Đến nay, cả 3 chỉ số đánh giá quan trọng năm 2022 liên quan đến Đồng Nai đã được công bố. Đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số cải cách hành chính (PAR index).
Đến nay, cả 3 chỉ số đánh giá quan trọng năm 2022 liên quan đến Đồng Nai đã được công bố. Đó là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); chỉ số cải cách hành chính (PAR index).
Cán bộ, công chức TP.Biên Hòa vận hành Trung tâm Điều hành thông minh của thành phố. Ảnh: C.Nghĩa |
Qua 3 chỉ số xếp hạng được công bố cho thấy, sự đánh giá và xếp hạng của Đồng Nai đều chưa được như kỳ vọng, dù trong năm 2022, tỉnh đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt nhằm nâng cao các chỉ số.
* Nhiều cải thiện
Trong 3 chỉ số quan trọng PCI, PAPI và PAR index năm 2022 đã được công bố, chỉ số PCI của Đồng Nai năm 2022 đạt thang điểm 65,67/100, xếp thứ 29/63 tỉnh, thành (giảm 0,08 điểm, giảm 7 bậc so với năm 2021).
Trong khi đó, chỉ số PAPI cho thấy sự cải thiện khi đạt 41,26 điểm, tăng 0,3 điểm so với năm 2021. Tuy nhiên, Đồng Nai vẫn ở nhóm tỉnh có chỉ số PAPI trung bình thấp.
Chỉ số quan trọng còn lại là PAR index tăng được 4 bậc, xếp thứ 51/63 tỉnh, thành.
Những kết quả đánh giá trên cho thấy, dù tỉnh đã có sự chỉ đạo quyết liệt song vẫn chưa đủ để người dân và doanh nghiệp (DN) cảm thấy hài lòng và “chấm điểm” cao hơn trước các tổ chức đánh giá chỉ số. Ngoài các chính sách thông thoáng về thủ tục hành chính, tinh thần thái độ của cán bộ, công chức, người dân và DN vẫn đang kỳ vọng vào những đột phá về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được phát triển kết nối đồng bộ. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực phải được cải thiện tốt hơn, từ đó mang lại hiệu quả tối đa cho người dân và DN trong sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.
Chẳng hạn, theo công bố của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 10 nội dung đánh giá PCI năm 2022 có khá nhiều điểm ghi nhận sự cải thiện. Điển hình là nội dung gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, các chỉ số còn lại đều có xu hướng giảm điểm nhất định như: Chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chính sách hỗ trợ DN, chỉ số đào tạo lao động…
Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, có những năm Đồng Nai đạt được các chỉ số PCI và PAR index ở mức cao, nhưng những năm gần đây lại không được như kỳ vọng. Dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhưng các chỉ số này mỗi năm lại không ổn định, có năm tăng và có lại năm giảm, nhưng về cơ bản là đang ở mức thấp. Đây cũng là những băn khoăn, trăn trở rất lớn của lãnh đạo tỉnh và là trách nhiệm đặt ra với các sở, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.
Nếu các chỉ số đánh giá tiếp tục ở mức thấp như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong mắt các nhà đầu tư, trong khi đang có những dư địa rất lớn để bứt phá. Chẳng hạn, khi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Đồng Nai sẽ có đủ các loại hình giao thông mà thế giới có.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng, phải tiếp tục “xốc” lại tinh thần cán bộ, công chức tiếp tục nâng cao tinh thần phục vụ người dân và DN; đồng thời, các sở, ngành, địa phương phải nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư lớn, duy trì tốc độ phát triển kinh tế cho Đồng Nai.
* Cải thiện chỉ số bằng hành động
Việc cải thiện hàng loạt chỉ số quan trọng như: PCI, PAPI và PAR index đã được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt. Ngay đầu năm 2022, Thường trực Tỉnh ủy đã họp nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phân tích nội dung đánh giá các chỉ số của năm 2021 để làm rõ những mặt được, chưa được và các giải pháp khắc phục. Đặc biệt, thực hiện sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã mời lãnh đạo VCCI trao đổi về giải pháp nâng cao các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2022.
Biểu đồ xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Đồng Nai qua các năm |
Tại hội thảo khoa học bàn giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tổ chức mới đây, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ cho rằng, việc tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương và đạo đức công vụ là rất quan trọng. Mặt khác, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nơi gần nhất với người dân và DN để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Bình bày tỏ trăn trở, qua lắng nghe ý kiến của người dân và DN, kết hợp với đi thực tế cho thấy công tác cải cải hành chính, nhất là tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức vẫn còn nhiều việc phải làm, phải chấn chỉnh kịp thời.
Ông Bình nhấn mạnh: “Người đứng đầu phải thực sự sâu sát kiểm tra, đôn đốc với từng hồ sơ của người dân và DN ngay từ khâu tiếp nhận đến khi trả kết quả, tuyệt đối không được giao phó cho cấp dưới. Cần hết sức tránh tính trạng hồ sơ tiếp nhận rồi lại trả đi trả lại vì cần phải bổ sung thủ tục này, thủ tục kia. Điều này sẽ làm tốn kém chi phí đi lại, thời gian và cơ hội, đồng thời người dân và DN sẽ cảm thấy phiền hà và sẽ “chấm điểm” thấp với chính quyền trong cung cách phục vụ”.
Ông Bình cho rằng, phải tăng cường chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ các thủ tục dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (giải quyết hoàn toàn trên mạng) để nâng cao hiệu quả giải quyết, tăng cường tính công khai minh bạch.
Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh CAO VĂN QUANG: Thực sự coi trọng việc đánh giá các chỉ số
Các chỉ số, trong đó có chỉ số PAPI, được các tổ chức đánh giá rất khoa học và nghiêm túc, qua đó phản ánh khá toàn diện địa phương được đánh giá. Chính vì vậy, các sở, ngành, địa phương phải thực sự coi trọng việc đánh giá các chỉ số. Tỉnh nên xây dựng các chỉ số đánh giá riêng với từng sở, ngành, địa phương để làm thước đo cho quá trình phát triển bằng những điểm số cụ thể hàng năm. Qua đánh giá các chỉ số còn có thể đánh giá được người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ được giao.
Giám đốc Sở KH-ĐT NGUYỄN HỮU NGUYÊN: Cải cách thủ tục hành chính để đón những cơ hội mới
Đồng Nai đang đứng trước những cơ hội phát triển rất lớn khi đang hình thành gần như đầy đủ các loại hình giao thông phổ biến trên thế giới. Sắp tới, cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, các tuyến đường cao tốc huyết mạch đang hình thành, phải bằng mọi nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN bằng việc giải quyết thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhanh chóng tạo thêm quỹ đất công nghiệp để thu hút dòng vốn đầu tư thế hệ mới.
Nếu không hành động quyết liệt thì nguy cơ tụt hậu so với các tỉnh, thành là hiển hiện trước mắt.
Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN Đồng Nai CHÂU MINH NGUYỆN: Lắng nghe phải đi đôi với hành động
Việc tổ chức các buổi gặp gỡ và đối thoại với DN là rất quan trọng, qua đó kịp thời lắng nghe những khó khăn mà DN đang gặp phải. Tuy nhiên, lắng nghe phải đi đôi với hành động, thể hiện đúng tinh thần luôn đồng hành với DN.
Hơn lúc nào hết, các DN đang rất cần sự hỗ trợ của tỉnh bằng việc quyết liệt hơn trong tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, quy định về phòng cháy, chữa cháy…
Thành Nam (ghi)
Công Nghĩa