Ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.
Ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.
Nhiều khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được các đại biểu phân tích, làm rõ. Khẳng định những tín hiệu tích cực của tình hình kinh tế trong năm qua song một số đại biểu Quốc hội khi cho rằng nền kinh tế phát triển vẫn còn có những yếu tố chưa bền vững và hiệu quả, vẫn còn nhiều thách thức mới trong thời gian tới, thậm chí trong quá trình triển khai một số chính sách, Chính phủ thì quyết tâm, còn địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. Môi trường đầu tư kinh doanh, thiên tai bão lụt, biến đổi khí hậu vẫn là những yếu tố kéo giảm sự phát triển các địa phương. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, làm cản trở đến sự phát triển của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đã có những giải pháp để phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại biểu Nguyễn Thi Như Ý tranh luận. |
Cũng tại phiên họp sáng 1-11, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (đoàn Đồng Nai) nêu ý kiến tranh luận về vấn đề sa thải các lao động ngoài 35 tuổi từ thực tế tỉnh Đồng Nai. Đại biểu Như Ý cho rằng bên cạnh lý do thay đổi công nghệ máy móc, cơ cấu lại lực lượng lao động thì người sử dụng lao động cũng đã không muốn sử dụng lao động lớn tuổi làm việc nhiều năm vì họ phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều, có thể do mắt mờ, tay yếu nên năng suất lao động cũng kém hơn người trẻ.
Trình bày rõ trước Quốc hội về vấn đề này, đại biểu Bùi Xuân Thống (đoàn Đồng Nai) phân tích: “Vấn đề rớt vào nhóm lao động phổ thông và rớt vào nhóm ngành nghề may mặc, dệt may, giày da là chủ yếu. Đây là điều về pháp luật thì không sai, nhưng về mặt hậu quả xã hội, nếu chúng ta không nghiên cứu, không có chính sách về vấn đề này rõ ràng thì sẽ rất phức tạp và hậu quả sẽ là gánh nặng… Tôi đề nghị phải quan tâm vấn đề này”.
L.V (tổng hợp)