Cuối năm 2022, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) giai đoạn 2021-2030 (Đề án Du lịch sinh thái) được UBND tỉnh cho gia hạn thời gian hoàn thành thẩm định đến cuối quý I-2023. Tuy nhiên, đến nay kết quả thẩm định vẫn chưa được thông qua.
Cuối năm 2022, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) giai đoạn 2021-2030 (Đề án Du lịch sinh thái) được UBND tỉnh cho gia hạn thời gian hoàn thành thẩm định đến cuối quý I-2023. Tuy nhiên, đến nay kết quả thẩm định vẫn chưa được thông qua.
Rừng Mã Đà, nơi dự kiến triển khai dự án Safari. Ảnh: N.LIÊN |
Đề án Du lịch sinh thái do Khu bảo tồn xây dựng, Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề án quy hoạch 17 điểm du lịch sinh thái ven hồ Trị An, với tổng diện tích được quy hoạch là trên 4,6 ngàn ha. Trong đó, khu quy hoạch nuôi động vật bán hoang dã (dự án Safari) có diện tích trên 412ha.
Vướng các quy định
Dự án Safari được HĐND tỉnh thông qua từ năm 2017, nằm trên diện tích được quy hoạch rừng sản xuất do Khu bảo tồn quản lý, thuộc địa ấp 2, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu). Dự án Safari được thực hiện theo hình thức cho thuê môi trường rừng. Để tiến độ thực hiện dự án Safari sớm triển khai, trong thời gian chờ được phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái (cơ sở để được thực hiện dự án Safari), từ năm 2021, Khu bảo tồn khởi động công tác khảo sát vị trí để xây dựng dự án.
Theo mục tiêu tại dự thảo của dự án Safari, đến năm 2025, lượng khách du lịch đến Khu bảo tồn đạt 94 ngàn lượt/năm, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 94 tỷ đồng. Đến năm 2030 đạt 500 ngàn lượt khách/năm, doanh thu đạt khoảng 374 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu bảo tồn cho biết, Đề án Du lịch sinh thái của Khu bảo tồn đã trải qua nhiều lần góp ý, họp Hội đồng thẩm định và chỉnh sửa, trình thẩm định nhưng đến nay vẫn chưa được thẩm định và phê duyệt nên không thể triển khai ngay các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí, trong đó có 2 dự án trọng điểm là Khu nuôi động vật bán hoang dã (safari) và Công viên thể thao hàng không Đồng Nai.
Theo ông Hảo, nếu Đề án Du lịch sinh thái được thông qua thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt thì đây sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai dự án Safari theo kế hoạch, góp phần thúc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho cộng đồng dân cư tại địa phương.
Tuy nhiên, đơn vị thẩm định dự án là Sở NN-PTNT cho rằng, dự án Safari có những vấn đề vướng mắc từ các quy định tại Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lâm nghiệp, cùng những ý kiến thảo luận với Bộ NN-PTNT… nên đến nay, thủ tục thẩm định dự án vẫn chưa thể thông qua. Bên cạnh đó, đơn vị thẩm định cũng kiến nghị một số vấn đề liên quan dự án như: xác định mục tiêu, quy mô, vị trí, loại đất rừng, tên gọi của dự án.
Cần đẩy nhanh tiến độ
Dự án Safari là dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Tại Việt Nam, dự án Safari mới chỉ khai thác quy mô nhỏ, chưa thật sự tạo được sự ấn tượng trong lòng du khách trong nước và quốc tế. Đồng Nai với lợi thế có tài nguyên rừng phong phú, việc mở một dự án du lịch sinh thái tầm cỡ giữa rừng là mong chờ của nhiều người dân.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Đồng Nai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch ở phân khúc cao cấp. Hiện nay, một số tỉnh khu vực Đông Nam bộ đều muốn làm safari nhưng không địa phương nào có địa thế và nguồn tài nguyên phong phú như Đồng Nai. Đây được xem như cuộc đua làm safari nên nếu địa phương nào làm trước sẽ thắng. Sử dụng rừng làm safari sẽ tôn tạo và phát huy những giá trị rừng để con người tiếp cận rừng trong một tư thế bảo vệ và thưởng lãm. Hiện nay, một số tỉnh đã có safari nhưng chưa đúng tầm. Đồng Nai cần cân nhắc và đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thực hiện dự án. |
Bà Hoàng Ngọc Lan (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, thông tin Đồng Nai có kế hoạch mở dự án Safari giữa rừng bà rất vui và mong chờ dự án sớm hình thành để phục vụ nhu cầu dã ngoại, vui chơi giải trí của người dân. Bà Loan chia sẻ, bà đã từng tham quan safari ở Phú Quốc và một số vườn thú tại các tỉnh, thành trong cả nước nhưng bà vẫn chưa thật sự thích thú bởi những điểm bà từng đi qua chưa thật sự phong phú về các loài thú, chưa tạo được ấn tượng cho khách du lịch. Do đó, bà mong muốn Đồng Nai sớm khai thác lợi thế của mình để hình thành một dự án đẳng cấp của cả nước và khu vực Đông Nam Á, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Đồng Nai.
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhắc nhở, tỉnh đã chấp thuận cho gia hạn để Sở NN-PTNT hoàn thành thẩm định dự án nhưng đến nay vẫn kéo dài. Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, theo Nghị quyết XI của Đảng bộ tỉnh, du lịch là một trong 4 nhiệm vụ đột phá, là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hiện nay Safari là một trong 8 dự án phát triển du lịch đang vướng các quy định, do đó, Sở NN-PTNT cần nhanh chóng hoàn thành thẩm định dự án, đồng thời chịu trách nhiệm chính về những ý kiến, đề xuất theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, tất cả những ý kiến, đề xuất phải có căn cứ, dựa trên những quy định cụ thể để tỉnh có hướng xem xét vấn đề thấu đáo nhất.
Ngọc Liên
Phó giám đốc Sở TN-MT TRẦN THẾ VINH:
Tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học
Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai có những quy định khắt khe bởi những giá trị rất lớn về bảo tồn thiên nhiên. Hiện nay, dự án ghi nhận những ý kiến khác nhau từ các sở, ngành và trung ương nên chưa có được tiếng nói chung. Do đó, tỉnh nên xem xét vấn đề có cần thiết mở một cuộc hội thảo hay không để mời các nhà khoa học, chuyên gia du lịch và các đơn vị đang khai thác dự án Safari tương tự để cùng lắng nghe những ý kiến, kinh nghiệm để rút ra bài học khi thực hiện dự án của địa phương.
Phó giám đốc Sở KH-ĐT TRẦN VŨ HOÀI HẠ:
Xác định rõ vị trí, phân loại rừng trong dự án Safari
Đơn vị chủ rừng nên xác định lại vị trí làm dự án thuộc loại rừng gì, có được làm dự án hay không, vì đây là mấu chốt để tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo.
Qua đó, đơn vị thẩm định cần khẳng định rõ khi đề xuất phương án xử lý và có những cơ sở pháp lý cụ thể về việc không thực hiện được dự án Safari là do vị trí không hợp lý, tên dự án hay đơn vị khai thác chưa phù hợp? Theo nội dung đề nghị điều chỉnh của đơn vị thẩm định cần nói rõ điều chỉnh như thế nào, lý do vì sao phải điều chỉnh, không thể đưa ra những nội dung chung chung kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Thủy Mộc (ghi)