(ĐN) - Sáng 12-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì buổi làm việc với huyện Trảng Bom và các sở, ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho địa phương trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.
(ĐN) - Sáng 12-3, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì buổi làm việc với huyện Trảng Bom và các sở, ngành liên quan để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho địa phương trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh chủ trì buổi làm việc |
Theo UBND huyện Trảng Bom, hiện toàn huyện có 2 dự án xây dựng cánh đồng lớn và chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm cây điều và cây ca cao tại xã An Viễn đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành được 12 chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm chăn nuôi và cây trồng. Tuy nhiên, việc triển khai dự án cánh đồng lớn còn vướng do nông dân, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ; nhiều chuỗi liên kết thiếu bền vững do nông dân vẫn quen ở đâu giá cao thì bán mà chưa quan tâm ký kết hợp đồng bao tiêu ổn định với doanh nghiệp…
Trong năm 2019, huyện Trảng Bom đã huy động được 512 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn mới, chủ yếu là làm đường giao thông, trường học, hệ thống cơ sở vật chất văn hóa…Đến nay, toàn huyện đã có 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt được 18 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Trảng Bom là huyện được tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa giai đoạn 2020-2025 và mục tiêu đến năm 2025, huyện sẽ lên thị xã.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh lưu ý huyện Trảng Bom hướng đến phát triển đô thị, là vành đai đô thị của tỉnh, nhưng phải luôn xác định phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, Trảng Bom là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch tả heo châu Phi nhưng huyện vẫn cố gắng phát triển nông nghiệp đạt mức tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.
Tuy nhiên, cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, huyện cần cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế như: phát triển mạnh những cây trồng không nằm trong quy hoạch (cây bưởi, cây chuối...); tình trạng chăn nuôi còn tồn tại trong khu dân cư; giết mổ lậu còn diễn biến phức tạp, khó giải quyết dứt điểm...
Trong nhiệm kỳ mới, huyện phải lấy nông nghiệp làm khâu đột phá trong phát triển theo định hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững. Địa phương cần cụ thể các nhiệm vụ để tập trung thực hiện. Tỉnh sẽ hỗ trợ địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư kho, xưởng bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản ngay tại vùng sản xuất.
Trong xây dựng nông thôn mới, địa phương phải đánh giá lại các chỉ tiêu đã đạt được để xem có bị tụt hậu hay không; đặt ra mục tiêu trong năm 2020 phải có thêm từ 3-4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về mục tiêu phát triển đô thị, huyện phải phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu lại về tính pháp lý, xây dựng đề án thật cụ thể từ quy hoạch, giải pháp cũng như phân rõ nhiệm vụ cần hoàn thành trong từng năm.
Tin và ảnh: Bình Nguyên