Nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, trong khi việc huy động các nguồn lực khác gặp nhiều khó khăn khiến nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh đang ở trong tình trạng "khát" vốn.
Nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, trong khi việc huy động các nguồn lực khác gặp nhiều khó khăn khiến nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh đang ở trong tình trạng “khát” vốn.
Đường tỉnh 771B (đường 319) đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Ảnh: Phạm Tùng |
Theo quy hoạch giao thông - vận tải (GT-VT) đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 14 tuyến đường tỉnh được đầu tư nâng cấp, kéo dài và bổ sung vào quy hoạch.
* Tỷ lệ hoàn thành đạt thấp
Sau 5 năm triển khai, đến nay mới có 3 tuyến đường trong quy hoạch với tổng chiều dài hơn 35km, tổng vốn đầu tư hơn 795 tỷ đồng được hoàn thành và bàn giao đưa vào khai thác gồm: đường tỉnh 761 (2km), đường tỉnh 765 (4km) và đường tỉnh 769B (29,4km). Cùng với đó, trong năm 2021, có thêm 2 tuyến đường tỉnh khác thuộc quy hoạch giai đoạn 2016-2020 cũng được triển khai thực hiện hoàn thành là đường tỉnh 771 (đoạn 4 dài 3,2km) và đường tỉnh 775 (đoạn 3 dài khoảng 4,9km).
Đối với giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có 26 tuyến đường tỉnh được đầu tư nâng cấp, kéo dài và bổ sung vào quy hoạch. Mặc dù vậy, đến hết năm 2022, mới chỉ có 1 tuyến đường tỉnh hoàn thành đưa vào khai thác là đoạn đường tỉnh 763 dài 17km với tổng mức đầu tư 521 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 3 tuyến đường tỉnh được triển khai nâng cấp, kéo dài nhưng thi công chậm tiến độ là đường tỉnh 768 (dài hơn 20km), đường tỉnh 775 (đoạn 1 và 2 dài 8,2km) và đường tỉnh 774B (dài 4km). Nguyên nhân chậm tiến độ do các dự án này gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Theo Sở GT-VT, số tuyến đường có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được bố trí vốn thực hiện trong năm 2023 gồm 4 tuyến: Đường tỉnh 763 dài 12,5km và các tuyến đường chuyển tiếp từ năm 2021, 2022 chuyển sang năm 2023 được tiếp tục bố trí vốn thực hiện là đường tỉnh 768 (đoạn 2); đường tỉnh 775 (đoạn 1 và 2); đường tỉnh 774B dài 4km. |
Theo Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn, việc triển khai thực hiện quy hoạch GT-VT đối với các tuyến đường tỉnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, hạn chế trong năng lực quản lý dự án của các chủ đầu tư. Trong đó, khó khăn về nguồn vốn là khó khăn lớn nhất.
Tại buổi giám sát về kết quả thực hiện quy hoạch GT-VT đường bộ tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vào cuối tháng 3 vừa qua, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Kim Phước cho rằng, quá trình thực hiện quy hoạch, mức độ hoàn thành các tuyến đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh đạt cao, đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, mức độ hoàn thành các tuyến đường tỉnh lại đạt thấp. “Trong giai đoạn 2016-2020, chỉ có 3 tuyến đường tỉnh được bố trí vốn thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng, đạt khoảng 27% so với quy hoạch. Đây là một tỷ lệ hết sức khiêm tốn. Trong khi đó, với giai đoạn 2021-2025, đến nay cũng mới chỉ có 1 tuyến đường hoàn thành và đưa vào sử dụng” - ông Nguyễn Kim Phước cho hay.
* Hàng loạt dự án chưa được bố trí vốn
Đầu tư hạ tầng giao thông được xác định là một trong những giải pháp đột phá phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, đến thời điểm này, nhiều dự án nâng cấp, làm mới các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch vẫn đang ở trong tình trạng chờ vốn.
Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn cho biết, hiện có 10 tuyến đường tỉnh sẽ triển khai thực hiện nâng cấp, làm mới theo quy hoạch GT-VT đường bộ tỉnh giai đoạn 2021-2025 nhưng vẫn chưa lập dự án đầu tư, trình thẩm định, phê duyệt và bổ sung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Nguyên nhân là do nguồn vốn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, chưa thể cân đối bố trí vốn để làm cơ sở trình thẩm định chủ trương đầu tư.
Cũng với nguyên nhân này, 5 tuyến đường tỉnh khác được bổ sung quy hoạch chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Với quỹ thời gian không còn dài, trong khi các dự án cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, việc thực hiện hoàn thành quy hoạch các tuyến đường tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 rất khó khăn.
Độ khó của nhiệm vụ hoàn thành phát triển hệ thống đường tỉnh theo quy hoạch giai đoạn 2021-2025 sẽ còn gia tăng trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách tỉnh còn phải san sẻ để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn.
Cụ thể, với việc triển khai thực hiện 2 dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và Đường vành đai 3 - TP.HCM bằng nguồn vốn ngân sách trung ương kết hợp ngân sách địa phương, Đồng Nai sẽ phải bố trí nguồn vốn gần 3 ngàn tỷ đồng (2,6 ngàn tỷ đồng đối với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 và 367 tỷ đồng cho dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM) để thực hiện.
Chính vì vậy, Sở GT-VT cũng đã kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các dự án giao thông quan trọng trong quy hoạch giai đoạn 2021-2025 để có cơ sở triển khai thực hiện.
Phạm Tùng