừa chống dịch. Ngành đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đề ra, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo được sắp xếp hợp lý hơn, chất lượng giáo dục các cấp học và hiệu quả hoạt động giáo dục được nâng lên.

Bên cạnh đó, ngành đã đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Trong năm học 2021-2022 sắp tới, Bộ GD-ĐT xác định các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm là: Tập trung thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đào tạo. Đổi mới quản lý nhà nước theo hướng tăng phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.

Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành giáo dục thích ứng với tình hình mới, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương. Phối hợp với ngành y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp cho tình huống dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp.

Sau phần phát biểu tham luận của các bộ ngành và địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự thấu hiểu, chia sẻ trước những vất vả, khó khăn của ngành giáo dục do tác động của dịch bệnh. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chỉ còn ít ngày nữa là năm học mới bắt đầu. Đây là thời điểm mỗi giáo viên, học sinh, sinh viên háo hức, các phụ huynh mong chờ ngày tựu trường sau kỳ nghỉ hè vất vả, nhưng có lẽ nhiều nơi, nhiều địa phương trên cả nước chưa thực hiện được. Dịch bệnh gần như đã làm đảo lộn tất cả các hoạt động của xã hội. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên, của hàng triệu nhà giáo, hàng chục triệu phụ huynh học sinh”.

Về kế hoạch của năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp năm học mới đảm bảo an toàn trường học gắn với tiêm vaccine. Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ GD-ĐT triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta làm tất cả những gì có thể làm được để các cháu được tiêm vacicne”.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương không có dịch cần chủ động phương án cho học sinh quay lại trường học nhưng phải có biện pháp kiểm tra, sàng lọc, đảm bảo môi trường và có biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Đối với “vùng đỏ” và “vùng vàng”, giải pháp trước mắt là học sinh vẫn phải học trực tuyến và Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, để giảm bớt những khó khăn do dịch bệnh để lại, Thủ tướng đề nghị: “Đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch, cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường”.

Công Nghĩa


Tin xem nhiều