(ĐN) – Ngày 11-3, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi làm vịệc với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) về công tác quản lý, bảo vệ đất rừng trên địa bàn tỉnh.
(ĐN) – Ngày 11-3, đoàn giám sát của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã có buổi làm vịệc với Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn (NN-PTNT) về công tác quản lý, bảo vệ đất rừng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cùng tham dự buổi giám sát, có Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng.
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tại buổi giám sát |
Hiện nay, đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Đồng Nai có hơn 180,46 ngàn ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là hơn 164,93 ngàn ha, đất không có rừng hơn 15,6 ngàn ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có trên 19,6 ngàn ha đất lâm nghiệp nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Độ che phủ của rừng tại Đồng Nai đạt 29,1%. Như vậy, trong giai đoạn 2015-2019, diện tích rừng tự nhiên ở tỉnh tăng gần 2,3 ngàn ha.
Theo đại diện Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các đơn vị chủ rừng thì công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng hiện đang gặp một số khó khăn như: nhiều hộ dân không chịu ký lại hợp đồng giao khoán đất rừng; tình trạng xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp, tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm; diện tích đất lâm nghiệp giao lại cho địa phương quản lý kéo dài; thu nhập của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng quá thấp, cần có thêm những chính sách hỗ trợ...
Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên Nguyễn Văn Minh thông tin về công tác bảo vệ rừng tại đơn vị |
Sau khi nghe ý kiến của các sở ngành, đơn vị chủ rừng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, Đồng Nai tuy là tỉnh công nghiệp nhưng đã giữ rừng khá tốt. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2019, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh đã tăng hàng ngàn ha. Thế nhưng, trong quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn một số hạn chế, như: hơn 400 ha đất rừng bị lấn chiếm, nhiều địa phương chưa giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, các chủ rừng phải phối hợp với các địa phương giải quyết nhanh tình trạng lấn chiếm và xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Lại Thế Thông cũng lưu ý các chủ rừng phải đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng. Việc người dân không chịu ký lại hợp đồng khoán đất lâm nghiệp Sở NN-PTNT phải rà soát lại đưa ra giải pháp xử lý cụ thể với từng khu vực. Đồng thời, Sở cần tổng hợp, đề xuất chính sách hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng, sau đó kiến nghị UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua.
Tin, ảnh: Hương Giang