Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ, ngành cần tập trung các chính sách hỗ trợ để giúp bà con các dân tộc thiểu số (10 dân tộc) đang còn tỷ lệ nghèo cao nhất vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ, ngành cần tập trung các chính sách hỗ trợ để giúp bà con các dân tộc thiểu số (10 dân tộc) đang còn tỷ lệ nghèo cao nhất vươn lên thoát nghèo.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, chiều 10-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo tóm tắt và thảo luận về thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018".
Báo cáo kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018," Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết giai đoạn 2012-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 46 văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Các bộ, ngành Trung ương đã ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện; các địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, như chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo; chính sách tín dụng ưu đãi, vay vốn xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào dân tộc thiểu số...
Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng. Khoảng 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư, xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Đến nay, đa số các xã đã có đường ôtô đến trung tâm; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi nhỏ đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm trung bình khoảng 3,5%/năm. Kinh phí ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2018 là hơn 47.000 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2018 đã có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ 46.159 tỷ đồng.
[Khai mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội]
Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành và thực tế giám sát tại địa phương cho thấy tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo dân tộc thiểu số thấp hơn thu nhập bình quân đầu người cả nước.
Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu, nhiều chỉ tiêu của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Chương trình 30a), Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135) chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; mục tiêu giảm huyện nghèo, xã và thôn đặc biệt khó khăn, không đạt.
Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, diện tích đất canh tác ít, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, địa hình chia cắt; hậu quả biến đổi khí hậu, hạn hán, thiên tai, bão lũ, lũ quét, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn tới kết quả giảm nghèo..., là nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Bên cạnh đó, một số nơi còn duy trì phong tục, tập quán, ma chay, hiếu hỉ lạc hậu, gây tốn kém tiền của người dân; trình độ dân trí hạn chế, không đồng đều, thiếu kiến thức làm ăn; đông con, thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất; một số ít người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào các chính sách trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng...
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng công tác này vẫn còn nhiều bất cập cần khắc phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến đây là chương trình giám sát nên phải có đánh giá cụ thể để nắm được hệ thống pháp luật đã thực chất và đi vào cuộc sống chưa. Nhiều thông tư, nghị quyết của Quốc hội được ban hành, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững nhưng việc triển khai chậm hơn nhiều so với thực tế, yêu cầu của cuộc sống.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng bào rất quan tâm đến chính sách bảo vệ rừng, nhưng trợ cấp cho hoạt động này chỉ có 400.000 đồng/ha/năm là quá ít; không thể thu hút và đảm bảo mức sống tối thiểu cho đồng bào.
Về chỉ đạo thực hiện chương trình, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định các cơ quan Trung ương và địa phương đã tích cực vào cuộc nhưng vẫn xảy ra tình trạng chồng chéo; việc phân cấp, phân quyền còn bất cập; một việc nhưng chia ra rất nhiều bộ, ngành quản lý.
Về việc phân bổ nguồn lực, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng ngân sách của Trung ương và địa phương đều thực hiện theo dự toán một cách nghiêm túc nhưng việc quản lý tài chính còn lỏng lẻo. Kết quả kiểm toán cho thấy những sai phạm hay yêu cầu phải chỉnh sửa về mặt tài chính giai đoạn sau vẫn cao hơn giai đoạn trước.
Phân tích đến tình trạng tái nghèo và mù chữ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng tỷ lệ này còn khá cao và chênh lệch nhiều so với các vùng khác. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, việc đạt chuẩn nông thôn mới chỉ mang tính hình thức, việc tổ chức sản xuất mang lại thu nhập ổn định cho người dân chưa được thực hiện tốt.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng chương trình xóa đói giảm nghèo có những tiến bộ rõ rệt. Các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt; xuất hiện nhiều tấm gương điển hình với việc nhiều gia đình viết đơn xin thoát nghèo; nhiều địa phương phát triển tốt chương trình bảo hiểm tự nguyện.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng cuộc sống và hệ số phát triển con người của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tỷ lệ thu nhập giữa các vùng còn chênh lệch lớn. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ sớm xây dựng chương trình hành động cụ thể, khắc phục những hạn chế, yếu kém để có giải pháp tốt nhất, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh ngoài việc quan tâm đến đời sống vật chất, cần nâng cao, tạo điều kiện và bảo tồn hơn nữa đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Về kết quả thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, theo Chủ tịch Quốc hội, nhờ chương trình mà cơ sở hạ tầng phục vụ đồng bào được cải thiện đáng kể, qua đó nâng cao đời sống nhân dân. Hầu hết tại các địa phương đã có đường ô tô đến được trung tâm xã, có điện lưới và nước sạch, y tế, chuẩn về phổ cập giáo dục đã đến được với bà con.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các bộ, ngành cần tập trung các chính sách hỗ trợ để giúp bà con các dân tộc thiểu số (10 dân tộc) đang còn tỷ lệ nghèo cao nhất vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
"Cần có cơ chế chính sách để đồng bào giữ được rừng, xây dựng nhiều hơn xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới; chăm lo ngay các vấn đề cấp bách nhất của các dân tộc thiểu số rất ít người như: đồng bào dân tộc Chứt, La Hủ, Cống, Co, Khơ Mú…", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018./.
Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+)