Từ năm học 2023-2024, Đồng Nai sẽ chính thức thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2022-2025) theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Từ năm học 2023-2024, Đồng Nai sẽ chính thức thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2022-2025) theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.
Sinh viên sư phạm Trường đại học Đồng Nai trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: C.NGHĨA |
Theo đó, những sinh viên sư phạm thuộc diện giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo sẽ có cơ hội được hỗ trợ mỗi tháng là 3,6 triệu đồng (10 tháng/năm học) trong suốt quá trình học tập tại cơ sở đào tạo. Khi tốt nghiệp, sinh viên phải về công tác tại Đồng Nai với thời gian tối thiểu gấp đôi thời gian hỗ trợ đào tạo.
Sẵn sàng đặt hàng đào tạo
Để có thể giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên, Sở GD-ĐT đã rà soát nhu cầu sử dụng giáo viên của tỉnh từ năm 2020-2025 của các địa phương và đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT quản lý. Cụ thể, nhu cầu tuyển sinh, đào tạo giáo viên thực hiện trong năm 2023 là 1.136 người, năm 2024 là 1.075 người và năm 2025 là 1.044 người.
Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai LÊ ANH ĐỨC: Nhà trường đủ năng lực nhận nhiệm vụ đặt hàng đào tạo Nghị định 116/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là rất ưu việt, tạo động lực thu hút sinh viên vào học các ngành sư phạm. Khi sinh viên có hộ khẩu tại Đồng Nai được hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt tại tỉnh thì càng trở nên thuận lợi cho các em nhiều hơn. Với truyền thống là cái nôi đào tạo sư phạm của tỉnh, Trường đại học Đồng Nai luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên của tỉnh. |
Nhu cầu giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên của tỉnh từ nay đến năm 2025, giáo viên ngành sư phạm tiểu học chiếm số lượng nhiều nhất với 1.964 người, tiếp đó là ngành sư phạm Tin học, sư phạm Ngữ văn, sư phạm Âm nhạc, sư phạm Mỹ thuật, sư phạm Khoa học tự nhiên (mỗi ngành từ 200-300 người).
Bên cạnh đó là sư phạm mầm non trình độ đại học 754 người và cao đẳng mầm non 531 người. Đây cũng là những ngành học đang thiếu và khó tuyển giáo viên do nhu cầu đăng ký học rất ít.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên của tỉnh, tỉnh sẽ căn cứ vào tình hình để giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo một cách công bằng, công khai, minh bạch. Tỉnh cũng xây dựng tiêu chí lựa chọn sinh viên để hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên, thứ nhất là sinh viên có hồ sơ hỗ trợ kinh phí nộp cho cơ sở đào tạo, thứ hai là có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, thứ ba là có điểm tuyển sinh đầu vào phù hợp với các ngành tỉnh có nhu cầu đào tạo.
Phó trưởng phòng Tổ chức Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Trúc Tự cho biết, Sở đã tham mưu cho tỉnh báo cáo với Bộ GD-ĐT về nhu cầu giáo viên của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên. Dự kiến tháng 6 tới, Sở GD-ĐT sẽ chính thức giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo những sinh viên sư phạm đầu tiên theo chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí.
Giáo viên Trường TH-THCS Lương Thế Vinh (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) hướng dẫn bài tập cho học sinh. Ảnh: CÔNG NGHĨA |
Sinh viên sư phạm được hưởng hỗ trợ kinh phí đặt hàng đào tạo có nghĩa vụ bồi hoàn kinh phí nếu không về công tác tại các cơ sở giáo dục công lập hoặc tư thục của tỉnh. Sẽ có 2 trường hợp sinh viên phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ đào tạo. Trường hợp thứ nhất là trong thời gian 2 năm kể từ ngày nhận quyết định tốt nghiệp nhưng không về công tác tại các cơ sở giáo dục công lập hoặc tư thục của tỉnh. Trường hợp thứ 2 là sinh viên về nhận công tác tại các cơ sở giáo dục công lập hoặc tư thục nhưng không đủ thời gian gấp 2 lần thời gian được hỗ trợ đào tạo cũng phải có nghĩa vụ hoàn trả số tiền đã nhận hỗ trợ.
