Thống kê tại 32 mỏ đá đang hoạt động ở Đồng Nai có tổng diện tích hơn 1,1 ngàn ha. Nếu tính cả các mỏ đã ngưng hoạt động thì diện tích tăng lên nhiều.
Thống kê tại 32 mỏ đá đang hoạt động ở Đồng Nai có tổng diện tích hơn 1,1 ngàn ha. Nếu tính cả các mỏ đã ngưng hoạt động thì diện tích tăng lên nhiều.
Hoạt động xay nghiền đá tại cụm mỏ Phước Tân - Tam Phước (TP.Biên Hòa) |
Nhiều năm qua, tỉnh và các địa phương có chủ trương thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư khai thác du lịch ở các mỏ đá sau khai thác, nhưng đến nay chưa có dự án nào được triển khai. Điều đó khiến nguồn lực đất đai bị lãng phí, nguy cơ mất an toàn cho con người và vật nuôi.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, để các mỏ khai thác khoáng sản (KTKS) không trở thành “vùng đất chết”, cả tỉnh và các nhà đầu tư cùng có trách nhiệm hoàn thổ, phục hồi môi trường.
Các ngành chức năng của tỉnh phải tăng cường giám sát việc tuân thủ pháp luật về môi trường của nhà đầu tư. Trong KTKS, bắt buộc phải giật cấp để hạn chế sạt lở, đồng thời tăng khả năng hoàn thổ. Tưới nước, trồng cây xanh để hạn chế ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Tính toán các khoản thu tương xứng, không thể vì DN đóng góp một đồng mà Nhà nước phải bỏ ra 10 đồng để khắc phục môi trường. Tỉnh phải mạnh tay với DN coi nhẹ bảo vệ môi trường; cơ sở gây ô nhiễm, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính còn phải bỏ tiền khắc phục hậu quả, thậm chí dừng hoạt động.
Đối với các cơ sở được cấp phép KTKS, phải chấp hành nghiệm quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản. Thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải vào sông Buông, thực hiện các biện pháp giảm thiểu bụi phát sinh từ khu vực chế biến, đường vận chuyển. Tính toán tham gia tái đầu tư ngay tại mỏ KTKS.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đặt ra 3 vấn đề đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh là: có nên cho phép tăng độ sâu các mỏ hay không, điều đó có lợi và bất lợi gì; khai thác tiềm năng tại các mỏ khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường của nhà đầu tư.
Hiện Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam thực hiện dự án Đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng hoạt động KTKS đến môi trường và sông Buông tại cụm mỏ đá Phước Tân - Tam Phước. Dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2023. Trên cơ sở đó đưa ra giải pháp tổng thể trong bảo vệ môi trường đối với cụm mỏ này và nhân rộng ra các cụm mỏ khác.
Ban Mai