Qua hơn 2 năm triển khai, đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Qua hơn 2 năm triển khai, đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Anh Vũ Đình Huấn, nông dân trẻ khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.NGUYÊN |
Các mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, du lịch nông nghiệp… không ngừng được nhân rộng; góp phần hình thành nên diện mạo nền nông nghiệp hiện đại, giá trị cao cho vùng kinh tế Tây Nam.
Nông dân thời công nghệ
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Vũ Đình Huấn đi làm ở một số trang trại nông nghiệp công nghệ cao chuyên trồng rau, dưa lưới. Khi tích lũy được kinh nghiệm sản xuất, tìm được đối tác đầu tư đến bao tiêu sản phẩm là một doanh nghiệp cung cấp các giải pháp làm nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM, anh Huấn tự tin vay vốn, thuê đất đầu tư 2 nhà màng rộng hơn 2 ngàn m2 tại xã Bình Hòa (H.Vĩnh Cửu) trồng dưa lưới công nghệ cao. Sau hơn 1 năm hoạt động, lợi nhuận từ mô hình này đạt cao nên anh Huấn đang có ý định tiếp tục mở rộng đầu tư. Theo anh Huấn, vài năm trở lại đây, rất nhiều bản trẻ học hành bài bản rồi chọn khởi nghiệp bằng mô hình ứng dụng công nghệ cao làm nông nghiệp đô thị. Lợi thế của mô hình này không đòi hỏi diện tích đất sản xuất lớn nhưng vẫn cho lợi nhuận cao. Rủi ro đầu tư cũng được hạn chế ở mức thấp nhất khi ký được hợp đồng có doanh nghiệp đầu tư một phần vật tư đầu vào; tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, đồng thời bao tiêu cả đầu ra nên không lo thị trường biến động.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT CAO TIẾN SỸ, hiện các địa phương đã xác định được các lĩnh vực, các ngành cần thu hút đầu tư nên cũng thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tích hợp đa giá trị. |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Lê Minh Tốt nhận xét, gần đây địa phương đã có một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: trồng dưa lưới trong nhà màng, trồng rau thủy canh… được đầu tư bài bản từ khâu trồng đến đóng gói, tiêu thụ. Nông dân liên kết với doanh nghiệp nên có kỹ sư, chuyên gia về tận vườn sản xuất hướng dẫn kỹ thuật; sản xuất theo đơn đặt hàng trước nên không lo đầu ra. Ngoài ra, một số mô hình nông nghiệp đô thị như: nuôi lươn không bùn, nuôi heo đen bản địa… đang được nhân rộng vì cho hiệu quả kinh tế cao. Địa phương cũng hỗ trợ HTX, nông dân tham gia làm sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) góp phần xây dựng thương hiệu nông sản thế mạnh của địa phương.
Thời gian qua, một số địa phương thuộc vùng kinh tế Tây Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, nguồn quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nên định hướng phát triển đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao. Đề án đã triển khai vào thực tế với kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Thông qua công tác tập huấn, tuyên truyền, 7 địa phương thuộc vùng kinh tế Tây Nam gồm: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất và một phần H.Vĩnh Cửu ngày càng nhân rộng các loại hình nông nghiệp đô thị, công nghệ cao.
Tích hợp đa giá trị
Các địa phương vùng kinh tế Tây Nam cũng đang nhân rộng, phát triển nhiều loại hình nông nghiệp theo chuỗi giá trị, bền vững trên cơ sở đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp truyền thống với nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm sản xuất ra theo hướng sạch, áp dụng quy trình GAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn của sản phẩm; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa; cải thiện cảnh quan đô thị, góp phần ổn định môi trường sinh thái.
Anh Vũ Đình Huấn, nông dân trẻ khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Bình Hòa, H.Vĩnh Cửu |
Tùy vào lợi thế, đặc thù riêng mà các địa phương có mô hình, hướng đi khác nhau tạo nên sự đa dạng, nhiều màu sắc cho nông nghiệp đô thị của tỉnh. Tiêu biểu như TP.Long Khánh thực hiện thí điểm Làng du lịch sinh thái tại ấp Cây Da, xã Bình Lộc. Hỗ trợ gắn 270 mã QR trên cây chôm chôm cho các hộ dân thực hiện mô hình sinh thái vườn nhằm phục vụ tốt công tác khai thác du lịch, đồng thời lưu giữ, phát triển bền vững các giống cây mang chỉ dẫn địa lý của Long Khánh.
Nhiều địa phương của vùng kinh tế Tây Nam cũng nhân rộng mô hình vườn kiểu mẫu; áp dụng khoa học công nghệ; quy trình sản xuất an toàn; xây dựng nông thôn với các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Tiêu biểu như các mô hình du lịch sinh thái vườn trái cây ở H.Long Thành, Làng bưởi Tân Triều và du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử và cảnh quan hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu); du lịch sinh thái rừng ngập mặn Long Thành, Nhơn Trạch…
Thời gian qua, nằm trong nội dung của đề án, những chương trình tổ chức cho cán bộ nông nghiệp, HTX, nông dân đi học tập kinh nghiệm, tập huấn phát triển nông nghiệp đô thị, công nghệ cao. Ngoài ra, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối giao thương; kết nối sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị và các kênh phân phối… cũng được đẩy mạnh. Ấn tượng là chương trình hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử với 356 nông hộ cài đặt thành công, đưa sản phẩm lên sàn postmart.vn. Triển khai hỗ trợ website ứng dụng thương mại điện tử đối với chủ thể có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong năm 2022. Đặc biệt, chương trình “Tuần lễ Tôn vinh trái cây và Chợ phiên nông nghiệp đô thị Tây Nam năm 2022” đã góp phần tôn vinh, quảng bá nét đẹp của vùng đất cũng như những sản vật của Đồng Nai.
Bình Nguyên
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc LÊ KIM BẰNG:
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp là thế mạnh của H.Xuân Lộc, do đó việc phát triển các mô hình mới, có giá trị kinh tế cao được đặc biệt quan tâm. Đến nay, huyện đã xây dựng 15 mã vùng trồng và 14 dự án liên kết sản xuất. Đáng chú ý, một số hộ xây dựng mô hình vườn mẫu, kết hợp nông nghiệp - du lịch. Tương tự với chăn nuôi, tỷ lệ trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, khép kín đạt hơn 61%.
Để tiếp tục phát triển nông nghiệp hữu cơ, huyện xác định và cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 các sản phẩm: rau, lúa, cây ăn trái, heo, gia cầm… Tiếp tục tuyên truyền sản xuất nông nghiệp đáp ứng 4 tiêu chí: tạo giá trị kinh tế cao hơn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, không gây ảnh hưởng đến môi trường và có thể kết hợp với các loại hình kinh tế khác.
Phó chủ tịch UBND H.Long Thành TRẦN VĂN THÂN:
Cần tạo cơ chế khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao
Huyện Long Thành đang phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp. Điều này phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và đặc thù địa phương có nhiều dự án trọng điểm của quốc gia, khu vực và tỉnh. Đối với nông nghiệp, các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái được ưu tiên phát triển.
Hiện tại, huyện đã có 2 doanh nghiệp sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, có khoảng 15 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại và hộ dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt được chứng nhận VietGAP, an toàn thực phẩm…
Để phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái vườn phải đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu phục vụ khách tham quan, nghỉ ngơi và chế biến nông sản.
Hoàng Lộc