Kỳ vọng từ chính sách hỗ trợ
Chính sách hỗ trợ tiền học phí và sinh hoạt phí dành cho sinh viên sư phạm được chờ đợi từ lâu và kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến trong thu hút sinh viên theo học ngành sư phạm vốn đang bị thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Nhiều cơ sở giáo dục công lập đang thiếu giáo viên ở những môn học như: Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong ảnh: Giáo viên Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) với lớp học gần 50 học sinh |
Theo Ban giám hiệu Trường đại học Đồng Nai, Nghị định 116/2020 của Chính phủ đã có từ năm 2020, từ đó đến nay rất nhiều sinh viên chờ đợi được hưởng chính sách này. Nhà trường mong mỏi cho sinh viên, vì khi được hưởng sinh viên sẽ đỡ khó khăn hơn trong quá trình học tập.
Chị Nguyễn Thu Trang, sinh viên Khoa Sư phạm tiểu học cho biết: “Trước khi xét tuyển vào Trường đại học Đồng Nai, tôi đã biết có chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Nhà trường đã thông báo cho sinh viên đăng ký nhưng tới nay vẫn chưa rõ những sinh viên nào được nhận hỗ trợ. Khi nhận hỗ trợ thì có những ràng buộc gì với sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học hay không”.
Còn chị Phan Thị Huyền, sinh viên ngành sư phạm Vật lý Trường đại học Đồng Nai cho hay, lớp sư phạm Vật lý của chị có 11 sinh viên nhưng hiện chỉ còn 7 sinh viên sau khi trải qua 3 năm học. Trong số những sinh viên đã bỏ học, có trường hợp khó khăn, có trường hợp không đủ kiên nhẫn bám nghề đã chọn. Nếu có chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí được triển khai sớm hơn, sinh viên sư phạm sẽ bớt đi khó khăn. “Hiện tôi chỉ còn 1 năm học là tốt nghiệp nên chắc không còn cơ hội nhận hỗ trợ nữa” - chị Huyền nói.
Việc Đồng Nai ban hành chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng không chỉ thu hút sự quan tâm của Trường đại học Đồng Nai mà còn nhiều cơ sở đào tạo sư phạm khác. Chẳng hạn tại Trường đại học Sư phạm TP.HCM có khá đông sinh viên người Đồng Nai đang học tập ở trường này. Nếu sinh viên chấp nhận về tỉnh công tác sau khi tốt nghiệp đại học thì có thể nhận được hỗ trợ. Điều này cũng giúp sinh viên bớt đi khó khăn trong quá trình học tập và phấn đấu tốt nghiệp thành công.
Các địa phương, cơ sở giáo dục đang rất mong chờ chính sách này. Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho biết: “Huyện đang thiếu nhiều giáo viên mầm non, tin học, âm nhạc cho các trường nhưng khó tuyển dụng. Hy vọng sau khi có chính sách hỗ trợ đặt hàng, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp sẽ nhiều hơn”.
Công Nghĩa
Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH:
Chính sách gắn quyền lợi và nghĩa vụ với người học
Sở GD-ĐT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ triển khai việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo kế hoạch. Các chính sách hỗ trợ sẽ được tận dụng triệt để đem lại quyền lợi cho sinh viên, đồng thời tạo thuận lợi cho các cơ sở được giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo.
Đồng thời, Sở cũng sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình sinh viên được hưởng thụ chính sách thực hiện nghĩa vụ ra sao, không để thất thoát hay lãng phí nguồn lực đào tạo nhân lực của tỉnh.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom LƯU THỊ NGỌC QUẾ:
Kỳ vọng giải quyết được bài toán thiếu giáo viên
Chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực sư phạm ngày một tốt hơn, khuyến khích các cơ sở đào tạo sư phạm nâng cao chất lượng đầu vào, đồng thời thu hút người học. Điều kiện để nhận được hỗ trợ chi phí học tập và sinh hoạt với sinh viên sư phạm cũng không quá khắt khe, thậm chí là thuận lợi.
Do đó, chúng tôi kỳ vọng sắp tới tỉnh sẽ thu hút và đào tạo được một đội ngũ sư phạm trẻ có năng lực, giàu tình yêu nghề, nhất là ở những bậc học, môn học mà ngành đang thiếu giáo viên.
Thành Nam (ghi)