(ĐN) - Ngày 30-7, tại Nhà khách 71, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" (viết tắt là Chỉ thị số 43) và đánh giá công tác giữa nhiệm kỳ (2017-2022).
(ĐN) - Ngày 30-7, tại Nhà khách 71, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” (viết tắt là Chỉ thị 43) và đánh giá công tác giữa nhiệm kỳ (2017-2022).
Các cá nhân, tập thể được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh khen thưởng vì có thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 43. |
Đến dự có các đồng chí: Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Phạm Tấn Linh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Khang, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhấn mạnh, thời gian qua tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tốt Chỉ thị số 43. Qua đó, hoạt động chăm sóc nạn nhân da cam có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Từ đó, nạn nhân da cam tại Đồng Nai đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc ngày càng tốt hơn. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Theo Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Văn Khang, Đồng Nai đã tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, nhân sự để xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ xã đến tỉnh. Việc chăm lo, hỗ trợ cho nạn nhân da cam trong tỉnh đã có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, xã hội, cộng đồng…
Cũng theo Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, thời gian tới, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần đóng vai trò chủ động trong tăng cường công tác phối hợp thực hiện chăm lo cho nạn nhân da cam. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc thực hiện chế độ đối với nạn nhân da cam. Kiện toàn bộ máy tổ chức của các cấp hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động…
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho hay, từ sau khi có Chỉ thị số 43, Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Thông tri số 33 và các địa phương cũng đã ban hành kế hoạch về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020. Đến nay, có 147/170 xã, phường, thị trấn thành lập được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 10 xã xây dựng được Chi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Từ năm 2015 đến nay các cấp hội đã huy động được trên 41 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cho trên 4 ngàn nạn nhân chất độc da cam về chăm sóc sức khỏe, sửa chữa - xây mới nhà ở, vay vốn không lãi, học bổng, trợ cấp hàng tháng...
Dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh khen thưởng 11 tập thể, 33 cá nhân có thành tích trong năm thực hiện Chỉ thị số 43. Đồng thời, ban tổ chức cũng trao tặng 35 xe lăn, xe lắc cho 35 nạn nhân da cam.
Văn Truyên