Mới đây, một học sinh lớp 6 Trường THCS Tân Bửu (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) tử vong trong tiết học thể dục tại trường khiến dư luận xôn xao.
Học sinh một trường THCS ở H.Tân Phú trong giờ học thể dục |
Theo Ban giám hiệu Trường THCS Tân Bửu, ngay khi phát hiện học sinh có dấu hiệu sức khỏe bất thường trong tiết học thể dục, giáo viên nhà trường đã sơ cứu và chuyển em đến cơ sở y tế nhưng rất tiếc em đã không qua khỏi, để lại sự bàng hoàng trong giáo viên và học sinh của trường.
Lo ngại sức khỏe học đường
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:
Gia đình cần thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của học sinh
Ngành GD-ĐT luôn đặt mục tiêu phát triển và giáo dục học sinh toàn diện. Học sinh muốn học tốt trước hết cần phải có sức khỏe tốt, tinh thần luôn thoải mái và tràn đầy năng lượng tích cực. Cách chăm sóc và giáo dục học sinh tốt nhất vẫn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Hơn ai hết, phụ huynh cần là những người chủ động cho con khám sức khỏe để sàng lọc những bệnh lý bất thường, tránh cho những rủi ro đáng tiếc trong quá trình học tập của học sinh. Ngành luôn có những phương pháp giáo dục thể chất phù hợp cho những học sinh có sức khỏe không tốt, đồng thời tạo điều kiện cho các em trong đánh giá kết quả học tập và rèn luyện.
Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) TS-BS NGUYỄN THỊ MINH ĐỨC:
Tận dụng “thời gian vàng” cấp cứu trẻ đột quỵ
Khi trẻ có những cơn đau đầu kèm theo nôn ói, méo miệng, tê yếu nửa người, co giật, lơ mơ, cần nhanh chóng chuyển trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Phụ huynh không nên sử dụng các biện pháp xử trí dân gian sẽ làm trễ “thời gian vàng” cấp cứu cho trẻ.
Chị NGUYỄN THỊ BÌNH, phụ huynh học sinh ở P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa:
Cần bố trí giờ học thể chất phù hợp
Học sinh cần được giáo dục thể chất trong trường học, tuy nhiên các trường cần chú ý bố trí giờ học thể chất sao cho phù hợp và linh hoạt. Chẳng hạn, tránh việc sắp xếp các tiết học thể dục vào cuối buổi sáng hoặc đầu giờ chiều, vì thời gian này thời tiết thường nắng nóng, học sinh khó thích nghi. Trong điều kiện không có nhà thể thao đa năng, nhà trường cần có thêm nhiều cây xanh ở sân trường vừa tạo bóng mát, vừa tạo thêm oxy cho không khí trong lành, bởi nhìn thấy học sinh phải học thể dục giữa trời nắng gắt phụ huynh không thể yên tâm về sức khỏe của con.
Đặng Công (ghi)
Hiệu trưởng một trường THCS tại H.Trảng Bom cho biết, những ngày qua, thời tiết liên tục nắng nóng, do đó nhà trường phải cân nhắc việc triển khai các tiết học thể dục ngoài trời, vì nắng nóng kết hợp với tập luyện rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Đặc biệt, từ khi nghe tin có một học sinh ở TP.Biên Hòa tử vong trong tiết học thể dục, nhà trường đã triển khai ngay đến giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh các lớp phải chú ý đến sức khỏe của học sinh, đề phòng nguy cơ các em bị sốc nhiệt do thời tiết, nhất là nguy cơ đột quỵ đang có chiều hướng trẻ hóa chứ không chỉ xảy ra với người lớn tuổi.
Theo Điều 12 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, ban hành ngày
12-12-2011, những trường hợp sau học sinh được miễn học môn Thể dục, phần thực hành môn Giáo dục quốc phòng - an ninh: Học sinh gặp khó khăn trong học tập môn học nào đó do mắc bệnh mãn tính, bị khuyết tật, bị tai nạn hoặc bị bệnh phải điều trị. Học sinh bị ốm đau hoặc tai nạn chỉ áp dụng trong năm học, các trường hợp bị bệnh mãn tính, khuyết tật hoặc thương tật lâu dài được áp dụng cho cả năm học hoặc cả cấp học. Các trường hợp học sinh được miễn học phần thực hành sẽ được kiểm tra bù bằng lý thuyết để có đủ cơ số điểm theo quy định.
Rất cần thiết phải khám sức khỏe định kỳ
Theo các chuyên gia sức khỏe, sở dĩ bệnh đột quỵ ngày càng xuất hiện nhiều trong những người trẻ, thậm chí là lứa tuổi trẻ em, là do áp lực học tập, ít vận động, ăn uống không hợp lý. Có nhiều học sinh ngồi học một chỗ nhiều giờ trong ngày, khi kết thúc việc học lại chuyển sang dùng các thiết bị di động giải trí, khiến cơ thể mệt mỏi và càng không muốn vận động để cải thiện sức khỏe. Phần lớn các trường hợp đột quỵ ở trẻ em là do xuất huyết não vì tăng huyết áp, trong khi trẻ em lại không đủ khả năng tự nhận biết và đề phòng nguy cơ bị đột quỵ.
Theo ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, những trẻ em bị đột quỵ đến cấp cứu tại bệnh viện thường có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là dị dạng mạch máu não bẩm sinh, khi gặp một yếu tố tác động nào đó thì rất dễ bị đột quỵ. Thứ hai là rối loạn chuyển hóa, trong đó có bệnh tim, tiểu đường, tuyến giáp…, dễ gặp nhất là tiểu đường, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì mới bộc lộ ra. Thứ ba là những em bị hen suyễn, rất cần được chú ý thường xuyên. Tuy nhiên, có những em bị hen suyễn ở dạng tiềm ẩn, khó nhận ra, chỉ khi hoạt động mạnh, cơ thể cần một lượng oxy nhất định nhưng phổi lại không cung cấp đủ nên xuất hiện cơn hen.
Hiện nay, việc khám sức khỏe định kỳ ở trẻ em vẫn đang bị bỏ ngỏ. Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Long Khánh cho hay, hàng năm nhà trường có phối hợp với trạm y tế phường khám sức khỏe định kỳ cho học sinh nhưng chỉ là những bệnh liên quan đến tai, mắt và răng. Các thiết bị dùng để khám chỉ dừng lại ống nghe nhịp tim, máy đo huyết áp, dụng cụ nha khoa… nên khó có thể phát hiện những bệnh lý phức tạp. Nhà trường muốn tổ chức khám chuyên sâu cho học sinh nhưng vấn đề kinh phí cũng khá nhạy cảm.
Nói về những lợi ích của khám sức khỏe định kỳ đối với trẻ em, ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, lâu nay thường chỉ những người lớn, người đi làm trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới chú ý đến việc khám sức khỏe định kỳ. Đối với trẻ em ở các trường học, việc khám sức khỏe định kỳ gần như bị bỏ ngỏ, trong khi đây là việc làm rất cần thiết. Nhờ được sàng lọc sớm và có các khuyến cáo kịp thời, có thể tránh được các rủi ro thông qua các biện pháp can thiệp cho học sinh, giúp phụ huynh và nhà trường có được biện pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp cho trẻ.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin